Doanh nghiệp TPHCM có thể vay 30.000 tỉ đồng trong tháng 6

Thứ tư, 06/06/2012, 09:23
Doanh nghiệp tại TPHCM đã bắt đầu tiếp cận được vốn ngân hàng kể từ tháng 5 nhưng vẫn chưa nhiều nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM và UBND TPHCM đã thống nhất đưa ra chỉ tiêu tăng 30.000 tỉ đồng tín dụng ngay trong tháng 6 này.
Đây là một phần nội dung được bàn thảo giữa đại diện NHNN chi nhánh TPHCM và UBND TPHCM về làm cách nào để doanh nghiệp tiếp cận được vốn tại cuộc họp ngày 5-6.
 
Theo báo cáo từ phía NHNN chi nhánh TPHCM, tổng dư nợ tín dụng trong 5 tháng đầu năm tại thành phố này đạt 762.200 tỉ đồng, trong đó tháng 5 tăng 0,4% so với tháng trước. Đại diện các ngân hàng tại cuộc họp trên gồm Eximbank, Vietcombank, Vietinbank, Sacombank… cũng cho biết đã bắt đầu giải ngân được vốn từ đầu tháng 5.
 
Theo báo cáo trên, từ sau khi thông tư 14 quy định cho vay ưu đãi 4 nhóm doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu có hiệu lực (ngày 4-5), tổng số doanh nghiệp được vay lãi suất ưu đãi là trên 400 doanh nghiệp, số tiền đã giải ngân là khoảng 7.000 tỉ đồng.

 
Doanh nghiệp TPHCM có cơ hội tiếp cận 30.000 tỉ đồng tại các ngân hàng trong tháng 6 này.

Ông Trần Minh Tuấn, Phó Thống đốc NHNN, cho rằng con số này quá thấp và để vốn tiếp tục đến với doah nghiệp thì hiệp hội doanh nghiệp nên đứng ra làm cầu nối để giới thiệu doanh nghiệp với ngân hàng. Đối với từng hiệp hội ngành nghề thì UBNN TPHCM và NHNN giao cho từng ngân hàng đảm nhiệm cho vay, và đến ngày 10-6 sẽ giao danh sách doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn cho NHNN chi nhánh TPHCM thực hiện.
 
Theo ông Tuấn, hiện tại lãi suất cho vay ở mức 12-14% như các gói cho vay mà các ngân hàng tung ra thực chất chưa đáng kể và lãi vay chủ yếu vẫn trên 16%. Tuy vậy, ông Tuấn cho biết lãi suất sẽ giảm tiếp trong các tháng sau do lạm phát 5 tháng ở mức thấp và khả năng trong thời gian tới NHNN sẽ bỏ trần lãi suất cho vay, những bước tiến này sẽ giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn vay.
 
Đồng thời, ông Tuấn cũng nói các ngân hàng nên mạnh dạn hơn trong việc cho vay, ví dụ như đối với lĩnh vực bất động sản, vì hạn mức của lĩnh vực không khuyến khích là 16% trên tổng dư nợ, nhiều ngân hàng vẫn chưa đạt đến, trong khi cho vay lĩnh vực này sẽ từng bước tháo gỡ cho cả nền kinh tế.
 
Có mặt tại buổi trên, các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng NHNN nên cho phép nới rộng đối tượng được ưu tiên cho vay với trần lãi suất 14% thay vì chỉ 4 lĩnh vực như thông tư 13 quy định, để giúp cho toàn bộ các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận lãi suất thấp. Đồng thời cho doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ cũ, vay với lãi suất hiện tại thay vì với lãi suất cao như trước.
 
Vấn đề cốt yếu mà các hiệp hội doanh nghiệp phản ánh vẫn là doanh nghiệp đang bí đầu ra, sản phẩm không bán được, tồn kho lớn, vay vốn khó do định giá bất động sản giảm.
 
Xác nhận điều này, ông Nguyễn Văn Lai, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết tồn kho hàng hóa gia tăng. Trong 5 tháng đầu năm, lượng tồn kho các ngành như chế biến, bảo quản rau quả tăng đến 123,2%, sản xuất nhựa tăng 89,9% so với cùng kỳ năm ngoái…
 
Về phía ngân hàng, Tổng giám đốc Eximbank Trương Văn Phước cho biết, vấn đề lớn nhất của các ngân hàng hiện nay là nợ xấu. Vấn đề này đang được NHNN xem xét xử lý thông qua việc thành lập công ty mua bán nợ quốc gia có vốn 100.000 tỉ đồng. Số tiền trên có thể thu được từ phát hành trái phiếu hút vốn dư thừa của ngân hàng, thực hiện chức năng mua bán nợ xấu, mua bán tài sản đảm bảo nợ xấu để cho các ngân hàng yên tâm cho vay. Và với giá vốn sẽ giảm trong thời gian tới thì việc doanh nghiệp vay được là rất khả thi.
 
Ông Phước cũng cho rằng riêng Eximbank sẽ đưa ra gói tài trợ 5.000 tỉ đồng với lãi suất 13-15% cho doanh nghiệp tại TPHCM.
 
Chủ tịch UBNN TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết một trong những vấn đề đau đầu nhất hiện nay của lãnh đạo thành phố chính là việc doanh nghiệp không tiếp cận được vốn, sản xuất ngưng trệ, ảnh hưởng đến đời sống, an sinh xã hội của toàn thành phố. Ông cho rằng nếu tháo được vòng quay vốn thì doanh nghiệp sẽ dễ thở hơn.
 
“Các hiệp hội, sở ngành phải đưa ra số liệu cụ thể, tồn kho lĩnh vực nào, ngành nào, số liệu là bao nhiêu, để tìm cách tháo gỡ, đồng thời các hiệp hội cũng phải liên hệ với quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố để bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn theo như đề nghị của đại diện NHNN”, ông Quân nói.
 

Theo TBKTSG

Các tin cũ hơn