Tỷ phú tôm: Trắng tay sau 5 năm tích lũy

Thứ ba, 29/05/2012, 07:32
Đến nay, các giải pháp ngăn chặn trước thực trạng tôm chết hàng loạt trên địa bàn tỉnh Trà Vinh vẫn chưa có hiệu quả. Khi các cơ quan chức năng đang loay hoay truy tìm nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại cho người nuôi tôm hàng trăm tỷ đồng.
 
 
Hết vốn, treo ao
 
Những ngày này về với cánh đồng tôm của  2 huyện Cầu Ngang và Duyên Hải, (Trà Vinh), hàng loạt cánh đồng tôm giống của người dân chết hàng loạt, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm. Hàng ngày, người nong dân nơi đây vẫn ra thăm đầm như không thể tin là mình đã phá sản bởi tôm chết hàng loạt và quá nhanh chóng.
 
Ông Nguyễn Văn Y (Âp 3, xã Mỹ Long, huyện Cầu Ngang) cho biết, trong 4 vụ tôm liên tiếp cùng thời điểm hiện tại gia đình ông trúng mùa, bán với mức giá thu lãi sau khi trừ chi phí khoảng 100 triệu đồng/một vụ tôm. Vụ tôm năm 2011 của gia đình ông Y, nuôi thả hơn 200.000 con giống trên diện tích 15.000m2, năm đó ông thắng lớn với nguồn thu gần 200 triệu đồng.
 
Con tôm trở thành điểm tựa để người nông dân vươn lên làm giàu chính đáng. Tin tưởng vào một vụ mùa tiếp theo, ông Y đã thả tôm trên diện tích nuôi lên gấp 2 lần và cho xuống đầm tôm 480.000 con giống.
 
Đau đớn thay. Lứa tôm nuôi hy vọng của gia đình ông đã chết sạch, chỉ sau một thời gian nuôi 20 ngày sau khi thả xuống đầm. Cả cục tiền vốn liếng, công sức lao động bao năm qua, với số tiền 350 triệu đồng trong thoáng chốc tan tành theo đàn tôm chết: "Cả tháng nay, bà con nơi đây chỉ biết treo vuông vì không ai dám thả nuôi vụ hai, muốn thả tôm lắm, nhưng bây giờ cũng chẳng còn vốn đâu nữa". Ông Y thở dài ngao ngán.
 
Những cánh đông tôm ở huyện Cầu Ngang giờ bỏ hoang, (Ảnh: Q,Huy)
 
Cùng cảnh ngộ ấy là anh Nguyễn Văn Bẹ (ấp Cái Già Trên, xã Hiệp Mỹ Đông, Cầu Ngang), suốt 5 năm qua nuôi tôm thì 4 năm đều cho thu hoạch khá, riêng vụ vừa rồi gia đình anh cũng chịu chung thảm cảnh với hàng trăm hộ nông dân nơi đây.
 
Diện tích 6.000m2 đầm tôm anh Bẹ thả nuôi 120.000 con giống đã có năm thu lãi trên 400 triệu đồng. "Năm vừa rồi trúng đậm tiền tôm, nên năm nay tui quyết định gom hết vốn liếng và vay ngân hàng thêm 40 triệu đồng để cải tạo ao, nâng số lượng tôm giống thả nuôi lên gấp đôi. Ai ngờ, chỉ trong một thời gian ngắn thả tôm giống xuống là chết sạch".
 
Cũng Theo anh Bẹ, vụ tôm năm trước, nếu hộ nào thu lãi khoảng 100 triệu đồng thì năm nay coi như lỗ chắc. Còn theo nhiều hộ nuôi tôm khác, sau khi chứng kiến một vụ tôm thất bại của bà con, nhiều ngân hàng đã không tiếp tục cho người nuôi vay vốn, nhiều cơ sở, cửa hàng cũng không còn bao thức ăn, người nuôi tôm phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn khắp nơi. Nhưng, tiền vẫn không có thể mượn được trong lúc có rất nhiều cánh đồng tôm chết thảm như trên.
 
Ông Dương Văn Đởm, Quyền Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cầu Ngang, cho biết: "Do giá bán cao hơn thời điểm chính vụ từ 15 đến 20.000đ/kg, nên bà con đã quá chủ quan khi có đến 80% người nuôi đồng loạt thả sớm. Cạnh đó, những vố trúng đậm trong vụ tôm năm rồi đã cuốn hút bà con hùn toàn bộ vốn vào "canh bạc" nuôi tôm. Khi tôm chết hàng loạt trên diện rộng và gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Những hộ đã nuôi lâu năm còn có thể lời ăn lỗ chịu, còn những hộ mới nuôi năm đầu thì coi như mất trắng".
 
Tôm chết, vẫn chưa có hồi kết
 
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Trà Vinh đã có 8.115 hộ (chiếm 35,79%) có tôm bị thiệt hại trên diện tích 7.862 ha (chiếm 34%) với số lượng 830 triệu con giống (chiếm 46%). Tôm chết tập trung tại các huyện Cầu Ngang, Duyên Hải, Châu Thành và Trà Cú.
 
Riêng huyện Cầu Ngang có số lượng tôm chết được liệt vào dạng nhiều nhất trong toàn tỉnh Trà Vinh.. Ước tổng thiệt hại đã lên đến khoảng 700 tỉ đồng. Đáng lo nhất là hiện nay dù tình trạng tôm chết đã giảm tốc, nhưng vẫn chưa dừng lại và đang có dấu hiệu lan ra các vùng nước lợ. Nhiều bà con đang rất hoang mang vì không biết có thể thả tôm nuôi tiếp hay không.
 
 
Những con tôm chết dần chết mòn trên tay người nông dân, mất vốn và mất niềm tin ở con tôm.
 
Ông Phạm Minh Truyền, Phó GĐ Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, phân tích: "Trên cùng một diện tích với mùa vụ năm qua, nếu người nuôi thả số lượng tôm giống lớn hơn sẽ tạo ra áp lực về môi trường, dẫn đến phá vỡ cân bằng hệ sinh thái và tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển".
 
Ngành nông nghiệp đang khuyến cáo bà con chậm thả tôm vụ 2, để chờ nguồn nước ổn định trở lại. Hiện chúng tôi đang chờ Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh cung cấp Cholorine (60 tấn) để tiến hành dập dịch tại các vùng nuôi thâm canh tập trung.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng đang khuyến cáo bà con có thể chuyển đổi sang những đối tượng nuôi khác như: Cua biển, tôm càng xanh... và có thể xin UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí con giống, giúp người nuôi sản xuất trở lại.
 
Tuy nhiên, việc chuyển sang những đối tượng nuôi khác cần phải tuân thủ các quy định như: Đối tượng nuôi phải nằm trong vùng quy hoạch và nuôi thâm canh tập trung...."Bằng mọi biện pháp, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục tình trạng tôm chết để giúp bà con sản xuất trở lại.

Tôm chết phần lớn là do bệnh gan tụy. Ngoài những nguyên nhân do thời tiết thất thường, nhiều kết quả nghiên cứu đang nghiên về hướng bị nhiễm độc tố, có thể là trong hóa chất cải tạo ao hoặc các hóa chất có trong thức ăn". Ông  Phạm Minh Truyền cho biết.
 

Theo VEF

Các tin cũ hơn