Thành phố sẽ có khu công nghệ cao thứ hai

Thứ tư, 18/04/2012, 10:46
Sáng 17.4.2012, ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM đã có hội thảo về việc tìm kiếm mô hình hoạt động, quản lý mới cho khu công nghệ cao thứ hai. Nhiều giải pháp đề xuất để khu công nghệ cao hấp dẫn hơn đối với nguồn nhân lực, cũng như doanh nghiệp.

Tin liên quan

>>
Khu công nghệ cao TPHCM thu hút hơn 2 tỷ USD vốn FDI
>>Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh việc xây Khu công nghệ cao Hòa Lạc
 

Từ tháng 8.2011, chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã yêu cầu: “Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM có trách nhiệm phối hợp với các sở ngành có liên quan xây dựng báo cáo đầu tư dự án khu công nghệ cao thứ hai, đảm bảo hiện đại và tốt hơn khu công nghệ cao thứ nhất…”
 

Một góc khu công nghệ cao thứ nhất. Sẽ có khu công nghệ cao thứ hai, nhưng sẽ không có những nhà máy sản xuất mà là các trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm...

Vì sao phải có khu công nghệ cao thứ hai?

Ông Phạm Chánh Trực, nguyên trưởng ban quản lý của khu công nghệ cao TP.HCM, đánh giá: “Khu công nghệ cao hiện hữu có diện tích đủ lớn để thực hiện các nhiệm vụ: sản xuất, nghiên cứu và triển khai, đào tạo, ươm tạo doanh nghiệp mới, kinh doanh hàng hoá và dịch vụ công nghệ cao…

Hiện nay, tại khu công nghệ cao đã có các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Qua đó, người lao động từng bước tiếp cận công nghệ cao thế giới, tạo ra năng lực nội sinh về công nghệ cao cho đất nước”.

Tuy nhiên, theo ông Trực, “hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ chưa mạnh, nhân lực nghiên cứu quá ít và đa số là mới, chưa có kinh nghiệm, không đủ sức triển khai đồng thời các ngành, lĩnh vực công nghệ như chức năng đã định. Nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển chưa được Nhà nước xác định rõ ràng, không đặt yêu cầu và không giao vốn, do đó chỉ làm theo nhu cầu thị trường và tuỳ khả năng lực lượng nghiên cứu”.

T.S Nguyễn Anh Thi, phó ban Khoa học và công nghệ (đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, khu công nghệ cao thứ hai “không trùng chức năng của khu công nghệ cao thứ nhất mà chỉ có vai trò bổ trợ, tiến đến hình thành cụm sáng tạo khu vực đông bắc của TP.HCM. Đây là môi trường thuận lợi để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển, ươm tạo và khởi nghiệp trong các lĩnh vực công nghệ cao”.

Ông Trực cũng cho rằng, khu công nghệ cao thứ hai là “gạch nối” giữa viện nghiên cứu, trường đại học với doanh nghiệp trong việc chuyển giao khoa học và công nghệ.

Công viên khoa học

TS Lê Hoài Quốc, trưởng ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM, xác nhận: “Hiện nay, tạm gọi là khu công nghệ cao thứ hai. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, có thể mô hình này được xác định là công viên khoa học”.

TS Thi cho rằng, khu công nghệ cao thứ hai là nơi hoạt động của các trung tâm, viện nghiên cứu trực thuộc đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn TP.HCM được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước.

Cũng theo TS Thi, không nên rải nhiều lĩnh vực mà khu công nghệ cao thứ hai nên tập trung vào ba lĩnh vực: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ nano và công nghệ sinh học. Còn theo tổ thực hiện đề án, khu công nghệ cao thứ hai sẽ nhắm vào các lĩnh vực: công nghệ năng lượng tái tạo, công nghệ vũ trụ, cơ điện tử và tự động hoá.

Ông Trực đề nghị chọn lĩnh vực công nghệ năng lượng tái tạo. “Hình thành một trung tâm nghiên cứu và phát triển quốc gia về năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió, vừa nhanh chóng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ của thế giới vừa tìm kiếm sáng tạo cả về công nghệ, vật liệu, hiệu suất… Trong công viên khoa học hình thành một khu công nghệ cao quy mô nhỏ sản xuất pin mặt trời, linh kiện, vật tư, dụng cụ đồng bộ cho các giải pháp thắp sáng dân dụng, công nghiệp...”, ông Trực thuyết minh.

Tìm mô hình quản lý mới

Cần có “cơ chế tài chính mới, quản lý mới” là hai vấn đề được các chuyên gia quan tâm nếu như dự án khu công nghệ cao thứ hai được triển khai.

GS.TS Phan Thanh Bình, giám đốc đại học Quốc gia TP.HCM, đặt vấn đề: “Nhà nước và doanh nghiệp có dám đầu tư cho khu công nghệ cao thứ hai trong khi tình hình kinh tế của đất nước đang khó khăn? Nếu ở khu công nghệ cao thứ nhất, tỷ lệ đầu tư tài chính của TP.HCM là bảy, còn trung ương là ba, vậy mô hình khu công nghệ cao thứ hai, tỷ lệ trên sẽ là bao nhiêu?”

Là một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, tổng giám đốc khu công nghiệp Amata (Đồng Nai) Huỳnh Ngọc Phiên cho rằng: “Nên cho thuê đất thay vì miễn phí thuê đất như hiện nay, và thu phí quản lý để ban quản lý tự chủ về tài chính hoạt động. Cần có cơ quan kiểm định về công nghệ cao để xác định doanh nghiệp có được vào hoạt động tại đây hay không vì họ được hưởng những chính sách ưu đãi”.

Nhiều chuyên gia đang băn khoăn khi lựa chọn mô hình quản lý nếu như khu công nghệ cao thứ hai được triển khai.

Ông Trần Phước Dũng, trưởng ban quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM nói: “Điểm yếu của các mô hình quản lý nhà nước hiện nay là thiếu tiền và chính sách để giữ chân nhân tài. Sau sáu năm làm việc, nhiều chuyên gia giỏi đã ra đi vì bị đối xử quá kém. Đâu phải do chúng tôi tệ với họ mà là cơ chế, chính sách. Tìm nhân lực có tâm huyết đã khó nhưng giữ họ còn khó hơn”. Theo ông Dũng, cần phải thành lập công ty cổ phần để quản lý.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nên thành lập công ty cổ phần (có phần vốn của Nhà nước) để điều hành mô hình này, vì tổ chức này mới có những chính sách thông thoáng trong chính sách, trước hết là chính sách lương bổng và chế độ để giữ nguồn nhân lực có trình độ cao.

Ông Đinh Việt Hào, một chuyên gia tư vấn độc lập cho rằng, cần có chính sách ưu đãi để thu hút cho các doanh nghiệp khoa học nhỏ tham gia. GS Bình nói thêm: “Phải có chính sách hấp dẫn và đặc thù nếu muốn mảnh đất này đẻ trứng vàng”.

Theo SGTT

Các tin cũ hơn