Ngay cả nhà đầu tư nước ngoài cũng chuyển sang bán ròng tại HNX, với giá trị gần 10 tỷ đồng, tập trung vào các mã PVS, SHB, HPS…
Trong khi đó, họ vẫn tham gia mua vào với khối lượng tương đối lớn tại HOSE, tổng cộng hơn 5 triệu đơn vị. Họ mua gần 2 triệu cổ phiếu STB. Các mã JVC và MBB mỗi mã gần 700 ngàn đơn vị, ngoài ra còn có SSI, HSG, VCB, HPG…
Trên bảng điện tử, số lượng cổ phiếu giảm giá chiếm áp đảo.
HOSE có gần 190 mã giảm, trong đó 72 mã giảm sàn, có thể kể đến như HAG, SBS, KTB, NTB, PVF, VSH, QCG, OGC, SBT…
Sự sụt giảm của các mã vốn hóa lớn và nhỏ khiến VN-Index mất gần 7 điểm lúc 11h00, tương ứng 1.62% xuống 425.13 điểm.
Giao dịch đạt khoảng 45.4 triệu đơn vị, tương đương 711.38 tỷ đồng.
Tại HNX, có 67 mã rớt sàn trong số gần 180 mã giảm giá. Trong khi đó có khoảng 76 mã tăng, nhưng chỉ có 20 mã tăng trần. Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán tiếp tục bị giảm giá mạnh. Điều này làm cho HNX-Index rớt 1.86 điểm, tương ứng 2.6% xuống 69.7 điểm.
Giao dịch hết sức èo uột với 26.6 triệu đơn vị, tương đương 250 tỷ đồng.
Sau 10h00: Cổ phiếu đang nóng bị xả hàng mạnh
Hàng loạt cổ phiếu đầu cơ trên cả hai sàn đều đồng loạt giảm kịch sàn sau khi nhận được “trát” yêu cầu giải trình tăng trần nhiều phiên liên tiếp từ các Sở.
Những mã từng tăng trần hàng chục phiên liên tiếp như SBS, NTB, BGM, PXL… bị bán sàn không thương tiếc, ngoại trừ NVT vẫn kiên trì tăng trần, với dư mua gần 1.5 triệu đơn vị.
TNT cũng bất ngờ tăng kịch trần, với lực cầu áp đảo.
Tương tự, tại HNX những cổ phiếu từng tăng giá mạnh mẽ những ngày trước đây như SCR, KSD, IDJ và một loạt cổ phiếu chứng khoán đều giảm sàn hàng loạt nhưng không có người mua.
Thanh khoản thị trường cho đến 10h20 vẫn khá ảm đạm so với các phiên trước, cho thấy bên mua không còn hào hứng để tham gia bắt đáy.
Tại HOSE có khoảng 34 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương đương 537 tỷ đồng, trong đó SBS dẫn đầu về giao dịch với hơn 3 triệu đơn vị, tiếp theo là STB, MBB, TNT và EIB…
Ở HNX có 23.5 triệu đơn vị, trị giá 223.5 tỷ đồng. PVX dẫn đầu về khối lượng chuyển nhượng nhưng chỉ đạt hơn 1.85 triệu đơn vị, tiếp theo là SHB với gần 1.5 triệu đơn vị.
9h45: Tiếp tục xả ngân hàng, BĐS cũng giảm mạnh
Áp lực bán ra cổ phiếu ngân hàng làm cho các chỉ số của hai sàn mở rộng biên độ giảm, đặc biệt HNX-Index chính thức xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 70 điểm một cách nhẹ nhành mà không hề có lực cầu nâng đỡ.
Thống kê lúc 9h45, VN-Index giảm 3.41 điểm, tương ứng 0.79% xuống 428.7 điểm. Sự sụt giảm của đa số cổ phiếu trong rổ VN30 khiến chỉ số này giảm đến 6.22 điểm, tức khoảng 1.28% xuống 480.81 điểm.
Tại sàn HNX, các mã cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm giá, đặc biệt là HBB giảm kịch sàn với dư bán hơn 20 triệu đơn vị; ACB giảm 2.04% xuống 24,000 đồng/cp, ngoài ra còn có PVS, VCG, KLS, PVX, SCR… giảm khá mạnh làm cho HNX-Index đánh mất 1.62 điểm, tương đương 2.26% xuống 69.94 điểm.
Giao dịch cả hai sàn mới đạt khoảng 37 triệu đơn vị, trị giá hơn 414 tỷ đồng, trong đó HOSE chiếm hơn 20 triệu đơn vị, tương ứng 361 tỷ đồng.
Đáng chú ý, VIC có 1 triệu đơn vị giao dịch thỏa thuận ở mức giá tham chiếu.
Nhìn chung, tác động tiêu cực đến thị trường lúc này đến từ nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ với mức giảm 2.48% và 1.14%, trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn được nâng đỡ từ việc BVH tăng trần, VIC tăng 0.55%, còn MSN và VNM đứng giá nên chỉ giảm 0.31%.
Mở cửa: BVH kịch trần, HBB xả hàng cả chục triệu cổ phiếu
Áp lực xả hàng đã giảm bớt vào đầu phiên giao dịch ngày 12/03, tuy nhiên các chỉ số vẫn mở cửa trong sắc đỏ. Lực bán đổ dồn vào một số mã cổ phiếu ngân hàng đặc biệt là HBB tại HNX và STB tại HOSE.
Chỉ trong vòng 15 phút mở cửa, HBB đã có gần 20 triệu cổ phiếu được chào bán, trong đó gần 10 triệu cổ phiếu bán sàn, trong khi bên mua trắng hoàn toàn.
Áp lực bán của SHB cũng khá mạnh, nhưng lực cầu giá thấp vẫn được duy trì, giúp mã cổ phiếu này không rơi xuống mức giá sàn.
Với số lượng cổ phiếu giảm chiếm ưu thế, nên HNX-Index giảm 0.91 điểm sau 15 phút đầu mở cửa, tức giảm 1.27% xuống 70.65 điểm. Nếu lực bán được duy trì, chỉ số hoàn toàn có khả năng rơi xuống dưới 70 điểm trong phiên này.
Lượng giao dịch ở những phút mở cửa khá thấp, với gần 5 triệu đơn vị, trị giá 44 tỷ đồng.
Toàn sàn có khoảng 70 mã giảm, 54 mã tăng giá và 273 mã đứng yên.
Tại HOSE, dù BVH tăng kịch trần, MSN, VNM cùng tăng nhẹ, nhưng với việc VIC giảm kịch sàn. Các mã cổ phiếu ngân hàng đứng giá hoặc giảm nhẹ làm cho VN-Index giảm 2.28 điểm trong đợt khớp lệnh thứ nhất, tương ứng 0.53% xuống 429.83 điểm.
Giao dịch đạt khoảng 4 triệu đơn vị, tương đương 55 tỷ đồng.
Số lượng mã giảm cũng chiếm ưu thế với 75 mã, còn lại là 58 mã tăng và 56 mã giao dịch ở tham chiếu.
Theo Finfonet