Cảnh giác không thừa

Thứ tư, 06/06/2012, 16:59
Trung Quốc là một thị trường lớn, thậm chí có thể nói là rất lớn. Đây là điều không thể phủ nhận. Đối với nước ta, khi xuất khẩu vẫn đang là động lực chính để tăng trưởng kinh tế, cộng với lợi thế nằm liền kể với thị trường khổng lồ này, nên việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nhà nước cũng như nhiều doanh nghiệp.

Cũng nhờ thị trường Trung Quốc mà nhiều ngành hàng xuất khẩu chủ lực đã có thêm được lối ra khi gặp phải khó khăn lớn từ các thị trường truyền thống khác. Bằng chứng rõ nhất là ngành hàng lúa gạo. Trước đây, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu 5-6 triệu tấn gạo, nhưng đại đa số các doanh nghiệp chỉ nhìn sang Philippines, Indonesia, Malaysia, châu Phi…

Năm nay, Philippines tiếp tục giảm mạnh lượng gạo nhập khẩu; ở châu Phi gạo cấp thấp Việt Nam cạnh tranh không lại với gạo cùng loại của Ấn Độ, khiến cho xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo cũng như tiêu thụ lúa gạo hàng hóa trong nước lâm vào tình cảnh khó khăn, thì chính việc Trung Quốc mua gạo Việt Nam với khối lượng lớn, đã trở thành một trong những "cái phao” cho lúa gạo nước ta vượt qua lúc khó khăn.
 

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chẳng biết khi nào
Trung Quốc ngưng nhập gạo
 
 
 
Thế nhưng, thị trường Trung Quốc lại là một thị trường luôn ẩn chứa những yếu tố rất bất thường, khiến cho doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này, luôn ở trong trạng thái như đang … đánh bạc vậy. Cao su đang ùn ùn chở lên biên giới để xuất qua đường tiểu ngạch, đùng một cái phía Trung Quốc đóng cửa đường biên mậu.

Thế là cao su Việt Nam bị ùn ứ trên biên giới, giá giảm xuống vèo vèo. Dưa hấu và nhiều loại trái cây Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc ngon lành. Đùng một cái, cả đống hoa quả khổng lồ nằm thối ở cửa khẩu Tân Thanh vì phía bên kia không nhận hàng. Đầu năm nay, gạo Việt Nam vẫn xuất sang Trung Quốc ào ào, lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sang nước này đã lên tới trên 1,1 triệu tấn.

Nhưng trong mấy tháng qua, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang nước này thường lo ngay ngáy rằng chẳng biết khi nào Trung Quốc ngưng nhập gạo. Và mới đây, đã có những cảnh báo rằng các doanh nghiệp phải thật thận trọng khi ký những hợp đồng xuất khẩu mới sang Trung Quốc vì đang có dấu hiệu cho thấy phía bên kia có thể hủy hợp đồng hoặc từ chối nhận hàng khi gạo Việt Nam đã được chở sang đến nơi.
 
Xưa nay, trong làm ăn buôn bán, người Trung Quốc luôn được tiếng là biết giữ chữ "tín”. Nhưng chữ tín này, hình như chỉ được thực hiện giữa người Trung Quốc với nhau. Còn khi làm ăn với người nước khác, nhiều thương nhân Trung Quốc dường như chỉ biết tới chữ "lợi”. Đặc biệt, khi làm ăn với nông dân Việt Nam, nhiều thương lái Trung Quốc còn trang bị thêm chữ "lường” (lừa đảo).

Điều này đã được minh chứng qua hàng loạt vụ nông dân Việt Nam phải ôm nợ khi làm ăn với thương lái Trung Quốc. Từ khoai lang tới dứa, tới cua biển …, đều có chung một bài là thương lái Trung Quốc hứa hẹn trả giá cao hơn nhiều giá thị trường so với lái thương trong nước. Dân mình nhìn giá cao, thấy ham, đổ xô bán hàng cho thương lái Trung Quốc. Được mấy chuyến đầu họ thanh toán sòng phẳng. Nhưng chuyến sau, họ ôm cả đống hàng rồi biến mất, để cho thương lái và nông dân Việt ngồi ôm cục nợ.
 
Mới đây, ở nhiều vịnh thuộc duyên hải Miền Trung, lại lộ ra chuyện nhiều người Trung Quốc đã sang lấy mác chuyên gia tư vấn kỹ thuật để dựng lồng bè, nuôi cá trái phép nhiều năm trời. Trong vụ này, chính quyền các địa phương có người Trung Quốc nuôi cá trái phép, rõ ràng đã mắc lỗi lớn trong công tác quản lý người nước ngoài khi đã vô tình hay "cố ý” mất cảnh giác trước hành vi có thể coi là lừa đảo này của mấy "chuyên gia” Trung Quốc.
 
Bởi thế, giữ thị trường Trung Quốc là rất cần thiết, tăng cường làm ăn với thương nhân Trung Quốc cũng rất quan trọng. Tuy nhiên, khi làm ăn với Trung Quốc, việc luôn để các chữ "cảnh giác”, "cẩn thận” ở trong đầu là không thừa chút nào.


Theo Đaiđoanket

Các tin cũ hơn