>>Bầu Đức: Nợ hơn 15 tỷ... vẫn lạc quan!
>>CEO bán hàng đa cấp kiếm mỗi năm gần trăm triệu USD
>>Đất, tiền, vàng, chứng khoán: Đầu tư vào đâu?
>>Hoàng Anh Gia Lai lý giải khoản nợ nghìn tỷ
ông Phạm Thiện Long
Ông đánh giá như thế nào về khả năng tiếp cận tín dụng ngoại tệ của DNXNK theo quy định mới ?
Khi quy định mới của NHNN được ban hành thì số lượng DN hội đủ các điều kiện theo quy định của NHNN sẽ là không nhiều. Chắc chắn nhiều DN sẽ gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng ngoại tệ.
Tuy nhiên, với lãi suất cho vay VND đang điều chỉnh xuống dần, tin rằng DN sẽ vẫn có lối ra. Quan trọng là DN có đủ điều kiện, đảm bảo để vay được vốn tiền đồng hay không. Chúng tôi cũng cho rằng một sự kéo giảm lãi suất để rút ngắn chênh lệch giữa hai trạng thái vay vốn VND và ngoại tệ lúc này là hoàn toàn hợp lý.
DN có thể không tiếp cận và tận dụng được cơ hội vay ngoại tệ lãi suất thấp so với vay VND như trước nữa, nhưng quay trở về với tín dụng tiền đồng, vẫn còn có nhiều “cửa” để hưởng lãi suất vay thấp.
Thưa ông, trong 4 tháng đầu năm 2012 và trước ngày 2/5/2012, tình hình tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tại HDBank có khả quan so với cùng kỳ năm trước? Và bắt đầu từ ngày 2/5/2012, khi Thông tư 03 chính thức có hiệu lực, HDBank đã trù liệu sẽ có những chuyển biến gì trong hoạt động tín dụng ngoại tệ ?
Trong 4 tháng đầu năm 2012, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ tại HDBank vẫn phát triển bình thường. Cùng thời điểm này, theo báo cáo thông tin thị trường của NHNN thì trong thời gian qua, thị trường ngoại hối tiếp tục diễn biến theo xu hướng tích cực, tỷ giá giao dịch ổn định.
Thanh khoản ngoại tệ toàn hệ thống tốt, hoạt động mua bán diễn ra thông suốt, các tổ chức tín dụng mua ròng từ khách hàng. Hiện, tỷ giá niêm yết mua, bán VND/USD của các ngân hàng thương mại đang phổ biến quanh khoảng 20.820/20.870 đ/USD.
Tuy nhiên, với Thông tư 03 chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 5/2012, chúng tôi cho rằng tín dụng ngoại tệ trong toàn hệ thống sẽ có một số bước điều chỉnh. Và bước điều chỉnh này sẽ đi theo đúng mục tiêu “nắn” tín dụng vào tiền đồng, hạn chế tình trạng đô la hoá nền kinh tế.
Dù sao thì lãi suất tiền đồng cho DN XNK vay vốn hiện tại vẫn đang ở mức khá cao, trung bình khoảng 16%/ năm tại các NHTM. Và nếu so với mức lãi suất ngoại tệ cho vay chỉ ở khoảng 6 -8%/ năm, đó vẫn là một mức chênh lệch... gấp đôi. Khó tránh DN vẫn muốn được vay ngoại tệ và có thể sẽ tìm mọi cách “lách” vào cửa vay ngoại tệ của các NH ?
Quan điểm của HDBank là tuân thủ theo mọi quy định đã đề ra. Theo đó, sẽ khó có chuyện DN và NH cùng tìm cách “lách” các cửa cho vay ngoại tệ vốn đã được NHNN quy định rất chặt chẽ này.
Bù lại, căn cứ trên kế hoạch hoạt động, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng như khả năng hiện có, chúng tôi đang dự kiến đề ra một gói tín dụng hỗ trợ lãi suất ưu đãi đặc biệt dành riêng cho DN xuất khẩu.
Cụ thể gói tín dụng cho DN xuất khẩu vay vốn này sẽ có lãi suất chỉ khoảng 7-10%/ năm. Gói lãi suất này có thể sẽ được HDBank triển khai ngay trong tuần đầu tháng 5 này, hoặc muộn nhất là vào tuần thứ 2 của tháng.
Đây có thể xem là một sự “phá giá” mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường hiện nay hay không? HDBank đã tiên liệu trước phản ứng của thị trường, thưa ông ?
Đây không phải là một sự “phá giá”. HDBank đang tận dụng những ưu thế hiện có của mình về tiềm lực tài chính, về nguồn vốn tốt… để tạo điều kiện tối đa cho DN phát triển sản xuất kinh doanh. Tùy từng đối tượng khách hàng, năng lực tài chính, mức độ hiệu quả của phương án vay mà HDBank sẽ áp dụng các chính sách ưu đãi khác nhau cho DN.
Với gói hỗ trợ tín dụng mới này, các DN xuất khẩu, bao gồm cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu đáp ứng đủ các điều kiện vay của HDBank đều được cấp tín dụng. Thủ tục vay vốn tại HDBank đơn giản, giải ngân nhanh chóng, tiết kiệm tối đa thời gian cho DN.
Theo ông, so với cái “mất” của DN, thị trường và nền kinh tế sẽ được gì từ những quy định trong Thông tư 03, Thông tư 07/ 2012/TT-NHNN ?
DN có thể tiếp cận tín dụng ngoại tệ sẽ chỉ còn rất ít, chỉ những DN đảm bảo khả năng thanh toán, trả được nợ cho NH mới được vay ngoại tệ. Đổi lại, khi DN không tiếp cận được vốn ngoại tệ nữa, nhu cầu vay vốn tiền đồng sẽ tăng lên.
Tiền đồng sẽ trở nên hấp dẫn và điều đó là theo đúng định hướng hạn chế đô la hoá nền kinh tế của NHNN. Nhưng tất nhiên để đạt được đến toàn phần mục tiêu đó, cũng còn cần nhiều sự phối hợp đồng bộ từ việc kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô, ổn định đúng tỷ giá trong biến động chỉ 2-3% như Thống đốc NHNN đã khẳng định và cả ổn định thị trường vàng.
Với dự trữ ngoại hối của NHNN đang khá dồi dào, thanh khoản tiền đồng trong hệ thống cũng đang được cải thiện, các trần lãi suất cơ bản đều đang có chiều hướng được điều chỉnh đều đặn, thì những Thông tư này có ý nghĩa góp phần củng cố lợi thế của tiền đồng VN và hoàn thiện hơn hoạt động của hệ thống của TCTD.
Cũng với quy định trong Thông tư 03, để thích ứng, mỗi một TCTD theo đó cũng sẽ phải nghiên cứu, cải thiện và đưa ra nhiều dịch vụ cung ứng tín dụng đa dạng, phù hợp với nhu cầu mới của thị trường. So ra, cái “mất” của DN sẽ ít hơn nhiều so với lợi ích, cái “được” của toàn nền kinh tế !
Xin cảm ơn ông !
Theo DĐDN