Gửi tiền Việt lợi gấp 2 lần USD

Thứ ba, 13/03/2012, 11:05
Với mức lạm phát cả năm dự kiến được kiểm soát tối đa 10%, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình, người gửi tiền vẫn hoàn toàn có lợi khi lãi suất (LS) huy động hạ còn 13%/năm. Cùng đó, LS cho vay bình quân trong hệ thống tới đây sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng từ 14,5 - 16,5%/năm.


Trước khi diễn ra họp báo công bố hạ LS chiều qua (12.3), NHNN đã ban hành 2 quyết định quan trọng đưa mặt bằng tất cả các loại LS giảm 1 điểm phần trăm so với mức cũ.

Cụ thể, LS tái cấp vốn từ 15%/năm xuống 14%/năm; cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên NH từ 16%/năm xuống 15%/năm, LS tái chiết khấu từ 13%/năm xuống 12%/năm, đặc biệt tại các tổ chức tín dụng LS huy động giảm từ trần 14%/năm xuống trần 13%/năm đối với kỳ hạn 1 tháng trở lên và dưới 1 tháng, cũng như không kỳ hạn giảm từ 6%/năm xuống 5%/năm.

Chiều 12.3, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã trao đổi với báo chí để làm rõ hơn các quyết định trên.
 

Theo Thống đốc NHNN, gửi tiền đồng có lãi hơn 2 lần gửi USD
 

LS sẽ linh hoạt theo lạm phát

Xin Thống đốc cho biết, hạ LS thời điểm này có phù hợp với diễn biến của thị trường không, hay chỉ là biện pháp hành chính?

Như chúng ta đã thấy, lạm phát từ tháng 8 trở lại đây đã có chiều hướng liên tục giảm. Tín hiệu này rất tốt và là tiền đề để NHNN có thể tính tới chuyện hạ LS. Nhưng mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ phải tính đến thanh khoản của các tổ chức tín dụng (TCTD). Những năm trước đây, hệ số sử dụng vốn của các TCTD rất cao, toàn hệ thống trên 100%, ngoài ra có tới 80% nguồn vốn huy động là ngắn hạn, trong khi đó 40% tín dụng trung và dài hạn.

Bất cập trên khiến khó khăn thanh khoản tích tụ qua nhiều năm. Cho đến nay, khi thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, nguồn vốn ngắn hạn bị thu hẹp, khó khăn trên đã bộc lộ rõ rệt hơn. Tuy nhiên, hiện nay bằng nhiều giải pháp, thanh khoản đã cải thiện một bước đáng kể. Do đó chúng tôi có đủ điều kiện để giảm LS. 

LS giảm trong bối cảnh giá mặt hàng năng lượng như xăng, gas tăng mạnh. Theo Thống đốc, nếu giá gas, xăng, điện tăng tiếp thì LS có tăng theo không, nếu không được điều chỉnh như thế nào?

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu tăng 10% giá năng lượng, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) cả năm 2012 tăng 0,84%, mức này không ảnh hưởng lớn tới lạm phát chung. Nhìn rộng hơn, lạm phát của VN gồm 3 cấu phần, trong đó có do điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa.

Theo phân tích của NHNN, trung bình yếu tố này chiếm 1/2 CPI của VN. Ví dụ, năm 2011 lạm phát hơn 18%, lạm phát lõi do tiền tệ và tài khóa biến động 9 - 9,5%. Nửa còn lại phụ thuộc vào yếu tố thứ hai là giá cả bên ngoài và thứ ba việc điều hành giá trong nước, chủ yếu giá lương thực, thực phẩm. Như vậy, giá thế giới lên hay xuống, chúng ta không có cách nào kiểm soát được, chỉ kiểm soát được giá trong nước.

Năm 2011 chúng ta được mùa lớn, năm nay có tín hiệu sẽ tiếp tục thuận lợi hơn. Nếu lạm phát tăng lên trong 1 tháng hoặc thời gian ngắn vì lý do đột biến nào đó thì không thành vấn đề. Nếu tăng thành xu hướng rõ rệt, nhất định NHNN điều chỉnh LS tăng lên. Chúng ta không chủ quan, tuy nhiên năm nay tỷ trọng cho chiều hướng tăng này rất thấp.

Nhiều ý kiến lo ngại, giảm LS huy động khiến người dân không muốn gửi tiết kiệm, nguồn tiền gửi hệ thống bị sụt giảm. Thực tế, trước khi có quyết định, không ít người gửi tiền nhanh chóng đi đáo hạn sổ để gửi với kỳ hạn mới để vẫn được hưởng LS 14%/năm?

Trước khi hạ LS huy động, đi qua các sở và chi nhánh giao dịch, hầu hết các TCTD niêm yết bảng LS VND duy nhất 14%/năm và ngoại tệ USD 2%/năm. Đến nay, nhiều TCTD đã niêm yết với nhiều kỳ hạn và LS huy động khác nhau, thậm chí có TCTD chỉ 12%/năm. Điều đó chứng tỏ LS đã phù hợp với quy luật của thị trường.

Về hiện tượng một số người gửi nhanh chóng đi đáo hạn sổ tiết kiệm để gửi LS 14%/năm, điều đó chứng tỏ người gửi tiền tin vào chính sách của nhà nước. Thực tế cho thấy bản chất hạ LS lần này không hạ thấp giá trị của VND, bởi hiện nay so với mức độ lạm phát và tiền gửi USD, VND vẫn có giá.

Cụ thể, LS huy động ngoại tệ cao nhất 2%/năm, cộng với tỷ giá biến động như lời hứa của NHNN trong năm 2012 không quá 3%, nếu gửi ngoại tệ cả năm cao nhất chỉ được lãi 5%. Trong khi đó với mức lạm phát tối đa 10% trong năm 2012, gửi VND LS 13%/năm, đồng tiền vẫn có giá và người gửi tiền sẽ có lợi nhuận cao gấp hơn 2 lần so với gửi USD.

LS cho vay sẽ tiếp tục giảm

Sau khi hạ LS, mặt bằng LS vay có hạ không và ở mức nào, cao hay thấp so với sức khỏe của các doanh nghiệp (DN)?

LS huy động giảm, kể cả các LS chủ chốt khác như tái cấp vốn, tái chiết khấu… giúp thanh khoản của các NH tốt lên và có được nguồn tín dụng nhất định để cho vay, tạo tiền đề giảm lãi vay. Tới đây, mặt bằng LS cho vay ra sẽ phổ biến từ 14,5 - 16,5%/năm. Mức trên so với quá khứ là thấp, còn so với năng lực của các DN tất nhiên vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm với đà giảm của lạm phát mỗi tháng khoảng 1%, thì  trung bình mỗi quý LS có thể giảm được 1%/năm và DN hoàn toàn có khả năng vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định.

Thời gian qua chỉ số hàng tồn kho rất lớn, DN hầu như không hấp thụ được vốn dẫn tới đình đốn sản xuất, kinh doanh, thậm chí phá sản. Xin Thống đốc cho biết, tăng trưởng tín dụng của hệ thống từ đầu năm đến nay?

Tính đến 8.3, theo số liệu thống kê từ các TCTD, tăng trưởng tín dụng giảm 2,25% so với đầu năm, nhưng theo số liệu từ NHNN giảm 1,27%. Nguyên nhân 2 con số khác nhau vì có nhiều TCTD những ngày cuối năm 2011 đã tăng tín dụng ảo nhằm có khối lượng dư nợ tín dụng lớn vì biết trong năm 2012, NHNN sẽ không cào bằng tăng trưởng tín dụng mà có tỷ lệ khác nhau cho từng NH. Qua hệ thống, chúng tôi nhìn thấy có một nhóm NH đẩy tín dụng lên rất mạnh, nhưng lập tức một vài ngày đầu năm 2012 trở lại mặt bằng cũ. Nếu loại bỏ khoản ảo này, tăng tín dụng đến 8.3 giảm 1,27%. Tóm lại, tín dụng sau tết bắt đầu tăng do DN nghỉ ngơi, đi du lịch trong và ngoài nước nay đã quay trở lại sản xuất.

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn