Với 75 đầu xe máy dầu chạy các tuyến vận tải hành khách cố định, áp lực lớn nhất đối với ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Công ty cổ phần Xe khách Thái Bình lúc này là cố gắng không để doanh thu tiếp tục đi xuống, chứ chưa nghĩ đến việc điều chỉnh giá vé, dù giá dầu diezel vừa tăng thêm 1.000 đồng/lít (tương ứng mức tăng 5%).
“Dù chi phí giá thành bị đội thêm 2 -3%, nhưng chúng tôi sẽ cắt giảm chi phí khác để không phải điều chỉnh giá cước”, ông Hùng tính toán.
Trong khi đó, theo tính toán của ông Bùi Danh Liên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Thăng Long, với giá dầu hiện tại, nếu tính đúng, tính đủ, giá cước vận tải khách tuyến cố định có cự ly dưới 150 km sẽ phải tăng thêm khoảng 2.000 đồng/khách/lượt.
Theo ông Liên, mức tăng này là không bõ để Hợp tác xã in lại vé cũng như bù đắp chi phí thực hiện các thủ tục đăng ký điều chỉnh giá vé khá rườm rà theo quy định của Bộ Giao thông - Vận tải.
Đồng quan điểm với lãnh đạo hai đơn vị nói trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng khuyến cáo các doanh nghiệp vận tải chưa nên tính đến phương án tăng cước, bởi tác động của việc điều chỉnh giá dầu diezel - nhiên liệu chính của các đội xe vận tải khách và hàng hóa, theo tính toán là không lớn.
Trên thực tế, sau đợt cao điểm vận tải trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, lượng hành khách di chuyển bằng đường bộ bắt đầu sụt giảm mạnh. Theo phản ánh của Công ty Quản lý bến xe Hà Nội, từ giữa tháng 2/2012 trở lại đây, số lượng xe phải chạy rỗng một chiều do không có khách đã tăng lên đáng kể.
Đối với vận tải hàng hoá bằng ô tô, do các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá lớn đều đã ký hợp đồng với đơn vị cung cấp vận chuyển với thời hạn từ 6 tháng tới 1 năm nên việc có điều chỉnh giá cước hay không và thời điểm, mức điều chỉnh như thế nào sẽ còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán giữa hai bên.
“Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn trầm lắng, lượng hàng hóa vận chuyển ngày một ít đi, rất khó để nhà xe có thể ép được chủ hàng điều chỉnh giá cước”, ông Hùng bình luận.
Cũng cần nói thêm rằng, việc giá cước vận tải đường bộ, với tư cách là loại hình vận tải chủ lực, đặc biệt trong lĩnh vực vận tải hành khách, không có nhiều biến động sẽ góp phần “neo giá” của tất cả các ngành vận tải khác, bao gồm đường sông, đường sắt, đường biển và hàng không.
Nếu như giá cước vận tải hành khách tuyến cố định, vận tải hàng hóa bằng đường bộ không có nhiều biến động thì vận tải xe khách bằng taxi đang chịu sức ép rất lớn.
Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, do xăng tăng 2.100 đồng mỗi lít, các hãng taxi chắc chắn phải nghĩ đến việc điều chỉnh cước trong những ngày tới. Tuy nhiên, ngoại trừ Mai Linh có kế hoạch tăng 500 - 800 đồng/km, hầu hết các hãng taxi ở Hà Nội đều chưa có kế hoạch điều chỉnh giá cước.
Được biết, theo Thông tư số 129/2010/TTLB do liên Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Tài chính ban hành, giá cước vận tải hành khách đường bộ tuyến cố định; giá cước taxi; cước vận tải hàng hóa do các doanh nghiệp tự định đoạt, nhưng vẫn phải thực hiện kê khai giá, niêm yết cước và phù hợp với nguyên tắc và phương pháp tính giá do Nhà nước hướng dẫn.
“Trên thực tế, mức tăng giá xăng và dầu diezel vừa qua vẫn nằm trong tầm chịu đựng của các doanh nghiệp. Nhưng nếu việc thu phí xe cá nhân tại các đô thị và Quỹ Bảo trì đường bộ được triển khai trong năm nay, thì đó sẽ thực sự là cú sốc lớn cho những người làm dịch vụ vận tải đường bộ”, ông Bình lo lắng.
Theo Đầu Tư