Tướng Thước: "Bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là một sự quan liêu"
Thứ ba, 29/05/2012, 07:08
“Lãnh đạo cấp trên không biết còn ra quyết định bổ nhiệm là không trên cơ sở thực tiễn; bổ nhiệm một người lãnh đạo công ty làm ăn thua lỗ lên một vị trí rất quan trọng như vậy thì đó là sự quan liêu”.
Chiều ngày 27/5, tại phiên Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2012, trả lời báo chí về vụ bê bối tại Vinalines, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói rõ: “Việc để ông Dương Chí Dũng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải là đúng thẩm quyền, đúng quy trình theo quy định về công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước...”.
Trao đổi với phóng viên, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội khóa 8, 9, 10 đã nói: “Tôi nghe Bộ trưởng Vũ Đức Đam nói việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là làm đúng quy trình. Làm đúng quy trình nghĩa là sao?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và ông Vũ Mão trong buổi trực tuyến về vụ Đoàn Văn Vươn
Làm đúng quy trình nhưng mà con người đó trước lúc bổ nhiệm vào vị trí Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam như thế nào, lãnh đạo ra quyết định bổ nhiệm có hiểu không? Lúc bổ nhiệm thì chất lượng như thế nào? Quy trình gốc là tuyển lựa cán bộ đã có vấn đề thì những quy trình sau chỉ là những quy trình ăn theo cũng sẽ hỏng. Trước khi chọn lựa để mà đưa lên thì phải biết người được bổ nhiệm tốt hay xấu chứ.
Ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói là lúc đưa lên chưa phát hiện cái sai phạm thì đó là cái lỗi của người bổ nhiệm. Trước lúc anh bổ nhiệm một người vào vị trí quan trọng thì anh phải biết anh ta như thế nào chứ?
Cũng giống như vụ Tiên Lãng, quy trình tổ chức cưỡng chế là đúng nhưng sản phẩm của quy trình đó là dân thì đi tù, cán bộ thì bị thương thế thì quy trình đó là tốt hay là xấu? Quy trình chỉ mang tính hình thức hành chính. Thế còn nội dung thì sao? Cái gốc của vấn đề anh không nắm được”.
Trung tướng Thước nói tiếp: “Vụ này mà nói không có sai phạm là hoàn toàn không đúng. Đúng là không sai phạm về quy trình nhưng con người anh Dương Chí Dũng không phải lúc lên Cục trưởng mới sai mà trước đó đã sai. Những sai phạm rất nghiêm trọng đã xuất hiện từ thời anh này còn làm chủ tịch Hội đồng thành viên của Vinalines.
Vậy mà lãnh đạo cấp trên không biết còn ra quyết định bổ nhiệm là không trên cơ sở thực tiễn; bổ nhiệm một người lãnh đạo công ty làm ăn thua lỗ lên một vị trí rất quan trọng như vậy thì đó là sự quan liêu. Trách nhiệm của lãnh đạo là ở chỗ đó. Mà người có quyền để quyết định một sự lựa chọn nhân lực như vậy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm”.
Theo tướng Thước, việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là một sự quan liêu
"Tôi khâm phục cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn"
Khi được hỏi về việc đã có trường hợp nào trước đây tương tự như vụ bê bối tại Vinalines hay chưa, ông Thước cho biết: “Nhắc tới những sai phạm của Dương Chí Dũng tôi nhớ đến vụ việc của Lã Thị Kim Oanh trước đây. Tôi rất khâm phục ông Lê Huy Ngọ - Nguyên Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày ấy.
Dù vụ án của Lã Thị Kim Oanh không có lỗi trực tiếp của ông Ngọ nhưng ông ấy vẫn đứng ra chịu trách nhiệm và xin từ chức. Nhớ ngày còn tại vị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, những thời điểm có bão lụt, ông ấy đã xắn quần lên giống như một ông nông dân không giầy dép lội đi thực tế để nắm tình hình và có những chỉ đạo kịp thời. Đến giờ tôi vẫn quý ông ấy. Đó là con người sát với dân, sát với thực tiễn, chỉ làm những điều có lợi cho dân”.
"Ngẫm lại cách dùng người của Bác Hồ"
Nói về công tác cán bộ, Trung tướng Thước cho biết: “Qua vụ việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng, tôi lại ngẫm tới cách dùng người của Hồ Chủ tịch. Người đã “soi” hết tất cả không phải chỉ riêng ông Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp – PV) mà còn nhiều người khác thân cận với Bác. Những người đó là ông Phạm Văn Đồng, ông Nguyễn Chí Thanh, ông Trường Chinh, ông Hoàng Quốc Việt…
Cái tài của người đứng đầu là biết được cán bộ. Bác đã từng nói việc sử dụng cán bộ cũng như sử dụng một khúc gỗ, hình dáng như thế nào thì phải tận dụng để làm ra một sản phẩm phù hợp. Nếu một khúc gỗ phù hợp làm vật này mà lại cố làm vật khác thì cũng hỏng. Nói điều đó để thấy đó là cái tài của Hồ Chủ tịch. Bác đã tạo được một đội ngũ cán bộ quanh mình tuyệt vời.
Tôi còn nhớ lúc Bác đi công tác, Bác đã giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng thay mặt Bác điều hành đất nước. Bác dám sử dụng một con người ngoài Đảng trong khi đó còn có nhiều Đảng viên kỳ cựu. Và cụ Huỳnh Thúc Kháng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bác tài là như vậy.
Lúc tổng kết Đại hội VI, đồng chí Trường Chinh cũng đã nói: Nguyên nhân của mọi nguyên nhân của các khuyết điểm đó là công tác tổ chức cán bộ. Tổ chức cán bộ hỏng thì khó mà có được đội ngũ cán bộ tốt. Cho nên nói học tập Bác Hồ, theo tôi, các vị lãnh đạo phải học tập trước tiên là cách sử dụng người của Bác”.