Lãi chục tỷ đồng/ngày, DN vẫn chưa chịu giảm giá xăng

Thứ năm, 07/06/2012, 09:33
Giá xăng dầu thế giới tiếp tục lao dốc rất nhanh nhiều ngày qua, mỗi lít xăng A92 hiện nay DN đang lãi “khủng” từ 1.700 -1.800 đồng/lít. Thế nhưng, liên bộ Tài chính - Công thương, DN xăng dầu vẫn đủng đỉnh... xem xét.
Trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua xăng dầu giá cao do giá bán lẻ trong nước chưa được điều chỉnh theo diễn biến giá thế giới, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lại liên tiếp tăng chiết khấu cho đại lý.
 
Diễn biến giá xăng A92 nhập khẩu (đã bao gồm thuế, phí, lợi nhuận định mức...) và giá bán lẻ trong nước - Đồ hoạ: VĨ CƯỜNG - Ảnh: T ĐẠM - Dữ liệu: B.H.
 
Lãi “khủng” mỗi lít xăng
 
Ghi nhận diễn biến giá xăng dầu tại thị trường Singapore những ngày qua cho thấy đây là một trong những dịp hiếm hoi giá xăng dầu giảm ấn tượng, hội tụ đầy đủ các yếu tố để giảm giá bán lẻ trong nước.
 
Cụ thể ngày 4-6, giá xăng A92 nhập khẩu chỉ còn 104,91 USD/thùng, giảm 22-24 USD/thùng so với một số phiên giao dịch trong vòng một tháng trước đó. Giá dầu DO ngày 4-6 cũng xuống còn 112,06 USD/thùng và dầu hoả còn 109,91 USD/thùng. Trước đó, giá các mặt hàng này đã liên tục đứng ở mức thấp kể từ cuối tháng 5 đến nay.
 
Theo tính toán, giá cơ sở trung bình 30 ngày kể từ ngày 4-6 trở về trước, doanh nghiệp nhập khẩu xăng A92 đang lời khoảng 1.100 đồng/lít. Tuy nhiên, do trong giá cơ sở đã bao gồm khoản lợi nhuận định mức 300 đồng/lít, nên doanh nghiệp có thể lời tới 1.400 đồng/lít.
 
Tương tự, ở mặt hàng dầu DO, giá cơ sở đang thấp hơn giá bán lẻ khoảng 970 đồng/lít. Nếu tính cả khoản lợi nhuận định mức, doanh nghiệp đang lãi tới 1.370 đồng/lít.
 
Tuy nhiên, đó là những khoản lời lãi trên quy định tại nghị định 84, theo cách tính giá cơ sở bình quân 30 ngày mà liên bộ Tài chính - Công thương đang áp dụng. Còn trong thực tế, các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho biết chu kỳ nhập khẩu xăng dầu thường 7-10 ngày. Vì vậy, nếu tính giá xăng A92 trong khoảng 10 ngày trở lại đây, mức lợi nhuận của doanh nghiệp có thể lời tới 1.700-1.800 đồng/lít.
 
Khi bàn về những điểm bất hợp lý trong nghị định 84, tổng giám đốc một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn còn đưa ra quan điểm thả hoàn toàn giá trong nước theo giá thị trường thế giới.
 
Nghĩa là giá thế giới tăng thì trong nước tăng, giá thế giới giảm thì trong nước giảm. Như vậy, trường hợp tính theo giá ngày 4-6, mức chênh lệch giữa giá nhập khẩu đã bao gồm các khoản thuế, phí đang thấp hơn giá bán lẻ tới 2.800 đồng/lít.
 
Ở mặt hàng dầu DO, giá nhập khẩu đã gồm các khoản thuế, phí theo mức trung bình từ khi Bộ Tài chính tăng thuế nhập khẩu từ 2% lên 3% vào ngày 24-5 vừa qua đang thấp hơn giá bán lẻ khoảng 1.550 đồng/lít.
 
Tương tự, mức chênh lệch ở mặt hàng dầu hoả cũng vào khoảng 1.500 đồng/lít khi thuế nhập khẩu tăng từ 3% lên 5%. Nghĩa là doanh nghiệp hoàn toàn có thể có được mức lời trong khoảng 1.500 đồng/lít ở cả hai mặt hàng trên.
 
Mặc dù giá xăng trên thị trường thế giới liên tục giảm mạnh, người tiêu dùng VN vẫn phải trả tiền xăng giá cao (ảnh chụp tại cây xăng Bùi Thị Xuân, Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Thanh Đạm
 
Liên tục tăng chiết khấu
 
Do giá xăng giảm nhanh nên các doanh nghiệp cũng mạnh tay chi chiết khấu cho các đại lý. Một đại lý xăng dầu ở TP.HCM cho biết ngay sau khi Bộ Tài chính giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu từ 300-600 đồng/lít vào chiều 23-5, do giá thế giới tiếp tục đứng ở mức thấp những ngày sau đó nên doanh nghiệp đầu mối đã liên tiếp tăng chiết khấu. Cụ thể, chiết khấu được điều chỉnh tăng trong các ngày 29-5, 30-5, 1-6 và gần đây nhất là ngày 4-6.
 
Ông S., trưởng phòng kinh doanh xăng dầu một công ty thương mại có gần 30 cây xăng ở TP.HCM, cho biết mỗi lần tăng chiết khấu, doanh nghiệp đầu mối đều “cho thêm” 50 đồng/lít. Đến thời điểm này, chiết khấu mà công ty nhận được là 750 đồng/lít ở cả mặt hàng xăng và dầu.
 
Một số đại lý xăng dầu cho biết đó chưa phải là mức cao nhất hiện nay vì đây là thời điểm các đầu mối xăng dầu tung chiêu cạnh tranh giành thị phần. Do đó một số đầu mối, đặc biệt là các đầu mối nhỏ, thường chi chiết khấu cao lên đến gần 800-900 đồng/lít.
 
Nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thừa nhận hiện nay hoàn toàn có thể giảm giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu. Quy định tại nghị định 84 chỉ lấy giá cơ sở trung bình 30 ngày để làm căn cứ điều chỉnh giá trong nước, chứ hoàn toàn không yêu cầu giữa hai lần giảm giá phải cách nhau 30 ngày.
 
Do đó với mức chênh lệch như trên, doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện giảm giá mà vẫn cân đối được lợi ích của doanh nghiệp.
 
Mặc dù điều kiện để giảm giá đã khá rõ rệt nhưng theo tìm hiểu, đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp đầu mối đề xuất giảm giá bán lẻ mà đang chờ quyết định điều hành của Bộ Tài chính, trong khi ở các thời điểm giá thế giới tăng, doanh nghiệp lại luôn chủ động đề nghị được tăng giá bán vì thua lỗ.
 
Ông Nguyễn Xuân Sơn, tổng giám đốc Tổng công ty  Dầu VN, cho biết sở dĩ doanh nghiệp chưa có đề xuất vì hiện nay liên bộ Tài chính - Công thương theo dõi diễn biến giá xăng dầu rất chặt chẽ. Trong khi đó, những lần doanh nghiệp phải đề nghị tăng giá là do việc điều chỉnh giá trong nước quá lâu so với diễn biến giá thế giới.
 
Bảng tính chênh lệch giá cơ sở so với giá bán lẻ trong khoảng 10 ngày trở lại đây
 
Mặt hàng
Giá nhập khẩu đã gồm thuế, phí, lợi nhuận định mức (đồng/lít)
Giá bán lẻ trong nước (đồng/lít)
Chênh lệch giá cơ sở so với giá bán lẻ (+/- đồng/lít)
Xăng A92
20.960
22.700
- 1.740
Dầu DO
19.650
21.200
- 1.550
Dầu hoả
19.600
21.100
- 1.500
 
* Giá cơ sở thấp hơn giá bán lẻ (-) doanh nghiệp lời

* Giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ (+) doanh nghiệp lỗ
 
Theo Tuổi Trẻ

Các tin cũ hơn