Xử lý dứt điểm ngân hàng hoạt động yếu kém

Thứ sáu, 25/05/2012, 09:58
"Việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể, tái cơ cấu ngân hàng hoạt động yếu kém phải được xử lý dứt điểm, và Thống đốc cần mạnh mẽ hơn vì nếu để càng lâu thì nền kinh tế càng gánh chịu hậu quả. Trong thời gian qua chính sự cạnh tranh trong các ngân hàng làm lãi suất cao khiến giết chết nền kinh tế mà cụ thể là các doanh nghiệp” - PGS. TS Trần Hoàng Ngân, thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh tế TP. HCM, ĐBQH TP. Hồ Chí Minh đã nhận định như vậy khi trao đổi với báo chí ngày 24-5-2012.
 

Ông Trần Hoàng Ngân
 
-  Ông đánh giá như thế nào về việc kiềm chế lạm phát của chúng ta trong thời gian qua?
 
Tính đến tháng 5, chỉ số lạm phát của chúng ta chỉ vào khoảng 8%. Như vậy là đã có những thành công trong việc kiềm chế lạm phát. Vấn đề thứ hai là vấn đề về nhập siêu thì những năm trước, mình nhập siêu trên 20% kim ngạch xuất khẩu, nhưng năm 2011 mình chỉ nhập siêu 10%.

Nhưng quan trọng là khi giảm được nhập siêu thì mình sẽ giảm thâm hụt cán cân, kể cả các thanh toán quốc tế, trong khi năm 2010 mình thâm hụt đến 3,1 tỷ, nhưng năm 2011 mình thặng dư 2,5 tỷ. Thặng dư này sẽ tăng nội lực tăng dự trữ ngoại hối để góp phần kiểm soát tỷ giá, mà kiểm soát tỷ giá thì nó sẽ tác động trở lại hỗ trợ cho giải pháp kiềm chế lạm phát thành công hơn.

Một bất ổn vi mô nữa đó là bội chi ngân sách. Năm 2011 mình đã giảm được bội chi, nợ công trước là 57% GDP, nhưng giờ đã giảm chỉ còn 52%. Tuy nhiên, nổi lên vấn đề đó là "liều thuốc” điều trị - Nghị quyết 11 về chính sách tài khóa, thắt chặt; chính sách tiền tệ chặt chẽ, chúng ta có "uống hơi quá liều” hay không?

Vì sao mà chúng ta cần phải cân nhắc, vì nó hiện đang dẫn đến các hậu quả là nhiều doanh nghiệp bị ngừng sản xuất hoặc phá sản. Hệ lụy của nó là vấn đề về thất nghiệp, suy giảm kinh tế cho nên quý 1 vừa rồi mình tăng trưởng mức 4%.
 
-  Thưa ông, hiện nay giảm phát là do tăng trưởng tín dụng và thắt chặt tiền tệ, thậm chí là tổng sức mua giảm. Vậy mình có thể đánh giá thành công của kiềm chế lạm phát ở mức độ nào”?
 
Cần lưu ý là kiềm chế lạm phát của mình thành công nhưng nó không có nghĩa là đã bình yên mà vẫn còn có nhiều yếu tố đe dọa lạm phát trở lại. Có nghĩa là từ 23% vào tháng 8-2011, bây giờ xuống còn 8% vào tháng 5-2012 thì đó là sự thành công, nhưng mà bền vững chưa thì vẫn còn là một nỗi lo.

Trong tính chỉ số giá tiêu dùng của mình 40% nằm ở hàng lương thực thực phẩm và ăn uống ngoài gia đình mà trong khi những khoản đó thì hệ thống phân phối của chúng ta trong thời gian vừa qua dù có được cải thiện, mở rộng nhưng mà để bền còn phải có cả khâu dịch vụ ăn uống.

Hiện các cửa hàng ăn uống gia đình trong thời gian qua chúng ta đã bị thất thu rất lớn về thuế. Cần kiểm soát được giá cả, để trên cơ sở đó vừa thu được thuế, thông qua hình thức rất đơn giản là yêu cầu in hoá đơn...
 
Bên cạnh đó, hiện doanh nghiệp của chúng ta bị phá sản rất lớn, mặc dù có nhiều nguyên nhân nhưng do mình phát triển nhanh quá, thành lập quá dễ dàng. Người cấp giấy phép cũng không biết doanh nghiệp còn tồn tại hay không. Đó là sự quản lý quá yếu kém.

Việc trong thời gian qua có nhiều hàng hóa cao cấp bị ế ẩm là do trước đây chúng ta đã tạo một cơ chế làm cho người ta giàu nhanh quá cho nên người ta tiêu dùng hàng cao cấp rất dễ; nhưng đến khi chúng ta siết lại chặt chẽ các khoản chi ngân sách, siết lại kiểm tra giám sát thì việc làm ăn của hàng cao cấp rất khó khăn. Nhưng hàng tiêu dùng hàng ngày, những hàng bán lẻ vẫn đắt khách. Và đó là lý do khiến các doanh nghiệp kinh doanh hàng cao cấp bị phá sản.
 
Một phần nữa là các doanh nghiệp liên quan đến thị trường bất động sản, đó là điều mà tôi lo nhất. Bất động sản ở các nước khác khi mà bong bong bất động sản bị nổ thì nó sẽ làm sụp đổ hệ thống ngân hàng, làm khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế.

Nhưng bong bong bất động sản chúng ta đang xẹp dần, chưa nổ ra nhưng cũng tác động tới những doanh nghiệp liên đới đến hoạt động xây dựng, bất động sản. Song còn một nguyên nhân đó là lãi suất mà chúng ta để là cao quá, tôi cho rằng đó là liều thuốc hơi quá liều, do đó mà cần có giải pháp.
 
-  Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình có nhắc đến sẽ xem xét lãi suất cơ bản, ông bình luận như thế nào về việc này?
 
Ở thời điểm hiện nay, chúng ta có thể xem xét lại các chính sách lãi suất và điều hành lãi suất. Theo tôi với chỉ số lạm phát này, với tăng trưởng kinh tế này thì phải giảm sâu lãi suất huy động và có thể kéo xuống ở mức đôi phần trăm...

Ngân hàng Nhà nước phải có một thông điệp, đó là khi kéo lãi suất về 10% thì sẵn sàng cho bất kỳ ngân hàng thương mại nào cần vay ở mức 10%; như thế ngân hàng cần vốn thì sẽ đến Ngân hàng Nhà nước vay chứ không cần phải vượt trần. Nếu mạnh dạn làm như vậy sẽ xóa đi được tình trạng cạnh tranh trên thị trường hiện nay trong việc huy động vốn và có điều kiện giảm sâu lãi suất cho vay.

Tôi mong rằng trong cuối tháng 5 này, việc hợp nhất, sáp nhập, giải thể, tái cơ cấu ngân hàng hoạt động yếu kém phải được xử lý dứt điểm, và Thống đốc cần mạnh mẽ hơn vì nếu để càng lâu thì nền kinh tế càng gánh chịu hậu quả. Trong thời gian qua chính sự cạnh tranh trong các ngân hàng làm lãi suất cao khiến giết chết nền kinh tế mà cụ thể là các doanh nghiệp.



Theo Daidoanket

Các tin cũ hơn