Nên có cách nhìn rộng hơn về thâu tóm

Thứ hai, 12/03/2012, 11:54
Dù thị trường chứng khoán đã có những phiên tăng điểm ấn tượng, nhưng thống kê sơ bộ cho thấy, hơn 70% cổ phiếu tại 2 sàn vẫn đang giao dịch dưới giá trị sổ sách.


Thực trạng này cộng thêm thông tin Descon, Sacombank bị thâu tóm qua sàn, DN lại không thể kiểm soát được tình hình chuyển dịch cổ phiếu giữa các cổ đông đã khiến những lo ngại về khả năng DN bị thâu tóm tăng lên.

Từ năm ngoái, nhiều DN, như Sông Đà 27, Cáp Sài Gòn, Xây dựng 11… đã bày tỏ ý định rời sàn. Tuy nội tình của câu chuyện hủy niêm yết còn vì nhiều lý do khác, nhưng đúng như một lãnh đạo DN chia sẻ, việc hủy niêm yết giúp DN bớt lo bị thâu tóm bất ngờ.

Một số DN, như Sacombank thì chọn cách gom mua cổ phiếu quỹ, với mục đích làm bên mua chán nản. CTCP Âu Việt (AVS) thì thông qua giải pháp cho vợ của Chủ tịch Công ty  được quyền mua vượt tỷ lệ 25% cổ phần ở AVS mà không cần chào mua công khai.

Bên cạnh mặt được, các giải pháp chống thâu tóm đều có những nhược điểm đi kèm.

Chẳng hạn, động thái mua cổ phiếu quỹ của Sacombank đã không làm nhụt chí bên đi thâu tóm. Trong khi đó, chiêu thức này chỉ thích hợp khi DN đã trở thành đối tượng mục tiêu. Với những DN muốn chống thâu tóm từ xa, cách thức phòng vệ sẽ phải khác.

Còn nhớ giữa năm ngoái, Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ Vinacomin (V-Itasco) đã thực hiện tăng vốn từ 60 tỷ đồng lên 126 tỷ đồng để tìm thêm nguồn vốn cho phát triển kinh doanh và đầu tư các dự án. Tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin)-công ty mẹ của V-Itasco lại không muốn bỏ thêm vốn vào đây. Vì thế, Vinacomin và V-Itasco đã ngồi lại bàn bạc và đi đến giải pháp Vinacomin không cần góp thêm vốn, mà vẫn duy trì được quyền kiểm soát. Cụ thể, dù Vinacomin chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu 36% vốn ở V-Itasco, song điều lệ công ty (sửa đổi) vẫn cho phép Vinacomin có quyền trực tiếp hay gián tiếp bổ nhiệm đa số thành viên HĐQT và Tổng giám đốc.

Theo Luật DN, bằng cách thức này, V-Itasco vẫn là công ty con của Vinacomin. Vì vậy, giả sử bên đi thâu tóm nắm hết 64% cổ phần còn lại ở V-Itasco, thì họ cũng không thể điều hành DN. Tỷ lệ 64% này cũng không đủ để bên mua thực hiện việc sửa đổi, bổ sung điều lệ, vì quy định phải có ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết thông qua. Như vậy, V-Itasco đã dựng nên nhiều rào cản nhằm ngăn trở ý định thâu tóm từ bên ngoài. Đây là cách chống thâu tóm hữu hiệu, được nhiều DN ủng hộ.

Tuy nhiên, chuyên gia lo ngại rằng, nếu dùng chiêu thức này với liều lượng cao, DN có thể sẽ gặp thiệt hại.

Về nguyên tắc, không nhà đầu tư nào bỏ số tiền lớn vào DN, mà không tính tới chuyện trực tiếp tham gia điều hành, hỗ trợ hoạt động DN đạt hiệu quả cao hơn. Do đó, khi quyết “giành chỗ” ở những vị trí điều hành, thì khả năng V-Itasco kêu gọi được đối tác tốt, có thể thúc đẩy DN phát triển là rất thấp. Vô hình trung, V-Itasco đã bỏ qua cơ hội đón nhận những sức mạnh mới từ bên ngoài.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh REE cho rằng, DN cần có cái nhìn tích cực về vấn đề thâu tóm, không nên quá lo ngại mất quyền kiểm soát, mà “đóng cửa” trước các cơ hội phát triển.

Một nghiên cứu mới đây về thị trường mua bán và sáp nhập (M&A) của Mỹ cũng chỉ ra rằng, M&A mang lại giá trị lớn hơn cho cổ đông của bên bị thâu tóm. Nếu một DN chưa khai thác hết mọi tiềm năng của mình, thì sau khi bị thâu tóm có thể lại tạo ra những giá trị gia tăng theo hướng 1+1>2.

Trên thực tế, lãnh đạo DN vẫn có cách kiểm soát tình hình, mà không cần đến các  điều khoản chỉ có lợi cho cá nhân mình. Đó là luôn duy trì quan hệ tốt với các cổ đông lớn, chủ động tìm kiếm đối tác phù hợp thay thế, khi cổ đông cũ muốn thoái vốn; theo dõi sát sao sự dịch chuyển trong cơ cấu cổ đông; chủ động và minh bạch trong cung cấp thông tin…

Theo Đầu Tư

Các tin cũ hơn