Bảo hộ dưa hấu vuông, bưởi hồ lô...

Thứ tư, 06/06/2012, 08:20
Trái cây có kiểu dáng lạ, bán được giá. Thế nhưng dường như chưa có nông dân nào được bảo hộ độc quyền các kiểu trái cây lạ này.

Những năm gần đây, nông dân các tỉnh ĐBSCL ngày càng tạo được nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo. Thế nhưng người dân chưa rành rẽ về sở hữu trí tuệ, dẫn đến những vụ tranh chấp đau đầu.

Dưa vuông, dưa nén vàng

Kỹ sư trồng trọt Đinh Công Mười, nguyên là giảng viên Trường ĐH Cần Thơ, thở dài kể lại: “Năm 2002, con tui - ThS Đinh Trần Nguyễn chú ý đến thông tin dân Nhật Bản rất chuộng dưa hấu vuông. Nguyễn mày mò tìm tài liệu nghiên cứu sản xuất dưa hấu vuông”.

Trong giai đoạn thử nghiệm, với tư cách chuyên gia trồng trọt, ông Mười luôn theo sát góp ý, giúp đỡ Nguyễn. Để làm được trái dưa hấu vuông là chuyện không đơn giản. Sau nhiều thử nghiệm, cuối cùng chỉ có khung bằng kính dày 10 mm được nẹp nhôm và dây rút mới có thể chịu được sự phát triển của trái dưa và ép trái dưa theo hình vuông.

Năm 2007, Nguyễn có 50 cặp dưa vuông bán tết với giá 500.000 đồng/cặp, vừa đưa hàng ra chợ đã bán sạch. Năm 2008 được 130 cặp, bán với giá 900.000-1,5 triệu đồng/cặp. Trái dưa hấu vuông của Nguyễn được Hội đồng Khoa học Trường ĐH Cần Thơ đánh giá xuất sắc và sau đó đoạt nhiều giải thưởng, bằng khen…

Năm 2008, Nguyễn làm hồ sơ gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) đăng ký độc quyền trái dưa hấu vuông thì xảy ra tranh chấp. Ông Mười kể: “Một nhóm người cho rằng họ sản xuất thành công dưa hấu vuông trước và cho rằng chúng tôi ăn cắp ý tưởng, kiểu dáng, phương pháp sản xuất của họ”.

Cũng liên quan đến trái dưa hấu, ông Trần Thanh Liêm (TP Cần Thơ) đã tạo hình trái dưa hấu có hình nén vàng, hình xe hơi. Ông Liêm cũng nộp đơn đến Cục Sở hữu trí tuệ xin bảo hộ độc quyền kiểu dáng công nghiệp và hiện đang chờ cấp bằng.

Cuối năm 2011, ông Võ Trung Thành, nông dân ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành (Hậu Giang), cũng tạo được trái dưa hấu hình hồ lô và ông Thành cũng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “Dưa hấu hồ lô Diễm Linh”.

Trái cây hình hồ lô

Ông Thành chính là người đã tạo ra trái bưởi kiểu dáng hình hồ lô được biết đến trong nhiều năm qua. Ông kể lại chuyện “sáng tác” trái bưởi hình dạng độc đáo: “Hồi trước tui là giáo viên tiểu học, không đủ sống nên về quê trồng bưởi Năm Roi.

Một bữa nằm võng coi tivi thấy chiếu phim Tây Du Ký, các nhân vật đeo trái hồ lô, trên nhỏ dưới to, tự dưng nảy ra ý ép bưởi Năm Roi thành hình dáng hồ lô. Sau đó mấy hôm, vô tình thấy một trái bưởi bị kẹt giữa hai nhánh cây, đoạn giữa trái bị ép nhỏ nhưng hai đầu phình to. Tui hái trái bưởi này, xẻ ra thì thấy ruột bưởi vẫn bình thường. Từ đó càng nung nấu ý định làm bưởi hồ lô”.

“Đầu tiên tui dùng ống hút nước bằng nhựa buộc ngang 1/3 thân trái bưởi, hy vọng khi lớn nó sẽ có ngấn thành hình hồ lô nhưng thất bại. Tui dùng dây kẽm cũng không thành công” - ông Thành nhớ lại.

Ông đã dùng hàng chục loại vật liệu, cuối cùng mới có vài trái hình hồ lô ưng ý, tỉ lệ thành công chỉ 20%. Đưa bưởi hồ lô ra bán, tưởng chưng bán cho vui thôi, ai ngờ người mua nườm nượp dù giá 2-3 triệu đồng/cặp.

Thấy người ta chuộng nên ông tiếp tục mày mò hoàn thiện trái bưởi hồ lô, đúc hẳn khuôn nhựa để ép trái bưởi. Đến năm 2011, tỉ lệ thành công đạt 80%. Từ khi sử dụng khuôn nhựa, ông còn tạo ra những trái bưởi hồ lô có chữ tài, lộc, hình rồng, hình phụng nổi trên vỏ trái bưởi rất đặc sắc.

Tháng 4-2012, bằng độc quyền về nhãn hiệu “Bưởi hồ lô Thành Huy” của ông Võ Trung Thành được công bố trên Công báo Sở hữu Công nghiệp. Ông Thành cho biết lẽ ra ông đăng ký “Bưởi hồ lô Trung Thành” nhưng Cục bảo rằng có người khác bán cây giống đã đăng ký tên Trung Thành rồi, vì vậy ông chọn tên Thành Huy (Huy là tên con trai của ông).

Ông Thành cho biết năm 2009, ông từng làm hồ sơ đăng ký độc quyền kiểu dáng cho bưởi hồ lô. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thấy cấp bằng.


Theo PLTP

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích