Ngân hàng Nhà nước trước đó cho biết, không công khai danh sách "mươi" ngân hàng yếu kém nằm trong nhóm 3 và 4. Trên thực tế, trên thị trường, ngay sau khi được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, một số đơn vị đã có trong tay "danh sách đen" các nhà băng nằm trong nhóm "tử". Nhiều nhà đầu tư đặt nghi vấn về việc ngân hàng không dùng hết "quota" được cấp sẽ làm gì, và liệu có gì khuất tất trong tăng trưởng tín dụng hay không.
Chiều 12/3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã giải đáp mọi thắc mắc này. Ông nói: "Nếu giả sử có gì đó khuất tất và không công bằng, các tổ chức tín dụng sẽ là người phản ứng mạnh nhất vì đó là quyền lợi sát sườn của họ". Ông nói thêm, từ khi công bố chỉ tiêu tăng tín dụng đến nay, về cơ bản, các ngân hàng đều đồng tình, vì chính các đơn vị này sẽ hiểu mình hơn ai hết. "Từ kết quả đó, có thể thấy, việc phân nhóm tăng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước với các ngân hàng, đến thời điểm này, là phù hợp", người đứng đầu Ngân hàng Trung ương nhấn mạnh.
Cũng trong buổi họp báo công bố giảm lãi suất chiều 12/3, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng năm 2012 sẽ ưu tiên nội lực, dù có nhiều tổ chức nước ngoài rất quan tâm vấn đề này. Theo ông, đó là thách thức, nhưng cũng là cơ hội đối với ngân hàng, tổ chức trong nước. Ông bày tỏ, việc ngân hàng thương mại tăng vốn sở hữu, sở hữu chéo tại nhà băng khác, mua bán, sáp nhập... vẫn phải đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, số liệu thống kê từ các ngân hàng đến ngày 8/3 cho thấy, tăng trưởng tín dụng giảm 2,25% so với đầu năm. Còn theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, con số giảm thực là 1,27%. Có sự chênh lệch giữa 2 con số nói trên là vì tại nhiều ngân hàng có hiện tượng "tín dụng ảo". Điều này bắt nguồn từ việc các ngân hàng biết trong năm 2012, chỉ tiêu tín dụng sẽ không cào bằng, mà có sự phân tách nên đưa mẫu số dư nợ cho vay lên cao. "Có một nhóm đẩy tín dụng lên rất mạnh, nhưng đến đầu năm 2012 lập tức trở lại mặt bẳng cũ", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Theo Vnexpress