Chưa nên “buông” giá điện

Thứ ba, 29/05/2012, 08:01
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng trong bối cảnh hiện nay, Nhà nước chưa nên thả nổi giá bán lẻ điện bởi nếu không có một cơ quan kiểm soát độc lập, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi.


>> Chưa giảm giá xăng, chưa tăng giá điện
>> Giá điện sẽ không ngừng tăng
>> Giá điện: “Luôn tăng và không bao giờ giảm”

Ngày 28-5, Quốc hội (QH) đã thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giá.

Cân nhắc việc lập quỹ

Bày tỏ sự quan tâm về phí chi tiêu của hầu hết gia đình Việt Nam, đại biểu (ĐB) Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) đề nghị nếu chưa thể hình thành được thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thì Nhà nước không nên “buông” mà vẫn phải có trách nhiệm định giá điện. “Nếu để mặc cho ngành điện định giá thì chắc chắn sẽ không có lợi cho người tiêu dùng và việc giải quyết hậu quả là không hề đơn giản” - ông Mạo nhận định.
 



Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng Quốc hội cần nhìn nhận
một cách cẩn trọng khi cho phép lập các loại quỹ

 
 

Chia sẻ quan ngại này, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) kiến nghị QH cần xem xét kỹ quy định về các loại giá điện như giá truyền tải điện, giá dịch vụ… Theo ông Thành, nếu QH thống nhất các loại giá này tại Luật Giá thì xem như đã chấp nhận rất nhiều giá đối với các khâu truyền tải, phân phối và phát điện. “Hậu quả là người tiêu dùng sẽ phải đối diện với nguy cơ giá bán lẻ điện bị đẩy lên cao” - ông Thành lo ngại.

Dẫn lại “bài học” phí sử dụng đường bộ, ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng QH cần nhìn nhận một cách cẩn trọng khi cho phép lập các loại quỹ. Ông Tâm đưa ra ví dụ việc lập Quỹ Bảo trì đường bộ đã gặp rất nhiều ý kiến bức xúc và không đồng thuận trong xã hội. “Khi QH quyết định cho phép thành lập các quỹ bình ổn giá thì cần phải xác định rõ từng trường hợp cụ thể để tránh sai lầm” - ông Tâm nói.

Điều kiện bình ổn giá quá “mông lung”

Nội dung được nhiều ĐB mổ xẻ trong dự án Luật Giá là quy định về 10 loại hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, gồm: xăng dầu thành phẩm; điện; khí dầu mỏ hóa lỏng; phân đạm; vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; muối ăn; sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi; đường ăn (đường trắng và đường tinh luyện); thóc, gạo tẻ thường; thuốc phòng, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại các cơ sở khám, chữa bệnh do Bộ Y tế quy định.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) cho rằng quy định về điều kiện bình ổn giá quá “mông lung”. Ông Nghĩa kiến nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Giá cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung để quy định chặt chẽ hơn và có phân cấp rõ ràng đối với nội dung này.

Theo Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM Trần Du Lịch, Bộ Tài chính nên báo cáo hiệu quả của Quỹ Bình ổn xăng dầu để QH có thể yên tâm về biện pháp bình ổn giá. Tuy nhiên, ông Lịch cũng đặt vấn đề về biện pháp này dưới góc độ kinh tế: “Chúng ta đừng quá kỳ vọng vào bình ổn giá nếu như kinh tế vĩ mô bất ổn. Là nước nông nghiệp nhưng con heo do dân ta nuôi lại ăn toàn cám ngoại. Trong khi đó, chủ yếu doanh nghiệp nước ngoài đang độc quyền thức ăn gia súc thì liệu có bình ổn giá được không?”.

Đồng tình với băn khoăn này, ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) nhận định: “Sữa, thuốc chữa bệnh và thức ăn chăn nuôi hầu như bị doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chi phối thị trường nên có quy định vào luật thì việc bình ổn cũng khó thực thi”.
 


Nên bỏ phiếu tín nhiệm từ bộ trưởng trở lên

Chiều cùng ngày, QH đã thảo luận tại tổ về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH.

Ủng hộ quy định “nên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với các chức danh do QH bầu và phê chuẩn”, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) đề nghị nên bỏ phiếu một lần, nếu không được thì cho nghỉ. Theo bà An, việc bỏ phiếu nên tiến hành hằng năm nhưng lựa chọn chức danh, phải chức danh nào gắn với quản lý Nhà nước, nhất là vị trí “nhạy cảm”, có thể từ cấp bộ trưởng trở lên, còn các chức danh như đoàn thư ký kỳ họp thì không phải bỏ phiếu.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho biết bỏ phiếu tín nhiệm đã được Hiến pháp và Luật Tổ chức QH quy định rõ nhưng nhiều năm qua không tiến hành được vì vướng một số quy định cần phải sửa như phải có ít nhất 20% ĐBQH đề nghị thì mới xem xét. Theo ông Minh, có nhiều vấn đề trong đề án đụng đến văn bản ngoài pháp luật, nếu không tiếp tục đổi mới thì hoạt động QH chưa đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. “Theo tôi, phải tiếp tục nghiên cứu việc bỏ phiếu tín nhiệm, chưa nên đưa rakỳ họp tới. Cần giao Ủy ban Thường vụ QH xem xét để xây dựng quy chế thực hiện có tính khả thi hơn” - ông Minh kiến nghị.

Góp ý về đổi mới công tác tiếp xúc cử tri, ĐB Ngô Văn Minh cho rằng cần nâng cao chất lượng hơn nữa, phải đi sâu vào những điều cử tri bức xúc và quan tâm. “Các cuộc tiếp xúc cử tri phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thậm chí nơi đăng tin phải để người dân dễ đọc và nhận biết” - ông Minh nói. ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) đề nghị phải tăng cường tiếp xúc cử tri theo chuyên đề.
T.Hà - B.Trân
 

Theo NLD

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn