Vụ SHB bị “tố” phá nhà: Ngân hàng nói việc mua bán là đúng quy định?

Thứ ba, 13/03/2012, 08:33
Phía ngân hàng SHB cho rằng mình mua bán mảnh đất số 35B là đúng luật. Nhưng luật sư Triệu Trung Dũng thì cho rằng đó là giao dịch vô hiệu...?

Ngân hàng SHB khẳng định việc mua bán là hoàn toàn đúng luật.

Sau khi báo chí tin về vụ việc ngân hàng SHB bị “tố” phá nhà, phía ngân hàng SHB đã có văn phản phản hồi tới báo về vấn đề này. Để độc giả có thông tin hai chiều, chúng tôi đã có cuộc trao đổi về thông tin trong vụ việc này với phía ngân hàng SHB, trong đó phía ngân hàng SHB đã cung cấp những nội dung thông tin mới.
 
Căn biệt thự 35B Lý Thường Kiệt trước khi bị phá bỏ


Phía ngân hàng SHB cho biết, tháng 7/2008 ngân hàng đã mua lại mảnh đất của ông Nguyễn Mai Thắng và vợ là Đặng Thị Kim Anh rộng 36,5m2 tại số 35B Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Ngân hàng SHB đã thanh toán toàn bộ số tiền mua đất cho ông Nguyễn Mai Thắng theo hợp đồng số1214.2008/MBN được lập ngày13//6/2008 tại văn phòng công chứng số 4 Hà Nội. 
 
Sau đó phía ngân hàng SHB đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10105055423 do UBND TP Hà Nội cấp. Phía SHB cũng cho rằng ngân hàng mua lại mảnh đất trên là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật.
 
Phía SHB cũng cho rằng việc ông Nguyễn Mai Thắng lập hồ sơ và UBND TP Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 10105055423 là phù hợp với quy định vì những lý do sau:

 
Ngân hàng SHB bị "tố" phá nhà dân

 

Trong mục 2, hướng dẫn bổ xung Số 5357/HD-BN61 ngày 6/11/2011 của Sở địa chính Hà Nội về việc ghi chủ sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở theo Nghị định 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ. Theo đó: “Phải là người có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội (hoặc tập thể đối với lực lượng vũ trang) và là chủ hợp đồng thuê nhà (vợ chồng chủ hợp đồng) theo quyết định 118/TTg ngày theo 27/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ hoặc là thành viên trong hợp đồng thuê nhà nhưng phải được sự thỏa thuận của các thành viên trong hợp đồng thuê nhà từ 18 tuổi trở lên đồng ý...”.
 
Phía ngân hàng SHB cho rằng theo quy định này, người được cấp giấy chứng nhận chủ sở hữu nhà, đất chỉ cần đáp ứng một trong hai điều kiện trên chứ không phải thỏa mãn đồng thời hai điều kiện.
 
Về việc ông Nguyễn Vinh Lợi cho rằng ông Nguyễn Mai Thắng đã tự ý gian dối trong việc làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phía SHB cho rằng điều này là không đúng. Khi ông  Thắng làm hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà, đất thì ông Lợi có biết việc này và chính ông Lợi đã đi xin xác nhận công thời gian công tác để được miễn giảm tiền sử dụng đất.

Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành quyết định thu hồi sổ đỏ của ông Nguyễn Mai Thắng, ngân hàng SHB đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền của Hà Nội và Trung ương đề nghị xem xét, giải quyết vụ việc.


"Giao dịch giữa ông Thắng và ngân hàng SHB là giao dịch vô hiệu"?

Liên quan đến việc ngân hàng SHB phá dỡ toàn bộ ngôi biệt thự 35B Lý Thường Kiệt, Hà Nội, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Triệu Trung Dũng, Trưởng văn phòng Luật sư Triệu Dũng và Cộng sự.

 
Luật sư Triệu Trung Dũng trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam


Luật sư Dũng cho biết: Xét về yếu tố dân sự thì hành vi gian dối của ông Thắng khi tự ý kê khai số diện tích nhà đất nêu trên là của mình khi làm thủ tục mua nhà theo Nghị định 61/CP đã vi phạm quy định tại điều 216 về quyền sở hữu chung theo phần khi ông ta định chiếm hữu toàn bộ số  tài sản là nhà đất nêu trên.

Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở năm 2003. Ông Thắng đã bán toàn bộ diện tích nhà đất trên cho ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nôi (SHB) năm 2008. Như vây, ông Thắng đã vi phạm điều 223 về quyền định đoạt tài sản chung quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2005.

Do đó, giao dịch giữa ông Thắng và ngân hàng SHB là giao dịch vô hiệu bởi giao dịch này đã vi phạm tại điều 128 bộ luật Dân sự (do vi phạm điều cấm của pháp luật về quyền định đoạt tài sản chung), đồng thời vi phạm điều 389 bộ luật Dân sự nêu trên. Do đó, hợp đồng này cũng là hợp đồng dân sự vô hiệu theo quy định tại điều 410 của bộ luật Dân sự năm 2005. Điều 128 BLDS quy định: Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội: Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể  thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung giữa người với người trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Ngày 12/05/2009 UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 2207/QĐ-UBND về việc thu hồi sổ đỏ của ông Thắng vì đã vi phạm pháp luật. Đồng thời giao cho các cơ quan chức năng hướng dẫn ông Thắng và các thành viên trong hợp đồng thuê nhà làm các thủ tục bán nhà và giấy chứng nhận quyền sơ hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở khác tại số 35B phố Lý Thường Kiệt. Nhưng vợ chồng họ đã không thực hiện là hành vi cố tình vi phạm pháp luật khi không chấp hành các quyết định và văn bản hành chính của cơ quan có thẩm quyền.

 

Theo Giáo dục

Các tin cũ hơn