Các nước CPTPP đi ngược dòng xu thế bảo hộ giữa đại dịch

Thứ bảy, 02/05/2020, 09:02
Hàng loạt các biện pháp đã được thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương triển khai nhằm thúc đẩy tự do thương mại và dòng chảy hàng hóa.

Trong bối cảnh nhiều quốc gia siết chặt hạn chế về xuất khẩu các sản phẩm thiết yếu nhằm đối phó với virus corona, các thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) quyết định đi ngược dòng bảo hộ toàn cầu với các thỏa thuận nhằm thúc đẩy tự do thương mại, theo Nikkei Asia.

Hôm 22/4, một chiếc máy bay vận tải mang theo 20 tấn thịt từ New Zealand, bao gồm thịt bò và cừu, đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore. Đây là bước đi đầu tiên trong sáng kiến thương mại khởi động bởi các nước CPTPP vào tuần trước đó.

New Zealand và Singapore đã nhất trí dỡ bỏ các loại thuế và rào cản thương mại khác đối với hàng hóa được coi là thiết yếu trong cuộc chiến chống đại dịch, chủ yếu là vật tư y tế như găng tay, dung dịch sát khuẩn và thuốc men, cùng với các sản phẩm từ sữa và thịt. Đối với Singapore, quốc gia chỉ có thể tự chủ 10% sản lượng thực phẩm, biện pháp này giúp đa dạng nguồn cung và giảm nguy cơ thiếu thực phẩm.

Cac nuoc CPTPP di nguoc dong xu the bao ho giua dai dich hinh anh 1 CPTPP.jpg

Các thành viên CPTPP đang triển khai những biện pháp thúc đẩy tự do thương mại. Ảnh: Reuters.

Trong bối cảnh các biện giới hạn nhập khẩu gia tăng, cùng với cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ, 11 quốc gia trong khu vực CPTPP đang tìm cách giảm thiểu tối đã sự gián đoạn của dòng chảy hàng hóa bằng cách tăng cường phối hợp nội khối cũng như với các quốc gia ngoài khối.

Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Singapore Chan Chun Sing và người đồng cấp Nhật Bản Hiroshi Kajiyama hôm 1/5 đã nhất trí phối hợp cùng duy trì và thúc đẩy trao đổi các loại hàng hóa nông nghiệp và y tế. Trong bối cảnh số ca nhiễm Covid-19 tại hai nước đang tiếp tục gia tăng, ưu tiên của Singapore và Nhật Bản là bảo đảm nguồn cung ổn định của các mặt hàng quan trọng.

Hai quốc gia cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khởi nghiệp, sau khi đại dịch cho thấy tầm quan trọng của thương mại điện tử.

Cũng trong ngày 1/5, Singapore, Australia, Canada, New Zealand cùng một quốc gia nằm ngoài khối CPTPP là Hàn Quốc đã nhất trí xây dựng bộ hướng dẫn chung cho lữ hành xuyên biên giới nhằm giảm thiểu các cản trở về thủ tục hải quan. Bộ hướng dẫn được kỳ vọng sẽ làm rõ một số vấn đề như ưu tiên cho du khách từ các nước đã qua đỉnh dịch.

Tháng trước, một số quốc gia, bao gồm Singapore, Australia, New Zealand, Brunei, cũng như các quốc gia ngoại khối như Myanmar, đã ra tuyên bố chung cam kết hợp tác bảo đảm duy trì dòng chảy thương mại mở, bao gồm vận tải hàng không và hàng hải.

Các thành viên CPTPP coi thiết lập nhiều khuôn khổ quốc tế về hợp tác là biện pháp đối trọng với xu thế gia tăng bảo hộ mà nhiều quốc gia đang theo đuổi.

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã dừng xuất khẩu lúa mỳ, lúa mạch và các loại ngũ cốc khác trong quý sau nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Tại Đông Nam Á, Campuchia cũng đã dừng xuất khẩu gạo, trong khi Thái Lan cấm xuất khẩu trứng. Bangkok cũng đã hạn chế doanh nghiệp nước ngoài mua lại các công ty y dược trong nước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại các nước Australia, Singapore, New Zealand và Anh đã đăng tải bài xã luận chung nhấn mạnh tầm quan trọng của thương mại toàn cầu trong đại dịch Covid-19 hôm 28/4. Các bộ trưởng coi CPTPP, "mạng lưới mà Anh đang xem xét gia nhập, là cấu thành quan hệ then chốt nhằm thúc đẩy thương mại tự do toàn cầu".

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích