Tin từ Bộ Công Thương cho biết, từ đầu năm đến nay lượng thủy sản tái nhập (tức là xuất đi rồi bị trả về) trị giá 2,9 triệu đô la Mỹ.
Nguyên nhân bị các nước nhập khẩu trả về là do vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như nhiễm vi sinh hoặc kháng sinh vượt quá ngưỡng cho phép của nước nhập khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu đã có biện pháp khắc phục bằng cách kiểm tra chặt chẽ lượng dư kháng sinh, chất bảo quản và tạp chất của nguồn nguyên liệu, có quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh, an toàn trong sản xuất.
Quy trình chế biến thủy sản của Việt Nam cần nghiêm ngặt hơn để đảm bảo chất lượng xuất khẩu.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong tháng 5-2012 giảm 1,31% về lượng so với cùng kỳ năm trước đạt 110.250 tấn với kim ngạch đạt 500 triệu đô la Mỹ, tăng 2,38%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2012, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 541.000 tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,31 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,73% về lượng và 9,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2011.
Đánh giá về thị trường, Bộ Công Thương cho biết, riêng EU, thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2012 giảm tới 10% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Ba mặt hàng chủ lực tới thị trường này là, cá tra, tôm, nhuyễn thể (mực và bạch tuộc).
Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào EU giảm là do tình hình kinh tế bất ổn ở khu vực này, khiến cho nhu cầu tiêu dùng thủy sản bị ảnh hưởng, đặc biệt là đối với những mặt hàng thủy sản có trị giá cao. Tuy nhiên mặt hàng thủy sản xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam tới EU là cá tra lại đang rất được ưa chuộng, nhưng do nguồn cung cá tra của Việt Nam trong giai đoạn nửa đầu năm 2012 không được dồi dào nên xuất khẩu tới thị trường này không tăng.
Một nguyên nhân nữa là do các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của Việt Nam e ngại về tính thanh khoản tín dụng của những đối tác ở EU, nên cũng đã chủ động xuất khẩu tới những thị trường thay thế có tính thanh khoản cao hơn.
Ngoài ra, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN đều tăng khá so với cùng kỳ năm trước với hai mặt hàng chủ lực là cá tra và tôm. Tuy nhiên mức độ tăng là chưa mạnh như kỳ vọng.
Một số thị trường khác như Trung Quốc, Canada và Úc cũng đang là những thị trường tiêu thụ thủy sản có kim ngạch tăng mạnh trong giai đoạn nửa đầu năm 2012.