CEO VinaCapital: “Việt Nam sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn với khả năng sinh lợi hơn 7% trong thập niên tới”

Thứ tư, 29/04/2020, 14:50
Ông Don Lam nhận định: “Các quỹ hưu trí tại Mỹ đang chịu nhiều áp lực tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn với khả năng sinh lợi hơn 7% trong thập niên tới”.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital Việt Nam.

Nỗ lực “làm phẳng đường cong” Covid-19 của Việt Nam được quốc tế ghi nhận

Ông Don Lam, Tổng giám đốc VinaCapital tại Việt Nam trong bài phát biểu tại Diễn đàn Tài chính quốc tế Seoul (Seoul International Finance Forum) tổ chức ngày 22/4/2020 cho rằng công cuộc phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Đây cũng là điểm cộng cho việc khôi phục kinh tế sau dịch khi Việt Nam được chọn là điểm đến an toàn của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.

Trả lời câu hỏi tại sao Việt Nam vẫn giữ được tăng trưởng trong đại dịch, ông Don Lam cho biết cùng với việc chống dịch về mặt y tế, về kinh tế chính phủ Việt Nam đã đưa ra gói hỗ trợ có tổng trị giá khoảng 4,7% GDP. Hiện tại, gói an sinh xã hội ước tính 2,6 tỷ USD đang giải ngân hỗ trợ người lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hộ kinh doanh gia đình và các hộ nghèo trong 3 tháng.

Bên cạnh đó, các khoản vay không lãi suất trị giá 700 triệu USD sớm được áp dụng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp để duy trì và trả lương cho nhân viên trong tình hình khó khăn cũng như việc tạm dừng đóng bảo hiểm tới tháng 12/2020.

Chính phủ cũng dành ra gói hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp có tổng trị giá 3,4 tỷ USD, nhưng có thể tăng gần gấp đôi nếu cần. Gói này áp dụng cho nhiều ngành nghề, kéo dài thời gian đóng các loại thuế (VAT, thuế DN, thuế TNCN có liên quan tới hộ gia đình).

Cuối cùng, gói hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ sớm ban hành với lãi suất cho vay ưu đãi. Gói hỗ trợ này lên tới 13 tỷ USD và không nằm trong gói hỗ trợ chiếm 4,7% GDP đề cập ở trên.

Ông Don Lam cho rằng, Việt Nam đang áp dụng quyết liệt các biện pháp về y tế và kinh tế để khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, đã giúp cho việc “làm phẳng đường cong” Covid-19 tại Việt Nam.

Một số nghiên cứu cho thấy điều kiện khí hậu nhiệt đới và dân số trẻ là những yếu tố ảnh hưởng tích cực tới diễn biến dịch bệnh tại Việt Nam, bao gồm số ca nhiễm thấp, mức độ nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong thấp.

Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét các biện pháp nới lỏng các biện pháp chống dịch đang áp dụng. Không ai muốn dịch bệnh bùng phát trở lại khi đã kiểm soát được nó.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với một số thiệt hại do đại dịch. Đầu tiên là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Với tổng giá trị xuất nhập khẩu vào khoảng 200%GDP, Việt Nam phải mất một thời gian khôi phục lại khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang bị phá vỡ bởi dịch bệnh.

Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất. Với 1/3 lượng hàng nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc, chủ yếu là lắp ráp gia công sản phẩm sản xuất. Hiện nay, Trung Quốc đang dần khởi động lại nhưng phải mất một thời gian dài để mọi thứ trở lại bình thường. Thêm vào đó, nhu cầu đối với các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tại trường Châu Âu và Châu Mỹ cũng bị giảm cho tới khi các thị trường này mở cửa trở lại.

Du lịch về cơ bản đã bị đình trệ và tình hình này còn kéo dài ngay cả khi các nước mở cửa biên giới, các hãng hàng không trên thế giới đã và đang cắt giảm phần lớn lịch trình bay. Cuối cùng, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng giảm đáng kể, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

VND ổn định là “nam châm” hút vốn ngoại

Đầu năm 2020, Việt Nam dự kiến tăng trưởng GDP ở mức 6,5%. Đến nay, VinaCapital ước tính GDP năm nay của Việt Nam tăng trưởng khoảng 4%.

Đồng nội tệ Việt Nam nhìn chung vẫn ổn định. Sự ổn định của các loại tiền tệ được chú ý nhiều. Tuy nhiên, trong vài năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên duy trì sự ổn định này. Kết quả là đồng tiền Việt Nam đã tốt hơn nhiều so với các loại tiền tệ trong khu vực cũng như các thị trường mới nổi khác.

Việt Nam đang ở vị thế tốt hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Vào thời điểm đó, VND giảm khoảng 20% đã gây lo ngại của một số nhà đầu tư quốc tế.

Vào thời điểm đó, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tương đương với 01 tháng nhập khẩu. Hiện tại, dự trữ ngoại tệ đã lên tới 85 tỷ USD, hoặc khoảng 4 tháng nhập khẩu, tốt hơn so với khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB).

Thặng dư tài khoản hiện tại của đất nước, tích góp trong hơn 9 năm nay cũng góp phần vào sự ổn định này. Có rất ít nguy cơ “chảy máu tiền nóng” như đã thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chính phủ Việt Nam đã cho thấy có sự chuẩn bị từ những bài học rất có giá trị cách đây một thập kỷ, cho phép Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19.

Biến động của VND và một số đồng tiền trong khu vực trong đại dịch Covid-19. Dự trữ ngoại ngoại hối của Việt Nam tương đương 33% GDP. (Nguồn: VinaCapital).

VinaCapital tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh bởi các lý do:

- Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang tiếp tục đổ vào. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung dự kiến sẽ tiếp tục, thậm chí gia tăng.

- Quá trình toàn cầu hoá sẽ tiếp tục nhưng không có khả năng khởi đầu một thời kỳ mới, tập trung nhiều hơn về các khu vực chứ không phải phạm vi toàn cầu.

- Chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục được đa dạng hoá tốt hơn, do các công ty đã nhận ra những rủi ro đáng kể - nếu trước đây họ chưa từng nhận ra rủi ro từ việc gom cơ sở sản xuất và nguồn cung nguyên liệu thô vào trong một nơi.

- Các nhà đầu tư có cách nhìn khác về thị trường cận biên và mới nổi như Việt Nam. Số lượng tiền lớn được in ở các nước phát triển và Fed (Mỹ) dự báo mức độ sinh lời thấp của thị trường chứng khoán Mỹ trong tương lai gần sẽ khiến họ thấy tỷ lệ sinh lời của thị trường Việt Nam trở nên hấp dẫn.

- Ngay cả trước khi đại dịch, Việt Nam đã được các nhà sản xuất như Samsung, LG, Intel và các tập đoàn công nghệ điện tử lựa chọn làm nơi đặt nhà máy sản xuất. Thương chiến Mỹ - Trung kéo theo các mức thuế mới và các tình bất ổn phát sinh nhu cầu có thêm nhiều cơ sở sản xuất ở nhiều nơi. Hiện nay, để phát triển, Foxconn đã có động thái di chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc tới Việt Nam. Đây có thể là chất xúc tác giúp xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

“Mỹ đang bước vào một giai đoạn tương tự Nhật Bản với mức tăng trưởng thấp của nền kinh tế và thị trường chứng khoán. Việc nới lỏng định lượng và in tiền sẽ đạt 7.000 tỷ USD trong 2 năm tới. Các quỹ hưu trí tại Mỹ (quỹ đầu tư có quy mô tài sản quản lý lớn nhất) cũng đang chịu nhiều áp lực, chúng tôi kỳ vọng các thị trường như Việt Nam sẽ ngày càng trở nên hấp dẫn với khả năng sinh lợi hơn 7% trong thập niên tới”, ông Don Lam nhấn mạnh.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn