Vàng trong nước ngày 6-6 tăng thêm 240.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua do giá vàng thế giới tiếp tục đi lên. Đến 16h hôm nay (theo giờ VN) đã lên 1635 USD/ounce, tăng 75 USD/ounce so với cuối tuần trước.
Giá vàng thế giới tiếp tục gia tăng - Ảnh minh họa: Reuters
Theo đó, vàng SJC tính đến 14h chiều nay giao dịch mua vào mức 42,22 triệu đồng/lượng, bán ra 42,42 triệu đồng/lượng. Vàng PNJ mua vào cũng ở mức 42,20 triệu đồng/lượng, bán ra 42,30 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, vàng SBJ mua vào với giá cao hơn, ở mức 42,32 triệu đồng/lượng, bán ra 42,42 triệu đồng/lượng.
Tại Hà Nội, giá vàng miếng Bảo Tín Minh Châu mua vào ở mức 41,30 triệu đồng/lượng, bán ra 41,60 triệu đồng/lượng. Vàng AAA mua vào mức 41,50 triệu đồng/lượng, bán ra 41,90 triệu đồng/lượng.
Theo Reuters, vàng thế giới đã tăng 4,3% tính từ thứ sáu tuần trước đến nay. Vào sáng nay, giá vàng giao ngay tại thị trường Hong Kong đã tăng lên mức 1.627 USD trước khi lùi về mức 1.624 USD/ounce lúc 14h chiều nay. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 8 tại Mỹ đã tăng 0,6% lên mức 1.627,20 USD/ounce.
So với giá thế giới chiều nay, hiện giá vàng trong nước còn cao hơn đến 1,1 triệu đồng/lượng.
Cũng theo Reuters, giá vàng thế giới vẫn trụ trên 1.600 USD khi hôm nay mọi con mắt của các nhà đầu tư tiếp tục hướng về Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), nơi sẽ diễn ra cuộc họp hằng tháng về thiết lập lãi suất và giới chức khu vực sẽ nhóm họp vào ngày 28 đến 29-6 để thảo luận về chính sách vượt qua khủng hoảng, bắt đầu bùng nổ tại Hi Lạp vào năm 2009 với mức thâm hụt ngân sách khổng lồ.
Trong khi đó, Tây Ban Nha hiện đang bị các khoản nợ bao vây vì bong bóng bất động sản bùng nổ và càng trầm trọng hơn do tình trạng vung tay quá trán của Chính phủ.
Bộ trưởng Tài chính Tây Ban Nha - Cristobal Montoro đã gửi đi tín hiệu khốn cùng về tác động của khủng hoảng ngành ngân hàng đang ngăn cản năng lực đi vay của Chính phủ. Ông nói rằng với mức giá hiện tại, Tây Ban Nha không đủ khả năng tiếp cận. "Lãi suất rủi ro không cho phép cánh cửa thị trường mở ra với Tây Ban Nha", ông Montoro phát biểu trên đài phát thanh Onda Cero.
Ông kêu gọi các cơ chế tài chính châu Âu nên giúp Tây Ban Nha tái cơ cấu vốn để huy động tiền cho ngân hàng nước này.
Cao ủy Liên minh châu Âu phụ trách các vấn đề kinh tế và tài chính Olli Rehn cho biết Madrid đã không yêu cầu hỗ trợ từ châu Âu. Reuters dẫn lời quan chức cấp cao châu Âu rằng "không chuẩn bị gì hết và không nhận được yêu cầu gì hết".
Nguồn tin ở Berlin và Brussels từ chối báo cáo đăng trên tờ báo Đức Die Welt có nội dung các quan chức châu Âu đang cân nhắc cung cấp cho Tây Ban Nha một khoản tín dụng phòng ngừa, thông qua quỹ phòng hộ khu vực vào giữa tháng 6-2012.
Trước đó, hai nguồn tin chính phủ Tây Ban Nha khẳng định Madrid không cần và cũng không muốn khoản cứu trợ trên.
Một nguồn tin khác xác nhận với Reuters, Đức đang thúc đẩy Tây Ban Nha chấp nhận cứu trợ quốc tế, tương tự Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha, để giúp Madrid tái cơ cấu các ngân hàng chịu thiệt hại.
Bộ Tài chính Mỹ, chủ trì cuộc họp hôm 5-6, tuyên bố rằng G7 đã thảo luận con đường hướng đến một "liên minh tài chính" châu Âu và thống nhất sẽ theo dõi chặt chẽ quá trình thực thi. Nhưng sau đó, nhóm không đưa ra được tuyên bố chung và không đề ra các bước cụ thể ngay lập tức.