Không chỉ được lấy làm điển hình về thất thoát, tham nhũng, quản lý yếu kém trầm trọng của hiện tại mà Vinashin, Vinalines còn được nhấn mạnh như một lực cản không dễ gì vượt qua của quá trình tái cơ cấu kinh tế, hôm nay và cả những năm tiếp sau.
Ngày 24/5, sau hai phiên thảo luận tổ về kinh tế xã hội, ngân sách và đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, ghi nhận của nhiều tờ báo khác đều cho thấy sức nóng của nỗi lo mang tên Vinashin, Vinalines.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Bá Thanh phản ánh: "Vừa rồi đi tiếp xúc cử tri kêu lắm, Vinalines thua lỗ, cựu Chủ tịch bỏ chạy, công an không bắt được. Nói ra cứ như chuyện đùa, cử tri bức xúc hỏi mà không biết trả lời thế nào, mặt cứ trơ ra. Trong khi 70.000 hộ gia đình chính sách, hỗ trợ chẳng được bao nhiêu tiền mà cứ đưa lên đưa xuống, chưa quyết được thì đằng này, hàng nghìn tỷ đồng tiền đổ sông, đổ biển, xót hết cả ruột!".
Có đại biểu nhận xét, Vinashin, Vinalines là dấu hiệu của tham nhũng, lãng phí với mức độ nghiêm trọng hơn so với vụ PMU 18 trước đây.
"Sự việc trên cho thấy cách điều hành quá lỏng lẻo. Chúng ta quản lý con người, tập đoàn kiểu gì? Trước khi có kết luận, thanh tra phải đi lại 5 đến 10 lượt, yếu kém như thế nào thì lãnh đạo thừa biết rồi nhưng vẫn bất chấp đề bạt, phản cảm ghê gớm, như vậy thì giải thích kiểu gì. Hơn nữa, khi phát hiện có dấu hiệu sai phạm, mà không giám sát, để bỏ chạy, dân họ không tin", ông Thanh nhấn lại.
Cũng theo ông Thanh, "Vinalines ốm yếu rồi còn gánh thêm Vinashin nữa, sụp đổ là đương nhiên. Rõ ràng Vinalines mua tàu gì, dự án gì cũng phải thông qua Bộ, các cơ quan phê duyệt trách nhiệm như nào?".
Đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) nhìn nhận: Vinashin đổ bể, Chính phủ đi đến giải pháp tái cơ cấu tập đoàn bằng cách “chuyển đỡ” nhiều khó khăn sang Vinalines với kỳ vọng Vinalines sẽ làm thay da đổi thịt cho tập đoàn này nhưng hậu quả như đến giờ chúng ta thấy, còn nghiêm trọng hơn.
Theo ông, hiện tượng những Vinashin, Vinalines là dấu hiệu của tham nhũng, lãng phí với mức độ nghiêm trọng hơn so với vụ PMU 18 trước đây.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cùng chung ý kiến với không ít đại biểu khác, rằng mấy năm gần đây Quốc hội đã không dưới một lần đưa ra bàn về vấn đề mô hình tập đoàn kinh tế. Ban đầu, chủ trương chỉ là thí điểm nhưng chưa tổng kết, đánh giá thì đồng loạt các tập đoàn kinh tế đã thành lập từ các tổng công ty 90, 91. Hệ quả của việc hoạt động tràn lan, không quản lý được là những sự việc sai phạm liên tục bị phát hiện, lặp đi lặp lại ở nhiều đơn vị như hiện nay.
Nếu không mổ xẻ rõ nguyên nhân, trách nhiệm, sẽ không thể khắc phục được tình trạng này và sẽ còn có thêm nhiều Vinashin, Vinalines nữa đi theo vết xe đổ.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long khi đề cập đến tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đã đưa ra con số khoảng 500 doanh nghiệp của loại hình này trong quy hoạch tới. Theo ông, mấy trăm doanh nghiệp cũng được cả nhưng quan trọng là nắm những ngành nào cần nói cho nó rõ. Vì, "Vina này, Vina kia là con người cả, Đảng quản lý cán bộ, giữ vai trò quản lý cán bộ tuyệt đối, nhưng ở nước khác cán bộ của Đảng chỉ cần một công văn là họ chỉ đi xe ôtô sản xuất trong nước. Còn mình thì cái gì có lợi một chữ không bỏ qua còn cái gì không có lợi nói nửa trang cũng lơ đi".
Vì thế, theo đại biểu Long, phải làm lại công tác cán bộ, làm đến nơi đến chốn, cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, gắn với doanh nghiệp nhà nước là công tác là cán bộ.
Cho rằng phải mổ xẻ thật thấu đáo nguyên nhân để tránh "vết xe đổ" Vinashin, Vinalines, song một số vị đại biểu cảnh báo cần "chia sẻ" mối quan tâm với việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Tiếp cận, phân tích, so sánh ở nhiều góc độ khác nhau, song một câu hỏi được nhiều đại biểu cùng đưa ra là sau Vinashin, Vinalines sẽ là Vina... gì?
"Tôi cho rằng Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải phải giải trình trách nhiệm về việc bổ nhiệm Cục trưởng Cục Hàng hải Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch Vinalines - PV) và tôi tin rằng nhiều đại biểu sẽ chất vấn về việc đó", Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Tp.HCM Trần Du Lịch trao đổi với báo chí.