>> Lồng tiếng cho phim: Chi phí lớn, lợi nhuận không nhỏ
>>Dễ dàng gian lận, xăng ‘rởm’ siêu lợi nhuận
>>"Trông giữ xe trên vỉa hè là nghề siêu lợi nhuận"
Từ chủ tiệm cầm đồ, anh Đỗ Văn Tuấn ở Lò Đúc, Hà Nội lấn sân sang lĩnh vực sim đẹp bằng cách nhận cầm cố số VIP rồi đem bán lại. "Cũng như nhà đất, ôtô, xe máy, laptop... cứ có giá là cầm được", anh Tuấn nói. Mở từ cuối năm 2009 nhưng tới giữa năm 2011, dịch vụ này tại cửa hàng của anh Tuấn mới nhộn nhịp. Vì khi đó, số đẹp vãn khách mua, nhiều chủ sim cần tiền đành phải mang đi cầm cố hoặc "bán non".
Anh Tuấn kể, với một chiếc sim tứ 8, rao bán trên thị trường khoảng 35-40 triệu đồng, anh chỉ nhận cầm với giá 25 triệu đồng do không phải là "mua đứt bán đoạn". Thời hạn cầm là 30 ngày cùng lãi suất 3.000 đồng cho một triệu đồng mỗi ngày. Hết hạn cầm cố, chủ sim mang cả vốn lẫn lãi trả đủ, anh sẽ hủy bản nhượng quyền sim. Còn nếu không, sim đó chính thức trở thành tài sản của anh. Cách đây không lâu, anh bán được số đuôi 8888 với giá 32,5 triệu đồng của khách không đến trả tiền.
Dân kinh doanh thường nhận cầm cố rồi bán lại lấy lãi khi hết hạn hợp đồng mà khách không quay lại. |
Chủ kinh doanh này cho hay, khoảng 10 người mang sim đi cầm thì chỉ 5 người đến lấy lại. Theo đó, những thương vụ lãi lớn như trên không phải quá hiếm. "Cứ 20 triệu đồng thì riêng tiền lãi mỗi ngày đã là 60.000 đồng, sau 20-30 ngày, cả vốn lẫn lãi cộng vào gần 22 triệu đồng, không phải ai cũng có để trả", anh Tuấn nói.
Cũng nhận cầm đồ sim đẹp, anh Dương Mạnh Cường, ở Tân Mai, Hà Nội đang có trong tay một list số VIP hơn 30 chiếc và thường xuyên rao bán trên các website, diễn đàn. Do đều thuộc hàng tứ quý, tiến đều trở lên nên loại rẻ nhất cũng có giá cả chục triệu đồng. Trong khi số tiền ban đầu anh đầu tư chỉ bằng 50-70% mức đó.
Sau hơn 2 năm kinh doanh dịch vụ này, đến nay, anh Cường bán được 17 số đẹp, lãi thu về không dưới 30% mỗi chiếc. "Biết mình cầm đồ, nhiều người còn thích mua hơn vì ai cũng hiểu hàng qua cầm cố, giá nhập rẻ nên dễ mua, lại không lo về chất lượng như đồ điện tử, xe cộ", anh Cường nói.
Anh Cường tiết lộ, những người kinh doanh như anh chỉ nhận cầm số chính chủ, giá đưa ra thông thường bằng 50-70% giá trị trên thị trường. Lãi suất từ 2.000 đồng đến 3.500 đồng cho một triệu đồng một ngày, tùy thời hạn hợp đồng dài hay ngắn. Thêm vào đó, dịch vụ chỉ áp dụng cho sim của Viettel, MobiFone và VinaPhone với những số cực VIP như tứ quý, lục quý, đuôi 6789 hoặc thấp nhất cũng phải là loại 3456.
"Mình không phải dân chuyên nên không có chuyện gom hàng chờ thời, sim mạng nhỏ hay loại tam hoa, năm sinh nhàng nhàng tôi đều không nhận cầm. Khi cầm cố, ngoài giấy tờ viết tay, tôi sẽ giữ sim đến lúc khách thanh toán để đảm bảo an toàn", anh Cường nói.
Việc cầm đồ sim đẹp mang lại lợi nhuận lớn song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, theo không ít người kinh doanh, dịch vụ này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi thực chất, sim số dù đẹp cỡ mấy cũng chỉ tài khoản ảo và được định giá theo tâm lý người tiêu dùng. Nếu khách thích, hợp phong thủy và đang được xã hội chuộng thì chủ buôn có thể lãi gấp 2-3 lần. Nhưng nếu không may nhận cầm rồi mà quan điểm phong thủy, xu hướng thay đổi thì số phận người cầm đồ cũng không khác những người buôn sim. Đó là "chết trên khối tài sản ảo", anh Vĩnh, một thợ trong nghề, kinh doanh sim ở phố Kim Mã (Hà Nội), phân tích.
Anh Vĩnh cho biết thêm, hiện các quy định về quản lý sim số cũng chưa hoàn thiện nên "tính mạng" của sim đẹp cũng chưa rõ sẽ ra sao. Nay, một người chỉ được sử dụng tối đa 3 sim của một nhà mạng thì để sang nhượng sim chính chủ, anh cũng phải huy động cả người nhà... vào hợp đồng.
Ngoài ra, đa phần sim giao dịch ở tiệm cầm đồ đều là sim đã và đang sử dụng nên cũng không có giá như sim nguyên kit. Đó là chưa kể đến những vụ tranh chấp số sau khi kết thúc hợp đồng. "Không ít trường hợp người mang số đi cầm là chính chủ giả hoặc trong thời gian hợp đồng, họ lén đi sang tên cho người khác, nếu chủ cầm đồ không lắp sim vào máy sử dụng thì rất khó kiểm soát", anh Vĩnh nói.
Lãnh đạo của một hãng di động lớn cho biết, nhà mạng không can thiệp và cũng rất khó kiểm soát việc mua bán, sang nhượng của chủ sim. Theo đó, với những vụ việc tranh chấp số đẹp, doanh nghiệp viễn thông sẽ tiến hành chặn dịch vụ theo quy định để thanh tra. "Chúng tôi cam kết bảo đảm quyền lợi của khách hàng nhưng chỉ có thể dựa trên những giấy tờ hợp lệ. Vì vậy, khi giao dịch, thuê bao nên yêu cầu đầy đủ tính pháp lý", ông khuyến cáo.
Theo VnExpress