Chưa thể khắc phục tình trạng độc quyền điện trong vài năm tới?

Thứ tư, 06/06/2012, 14:06
Tính đến năm 2011, EVN sở hữu, quản lý, vận hành khoảng 57% tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống, nếu tính cả PVN và TKV thì 3 doanh nghiệp này nắm giữ 73% tổng công suất.

 
Sáng nay (6/6), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về (i) Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật luật sư và (ii) Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện lực.

Luật điện lực đã được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 03/12/2004, có hiệu lực từ ngày 01/7/2005. Tuy nhiên, qua gần 7 năm việc thực hiện, Luật điện lựcđã bộc lộkhông ít những bất cập, khó khăn, vướng mắc, một số quy định không còn phù hợp với phương thức quản lý, điều hành của ngànhđiện trong điều kiện hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới. Vì vậy, tới đây Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung Luật điện lực.

Có 4 nhóm nội dung chính của Luật được điều chỉnh, sửa đổi bổ sung gồm: quy hoạch phát triển điện lực; giá điện và các loại phí; giấy phép hoạt động điện lực; hoạt động điều tiết điện lực và thanh tra ngành điện lực; và một số nội dung khác.

Đối với quy hoạch phát triển điện lực: Về cơ bản Ủy ban Khoa học – Công nghệ - Môi trường tán thành với nội dung tờ trình của Chính phủ. Dự thảo luật sẽ bỏ quy hoạch phát triển điện lực cấp huyện; chu kỳ lập quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc trung ươnglà 10 năm và có định hướng cho 10 năm tiếp theo….

Đối với giá điện và các loại phí: Dự thảo luật ghi rõ giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Phải đến sau năm 2022 Việt Nam mới có thể có thị trường điện hoàn chỉnh. Nghĩa là, trong một số năm tới chưa thể khắc phục được tình trạng độc quyền của một số doanh nghiệp lớn trong các khâu phát điện, truyền tải, phân phối điện.Ủy ban KH, CN&MT đề nghị cân nhắc, nghiên cứu ở các mức độ, cấp độ phát triển khác nhau của thị trường điện lực cạnh tranh, Nhà nước vẫn phải áp dụng các biện pháp can thiệp về giá.

Theo Ủy ban KH,CN&MT, sự điều tiết của Nhà nước đối với giá điện có thể được thực hiện thông qua các chính sách thuế, các biện pháp kinh tế và tài chính hoặc thực hiện các biện pháp bình ổn giá trong giai đoạn nhất định khi xảy ra biến động bất thường về giá điện. Theo đó, sự điều tiết giá điện không nhất thiết bao gồm việc Nhà nước phê duyệt, quyết định thường xuyên hoặc định kỳ một số loại giá điện.

Nhà nước định giá cụ thể đối với giá truyền tải điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện; định khung giá đối với giá phát điện, bán buôn điện, mức giá bán lẻ điện bình quân.

Đối với giá bán lẻ điện: Chính phủ trình giá bán lẻ điện sẽ do đơn vị điện lực xây dựng. Ủy ban KH,CN&MT tán thành với đề xuất này những theo Ủy ban nên cân nhắc bổ sung thêm nội dung Nhà nước có quy định cơ chế điều chỉnh giá.

Ngành điện hiện nay và trong thời gian tới vẫn do doanh nghiệp Nhà nước độc quyền chi phối. Nếu giao cho đơn vị điện lực tự định giá dễ dẫn đến tình trạng áp giá độc quyền. Mặt khác, điện là mặt hàng thiết yếu, có ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, đời sống, kinh tế-xã hội của cả nước.

Vì vậy, Ủy ban kiến nghị Nhà nước cần quy định khung giá đối với mức giá bán lẻ điện bình quân và cơ chế điều chỉnh giá nhằm bảo đảm điều chỉnh linh hoạt theo cơ chế thị trường.


Theo TTVN

Các tin cũ hơn