Thí nghiệm mới đây của các nhà khoa học tại TP.HCM đã chứng minh một thực tế báo động, là bọn bất lương hoàn toàn có thể sử dụng methanol với một tỷ lệ phần trăm nhất định để biến xăng A83 thành xăng A92, A95 "dỏm" mà vẫn lọt qua cửa kiểm tra chất lượng.
Vụ bơm tạp chất vào xăng do Báo Thanh Niên phanh phui đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý.
Các thí nghiệm của Trung tâm nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu, Phòng Thí nghiệm trọng điểm động cơ đốt trong (ĐH Bách khoa TP.HCM) đã chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xe máy tự bốc cháy là sử dụng xăng có pha cồn methanol, ethanol có chất lượng thấp và không đúng kỹ thuật. Đặc biệt, hoàn toàn có thể sử dụng methanol với một tỷ lệ phần trăm nhất định để biến xăng A83 thành xăng A92, A95 "dỏm" nhưng vẫn đạt chuẩn VN.
Nhập methanol tăng, cháy xe nhiều
Theo thống kê, chỉ trong 2 năm 2010 - 2011, trên cả nước đã xảy ra trên 320 vụ cháy ô tô, xe máy. Việc tăng đột biến số lượng các vụ cháy nổ xe trong hai năm này trùng khớp với việc nhập khẩu nguyên liệu methanol tăng đột biến.
Một thống kê từ phía hải quan cho biết, methanol được nhập khẩu và tiêu thụ năm 2010 là hơn 90.000 tấn, năm 2011 hơn 80.000 tấn, tăng vọt về số lượng nếu nhìn so với các năm trước đó như năm 2008 là 52.000 tấn và năm 2009 là 66.000 tấn.
TS động cơ ô tô Nguyễn Lê Ninh, Phó giáo sư ngành cơ khí động lực cho biết, methanol là một chất rất độc đối với sức khỏe con người. Chất này khi pha vào xăng để chạy động cơ có thể sẽ làm hư hỏng các gioăng cao su, nhựa vốn được sử dụng nhiều trong chế tạo động cơ.
Các ống dẫn nhiên liệu dễ bị hư hỏng, tan chảy sẽ gây rò rỉ nhiên liệu, có thể gây cháy xe. Methanol cũng tấn công vào các chi tiết được chế tạo bằng hợp kim nhôm, tạo ra hydro, chất khí dễ cháy. Vì đặc tính lý - hóa này, liên minh 12 hãng xe lớn trên thế giới đã tuyên bố trên toàn cầu về ngăn ngừa sử dụng methanol trong nhiên liệu.
Độc hại như vậy nhưng việc nhập khẩu methanol hay acetone (các chất dung môi dùng trong công nghiệp) rất đơn giản. Doanh nghiệp (DN) nhập khẩu chỉ cần đáp ứng các giấy tờ hợp lệ là nhập về.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, các chất này được bày bán công khai, tràn lan với số lượng lớn, giá thành rẻ, đặc biệt là không kiểm soát được chất lượng. Giá cồn methanol hiện dao động khoảng 13.000 - 15.000 đồng/kg, thậm chí nếu mua với số lượng lớn thì giá chỉ từ 11.000 - 12.000 đồng/kg.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường chất lượng, chỉ số octane của methanol, ethanol và acetone đều rất lớn (chỉ số octane của methanol là 108).
Bởi vậy, chỉ cần pha với tỷ lệ 5-15% methanol vào xăng A83 (chỉ số octane là 83) hoàn toàn có thể biến thành xăng A92 (chỉ số octane là 92), thậm chí biến thành xăng A95 (octane là 95). Ethanol hay acetone đều có tính năng tương tự, đều có thể dễ dàng “biến” xăng A83 thành xăng A92, A95 khi pha với một tỷ lệ nhất định.
Hiện tại, giá xăng A83 thường rẻ hơn xăng A92 khoảng 500 đồng/lít, xăng A92 lại rẻ hơn A95 là 500 đồng/lít. Theo tính toán, chỉ cần pha khoảng 5% methanol vào xăng A83 để biến thành A92, cây xăng gian lận sẽ lời hơn 1.000 đồng/lít. Chưa kể, nếu pha với tỷ lệ 10% hoặc 15%, con số lợi nhuận sẽ lớn hơn nhiều lần.
Mẫu xăng chứa tới 15% methanol được phát hiện tại cây xăng Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) và kết quả kiểm tra 34/150 mẫu xăng tại TP.HCM có chứa methanol cho thấy việc xăng bị pha methanol để kiếm lời đang diễn ra phổ biến và đại trà.
Kẽ hở quản lý
TS Đào Quốc Tùy, Trưởng bộ môn Hữu cơ hóa chất, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc kiểm tra các mẫu xăng thông thường chỉ quan tâm tới các chỉ số octane nhưng vô tình bỏ quên các chỉ số bay hơi, bão hòa… nên dù xăng pha methanol, ethanol hay acetone thì về cơ bản vẫn đạt “chuẩn” do đảm bảo tiêu chuẩn octane.
Còn theo TS Nguyễn Lê Ninh, những sơ hở trong hành lang pháp lý đã được tận dụng tối đa để biến xăng A83 thành A92 - A95 để kiếm lợi nhuận. Cụ thể là trong quy chuẩn kỹ thuật đối với xăng không có đặt methanol như một chỉ tiêu cần được kiểm tra.
Do đó, cho dù đoàn kiểm tra phát hiện trong xăng có methanol thì mẫu xăng đó vẫn đạt chất lượng. "Có một điều cần nói rõ là xăng A83 thuần chủng, được chế biến từ dầu thô và các phụ gia truyền thống trong công nghệ chế biến xăng chẳng có tội tình gì. Cái tội chính nằm ở chỗ người ta dùng nó để pha với cồn ethanol có trị số octane khá cao, khoảng 115 hoặc cồn methanol có trị số octane cũng cao, khoảng 110 để cho ra loại xăng A92 và A95 rởm (dỏm) nhằm trục lợi. Bởi vì giá của A83 và 2 loại cồn kể trên thì rẻ mà xăng A92 hoặc A95 lại đắt. Các loại xăng A92, A95 dỏm này chính là một trong các nguyên nhân có thể gây cháy xe", ông nói.
Đáng chú ý, trung bình mỗi năm VN vẫn sản xuất khoảng 400.000 m3 xăng A83, chiếm 5% sản lượng xăng dầu nhập khẩu, lưu thông mỗi năm. Xăng A83 chủ yếu được sử dụng cho động cơ ghe thuyền… nhưng với việc quản lý lỏng lẻo xăng dầu hiện nay, câu hỏi đặt ra là bao nhiêu lượng xăng A83 được tiêu thụ đúng địa chỉ, bao nhiêu xăng A83 đã “biến hình”?
Theo quy định, DN đầu mối kinh doanh xăng dầu phải chịu trách nhiệm về chất lượng xăng dầu trong toàn bộ hệ thống phân phối, từ khâu nhập khẩu, tồn trữ vận chuyển đến cửa hàng bán lẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, theo một đầu mối kinh doanh xăng dầu ở miền Nam, quy trình bán hàng hiện nay theo hình thức giao nhận tại kho, tổng đại lý có trách nhiệm vận chuyển hàng đến nơi bán lẻ.
Trong khâu vận chuyển này, gian lận hoàn toàn có thể xảy ra nếu tài xế xe bồn chở xăng dừng lại pha chế (như một phóng sự điều tra của Báo Thanh Niên đã chỉ ra) hoặc chính đại lý chủ động pha trộn tạp chất vào để kiếm lời. Tuy nhiên, các trường hợp cây xăng gian lận chỉ phải chịu hình thức xử phạt là rút giấy phép có thời hạn, thậm chí chỉ bị phạt hành chính vài triệu đồng nên vẫn bất chấp để kiếm lời.