USD vẫn là kênh đầu tư ăn chắc mặc bền

Thứ ba, 29/05/2012, 11:01
Phiên giao dịch đêm qua (28/5), đồng USD giảm giá nhẹ từ mức cao nhất 22 tháng so với Euro, do kết quả cuộc trưng cầu dân ý cuối tuần qua cho thấy các đảng phái chính trị tại Hy Lạp ủng hộ trở lại những biện pháp khắc khổ, giúp xoa dịu những lo lắng của nhà đầu tư.

>> Kênh đầu tư vàng sẽ “đóng cửa”?
>> Gửi tiết kiệm: kênh đầu tư an toàn, hiệu quả
>> Bắt mạch kênh đầu tư 2012
>> Kênh đầu tư 2012: Tiền mặt lên ngôi


Cụ thể, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã giảm xuống còn 82,228 điểm, từ mức 82,4 điểm trong phiên cuối tuần trước. Tuy nhiên, đồng Euro vẫn gần như đi ngang ở mức 1,254 USD so với mức thấp nhất 22 tháng là 1,2514 USD xác lập cuối tuần trước.

Nguyên nhân khiến đồng Euro không thể tiến lên được cho dù nỗi lo Hy Lạp đã giảm bớt, là bởi nhà đầu tư lại phải đối diện với một "cơn bão" khác từ Tây Ban Nha. Phiên đấu giá hôm qua, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Tây Ban Nha tăng lên trên 6,5%, giống Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland ở thời điểm xin cứu trợ.

Chi phí vay mượn của Tây Ban Nha đã tăng mạnh sau khi đạt đỉnh vào cuối năm ngoái khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bơm 1.000 tỷ Euro vào hệ thống ngân hàng Khu vực đồng tiền chung. Tây Ban Nha và Italy là hai quốc gia đã sử dụng phần lớn số tiền này để mua trái phiếu chính phủ.


Tỷ lệ đồng bạc xanh của Mỹ trong các kho dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng lên tới mức 62,1%, cao nhất kể từ tháng 6/2010 tới nay.


Cùng với vấn đề lợi suất trái phiếu, việc ngân hàng Bankia thuộc nhóm "đại gia" tài chính của Tây Ban Nha cuối tuần trước đã đề nghị chính phủ nước này trợ giúp một khoản tiền lên tới 19 tỷ Euro (23,8 tỷ USD) cũng khiến nhà đầu tư lo sợ. Tây Ban Nha đang cân nhắc dùng trái phiếu chính phủ, vay nợ ECB để cứu Bankia.

Hôm qua, nhà đầu tư quốc tế tiếp tục đổ xô bán tống bán tháo cổ phiếu ngân hàng Tây Ban Nha. Cổ phiếu của Bankia lao dốc tới 13,4%, dẫn tới một cơn hoảng loạn trên các sàn chứng khoán châu Âu. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 0,16%, DAX của Đức hạ 0,26%, FTSE 100 của Anh tăng nhẹ 0,9%.

Kết quả giao dịch chứng khoán tại châu Âu đã xóa sạch những tín hiệu được cho là lạc quan về tình hình Hy Lạp xuất hiện trước đó. Trong cuộc trưng cầu dân ý cuối tuần trước, các đảng bảo thủ ở Hy Lạp đã giành lại vị trí dẫn đầu, cho phép thành lập chính phủ để giữ nước này tiếp tục ở lại Khu vực đồng tiền chung.

Mặc dù tình hình chính trị ở Hy Lạp sẽ vẫn chưa thực sự rõ ràng cho đến khi nước này tiến hành cuộc bầu cử lần hai vào ngày 17/6 tới, song thông tin trên đã giúp chứng khoán Mỹ phiên 28/5 tăng trở lại. Chỉ số MSCI châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) tăng 0,2%, sau khi xuống thấp nhất từ tháng 12/2011 vào ngày 25/5.

Chỉ số chứng khoán của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã giảm 0,8% trong tuần trước và đây cũng là tuần mất điểm thứ ba liên tiếp, chuỗi mất điểm dài nhất trong 6 tháng. Vào cuối tháng 2/2012, chỉ số này tăng khoảng 15% so với các mức cuối năm ngoái, song đến nay lại để mất số điểm đã giành được.

Phát biểu ngày hôm qua, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã lên tiếng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tích cực hỗ trợ các chính phủ đang gặp khó khăn về tài chính trong khu vực đồng Euro nhằm kiểm soát sự tăng vọt lãi suất trên các khoản nợ của Tây Ban Nha.

Ông Rajoy cho biết Tây Ban Nha cần sự trợ giúp từ EU để giải quyết các vấn đề về tài chính, tính thanh khoản và các khoản nợ. Ông yêu cầu ECB thực hiện việc mua trái phiếu phát hành bởi các chính phủ có nợ công cao trong khu vực đồng tiền chung châu Âu như ngân hàng này từng làm trong quá khứ.

Nhà phân tích Daragh Quinn của Nomura ước tính toàn bộ ngành ngân hàng Tây Ban Nha có thể sẽ cần thêm 50 tỷ Euro đến 60 tỷ Euro vốn mới. Nguồn vốn này được trích từ Quỹ Cứu trợ các ngân hàng Tây Ban Nha (FROB), trong đó khoảng 9 tỷ Euro còn lại dành cho các ngân hàng suy yếu.

Những bất lợi từ tình hình Tây Ban Nha không chỉ tác động mạnh tới giao dịch chứng khoán khu vực mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới khả năng hồi phục của đồng tiền chung châu Âu. Và điều này khiến cho đồng USD tuy giảm nhẹ nhưng vẫn có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư quốc tế ở thời điểm này.

Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, từ mức thấp hôm 27/7/2011, đồng bạc xanh đã tăng giá mạnh trở lại. Đặc biệt trong vòng 6 tháng qua, đồng tiền này đã tăng giá gần 5%, chủ yếu là do bão nợ công châu Âu trở lại dữ dội hơn khiến một loạt quốc gia ở lục địa già bị cuốn vào vòng xoáy, nâng mức rủi ro của đồng Euro.

Số liệu mới đây từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng cho thấy, tỷ lệ đồng bạc xanh của Mỹ trong các kho dự trữ ngoại hối toàn cầu đã tăng lên tới mức 62,1%, cao nhất kể từ tháng 6/2010 tới nay, trong khi tỷ lệ đồng Euro dự trữ bị sụt giảm tới 25% so với thời điểm tháng 9/2006. Nói một cách khác, đồng USD đang trở nên khan hiếm do bị tăng mua dự trữ.

Cùng với sự đi xuống của đồng Euro, việc vàng, dầu thô đang trong xu hướng giảm cũng khiến USD trở nên giá trị hơn. Nhiều chuyên gia phân tích như Giám đốc đầu tư tiền tệ của Hãng Standard Life Investments ở Edinburgh, ông Ken Dickson cho biết, nhà đầu tư đã tăng mua vào USD trong thời điểm bất ổn hiện nay.


Kết quả giao dịch chứng khoán thế giới ngày 28/5 (thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ Chiến sỹ trận vong)


Thị trường Chỉ số Phiên trước Đóng cửa Tăng/giảm (điểm) Tăng/giảm (%)
Mỹ Dow Jones 12.454,83      
S&P 500 1.317,82      
Nasdaq 2.837,53      
Anh FTSE 100 5.351,53 5.356,34 Up4,81 Up0,09
Pháp CAC 40 3.047,94 3.042,97 Down4,97 Down0,16
Đức DAX 6.339,94 6.323,19 Down16,75 Down0,26
Nhật Bản Nikkei 225 8.580,39 8.593,15 Up12,76 Up0,15
Hồng Kông Hang Seng 18.713,41 18.800,99 Up87,58 Up0,47
Trung Quốc Shanghai Composite 2.333,55 2.361,37 Up27,81 Up1,19
Đài Loan Taiwan Weighted 7.071,63 7.136,00 Up64,37 Up0,91
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.824,17 1.824,17 Up9,70 Up0,53
Singapore Straits Times 2.772,75 2.787,22 Up14,47 Up0,52
Nguồn: CNBC, Market Watch.


Theo VnEconomy

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích