Khu dân cư Phú Quang: Chủ đầu tư ôm tiền tỷ bỏ trốn
Thứ hai, 28/05/2012, 17:29
Với chiêu thức hùn vốn, Công ty TNHH Kinh doanh - Xây dựng - Dịch vụ và Tư vấn Phú Quang (Công ty Phú Quang) đã huy động tiền, đất của hàng trăm khách hàng ở TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… để thực hiện dự án Khu dân cư Phú Quang tại phường Vĩnh Phú, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Sau nhiều năm “trùm mền”, khi tỉnh Bình Dương thu hồi dự án, Phú Quang đã ôm tiền bỏ trốn.
Năm 2004, UBND huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương chấp thuận cho Công ty Phú Quang (địa chỉ 837B, tỉnh lộ 43, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM) thực hiện dự án khu dân cư đô thị mới Phú Quang với quy mô quy hoạch được duyệt hơn 31ha, trong đó 14ha là đất ở.
Cuối tháng 11-2004, tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định 8835/QĐ-CT thu hồi trước 8,8ha/31ha của các hộ dân và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dự án. Theo quyết định trên, chủ đầu tư có nghĩa vụ thi công cơ sở hạ tầng đúng quy hoạch trước khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất và trước tháng 11-2005.
Ông Vũ Trí Hưng (Thủ Đức, TPHCM), người mua nhiều nền đất tại dự án này, cho biết: “9 năm trước, vì quá tin vào chủ trương của tỉnh Bình Dương cũng như quy hoạch khu đô thị Phú Quang quá đẹp, tôi và nhiều người thân trong gia đình lần lượt đăng ký hợp đồng mua nền.
Nhiều người dân đã bị lừa vì dự án ma của công ty Phú Cường
Tất cả các nền đất (44 nền) chúng tôi đã đóng 70% giá trị hợp đồng. Lúc đó, ông Phạm Thanh Hải (Tổng giám đốc Công ty Phú Quang) hứa ngay sau khi khách hàng góp vốn làm hạ tầng sẽ giao nền, sổ đỏ trong vòng 1 năm. Thấy dự án không tiến triển, nhiều lần tôi đến trụ sở yêu cầu gặp giám đốc giải trình thì nhân viên viện lý do sếp bận đi công tác nước ngoài”.
Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Tiến Huân (Phú Nhuận, TPHCM) ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Phú Quang từ năm 2004 và đã đóng 70% giá trị hợp đồng (4 nền). Theo anh Huân, cuối năm 2005 là thời hạn giao nền song chủ đầu tư vẫn chưa bồi thường giải tỏa xong, chưa làm hạ tầng.
Nhận thấy cách làm ăn của Phú Quang có vấn đề, bản thân anh cũng như nhiều khách hàng đề nghị công ty cho biết số tiền huy động có sử dụng đúng mục đích hay không nhưng mọi cố gắng liên lạc đều bất thành.
Tính từ năm 2003 đến nay, có tổng cộng 139 khách hàng góp vốn, hầu hết đã hoàn thành khoảng 60-70% giá trị hợp đồng, ước khoảng 20 tỷ đồng.
Các hợp đồng được lập với khách hàng do ông Phạm Thanh Hải ký. Đáng lưu ý, ngay từ thời điểm dự án mới được chấp thuận chủ trương (tháng 1-2003), Phú Quang đã tiến hành huy động vốn của 5 khách hàng dưới dạng “hợp đồng hợp tác đầu tư”.
Đối tượng thứ hai bị liên lụy là những người hoán đổi đất (đất ở, đất nông nghiệp) lấy nền thổ cư tại dự án. Theo tìm hiểu của ĐTTC, trong số 8,7ha được tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Phú Quang chỉ đền bù khoảng 3,7ha (giá bồi thường xấp xỉ 200.000 đồng/m2), diện tích còn lại chủ yếu là thỏa thuận đổi đất nông nghiệp lấy nền thổ cư.
Điển hình như ông Phan Văn Bỉ (phường Vĩnh Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) giao toàn bộ mảnh đất nông nghiệp có diện tích 1.896m2 đang canh tác cho chủ đầu tư để hoán đổi 2 nền và 177 triệu đồng bồi thường.
Bà Nguyễn Thị Anh (Thuận An, Bình Dương) hoán đổi ngang mảnh đất diện tích 4.030m2 lấy 5 nền. Tất cả các trường hợp hoán đổi đất phải bàn giao sổ đỏ cho Phú Quang nắm giữ tại thời điểm ký hợp đồng.
“Suốt nhiều năm giao đất, sổ đỏ cho chủ đầu tư, nông dân rơi vào cảnh đói nghèo vì không có đất canh tác, nhiều hộ dân phải sống tạm bợ trong những chòi lá hoang tàn” - ông Bỉ chua xót.
Siêu lừa
Dự án khu đô thị Phú Quang đến thời điểm này vẫn là cánh đồng hoang, lau sậy mọc lút đầu người.
Tháng 12-2007, UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định thu hồi dự án vì thời gian triển khai chậm so với thời gian quy định; đồng thời giao Sở Xây dựng, UBND huyện Thuận An quản lý khu vực quy hoạch và tìm kiếm nhà đầu tư tiếp tục thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt.
Việc UBND tỉnh Bình Dương thu hồi dự án là hợp lý, đúng chủ trương. Tuy nhiên quyết định này đã đẩy những khách hàng góp tiền, đất tham gia dự án đứng trước một nguy cơ hết sức rủi ro. Bất lợi trước hết là Phú Quang không có thiện chí theo đuổi dự án.
Hơn nữa, là chủ dự án có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, vốn tự có của Phú Quang dường như bằng 0, bởi ngay cả “trụ sở” của công ty này vỏn vẹn chục mét vuông cũng đang thế chấp cho Ngân hàng Đông Á. Do đó, khách hàng khó tránh khỏi nguy cơ bị xù nợ. Những ngày gần đây, hàng trăm khách hàng đã tìm đến trụ sở của Công ty Phú Quang nhưng ông Phạm Thanh Hải đã bỏ trốn.
Được biết, năm 2006, sau khi nhận được đơn thư tố cáo của người dân, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo thành lập đoàn kiểm tra. Dù vậy, nhiều khách hàng không thể tiếp cận được kết luận thanh tra.
Sự việc động trời đến mức khi tỉnh Bình Dương có quyết định thu hồi dự án, chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý “quên” thông báo cho những người đã góp tiền, đất vào dự án trên. Chính vì thông tin thu hồi dự án bị ém nhẹm nên trong năm 2008 có ít nhất thêm 10 khách hàng ký hợp đồng hợp tác đầu tư vào dự án “ma” của Phú Quang.
Ngoài ra, vị giám đốc “siêu lừa” này còn đem giá trị quyền sử dụng đất của dự án thế chấp cho Công ty Tài chính Dầu khí - chi nhánh TPHCM và đơn vị này giải ngân trót lọt 43 tỷ đồng. Theo nhiều người dân, lẽ ra, khi thu hồi dự án UBND tỉnh phải tính tới quyền lợi của người dân, buộc chủ đầu tư chịu trách nhiệm và giải quyết dứt điểm.
Hiện hàng trăm khách hàng, người dân đã cùng gửi đơn cầu cứu đến UBND tỉnh Bình Dương có biện pháp can thiệp hỗ trợ người dân bằng cách giao cho một chủ đầu tư khác có năng lực tiếp tục thực hiện dự án, có trách nhiệm với người dân và khách hàng trong việc giao nền đất.