Những "quả bom nổ chậm" trên TTCK

Thứ sáu, 15/06/2012, 13:36
Trên TTCK đa số các DN hoạt động trong lĩnh vực BĐS, xây dựng và VLXD có lợi nhuận trong quý I/2012 giảm mạnh hoặc thua lỗ, trong đó có không ít ở tình trạng thanh khoản yếu. Danh sách các DN BĐS có số nợ quá cao so với khoản tiền mặt hạn hẹp khiến cho nhiều nhà đầu tư phải "bỏ của chạy lấy người”.
Doanh nghiệp BĐS quay cuồng với nợ

TTCK thời gian qua đã đánh lên CP BĐS nhằm đón đầu cơ hội. Nay, khi kết quả kinh doanh quý 1 dần được công bố, dù là muộn màng vì kết quả không khả quan thì một thực tế ai cũng biết là rất ít doanh thu và đương nhiên lợi nhuận nếu có cũng khiêm tốn.

Nhiều tên tuổi có tiếng như HAG có lợi nhuận sau thuế quý I/2012 của Cty mẹ chỉ đạt vỏn vẹn 5,96 tỉ đồng, giảm mạnh so với mức hơn 300 tỉ đồng quý I/2011, NTL cũng có lợi nhuận sau thuế giảm 69% so với cùng kỳ; UDC giảm 80%; TDH (đạt gần 4 tỉ đồng) giảm 84%; PVX (lợi nhuận hơn 5 tỉ, giảm 91%); ITA (lãi 3,78 tỉ, giảm 80%);... 

Thậm chí nhiều DN khác lỗ nặng trong quý I/2012, như DTC (lỗ nhiều hơn cả VĐL); LHG lỗ 18 tỉ (vốn 260 tỉ); VES lỗ quý thứ sáu liên tiếp; VIT lỗ hơn 19 tỉ đồng (mức lỗ cao nhất trong vòng 3 năm qua)... Không chỉ vậy, có không ít các DN BĐS và XD ở tình trạng thanh khoản yếu và nợ ngắn hạn, dài hạn đều ở mức rất cao, thậm chí có trường hợp gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Chẳng hạn CTCP Sông Đà 9.06 - S96 nợ ngắn hạn lên tới 262 tỉ đồng; CTCP bất động sản du lịch Ninh Vân Bay - NVT nợ ngắn hạn 296 tỉ đồng; CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương - TDC, nợ ngắn hạn 1.340 tỉ đồng, VCSH 1.254 tỉ đồng; CTCP Xây dựng hạ tầng Sông Đà - SDH nợ ngắn hạn 330 tỉ đồng, VCSH 216 tỉ đồng...  

Không ít các DN BĐS và XD ở tình trạng thanh khoản yếu và nợ ngắn hạn, dài hạn đều ở mức rất cao.

Đáng ngại nhất là việc các Cty này sẽ xoay xở thế nào để trả nợ cũng đang được các NĐT đặt dấu hỏi lớn. Mới đây, Cty Quốc Cường Gia Lai (QCG) đã phải có tờ trình xin ý kiến cổ đông về việc xin dãn thời hạn trả nợ và lãi suất đối với dự án Phước Kiển. Hiện QCG  đang phải đối mặt với khoản nợ gần 3.000 tỉ đồng, trong đó từ đây đến cuối năm, QCG phải trả nợ NH hơn 214 tỉ đồng trong khi quỹ tiền mặt của Cty chỉ hơn 9 tỉ đồng.

Tình hình kinh doanh thì vẫn tiếp tục bết bát. Kết thúc quý I vừa rồi, QCG "hứng" lỗ 3,84 tỉ đồng, giảm mạnh so mức lãi cùng kỳ là 28,77 tỉ đồng. Trong bối cảnh nguồn vốn khó khăn, lãi suất NH cao, đặc biệt là ở lĩnh vực BĐS, chi phí tài chính ở mức 33,36 tỉ đồng đã khiến doanh thu tài chính chỉ đạt 13,04 tỉ đồng và đây cũng là nguyên nhân chính kéo lãi Cty xuống mức âm.

Bên cạnh những con số biết nói ở trên thì có một thực tế đáng quan tâm tại một số DN BĐS lớn là thị giá CP vẫn ở mức khá cao, bất chấp vay nợ lớn. Các DN này vẫn có doanh thu tuy ít ỏi, hay không lỗ hoặc lỗ ít vì lãi vay NH còn ẩn mặt. Một câu hỏi cần được các NĐT đặt ra tại những Cty BĐS nợ lớn là doanh thu ít, vay nợ nhiều thì tại sao Cty không rơi vào thua lỗ? Chi phí lãi vay đang nằm ở đâu, bao giờ thì công khai và có khả năng gây ra vụ “nổ bom” với NĐT hay không?

Danh sách "đen" ngày càng dài

Tuy nhiên, không chỉ có BĐS, hàng loạt "quả bom" khác vẫn đang chờ ngày nổ. Bản “danh sách đen” của Sở GDCK đang ngày càng được nối dài. Hàng loạt Cty niêm yết tiếp tục bị đưa vào diện cảnh báo. Nguyên nhân chính là do tình trạng thua lỗ nặng trong năm 2011.Bên cạnh đó, chưa bao giờ trên sàn lại có hiện tượng hủy niêm yết nhiều đến thế. Chúng ta phải chứng kiến sự ra đi của nhiều tên tuổi vang bóng một thời như VSP, TRI, VKP, CAD, BAS...

Tuy nhiên, nỗi trăn trở chung lớn nhất của các NĐT là hiện tượng tin xấu rất lớn của DN đến một cách đột ngột và gây thiệt hại trầm trọng cho NĐT đang nắm giữ CP. Ví dụ như SHN “nổ bom” khi lộ diện khoản nợ không thể thu hồi quá lớn, VCG đưa nhà đầu tư từ niềm lạc quan EPS năm trên 1.000 đồng xuống còn hơn 100 đồng.

Tuy nhiên, chỉ ít những DN bị lộ diện, còn lại đa phần để ẩn lãi vay trong tài khoản sản phẩm dở dang (đơn vị xây dựng BĐS) hoặc còn nằm ở khoản lãi chưa thu tại NH. Mỗi đơn vị vay nợ lớn nhưng chưa thể hiện lãi vay vào chi phí và lãi lỗ trong quyết toán là một "quả bom nổ chậm" trên sàn. 

Theo các chuyên gia, thực nghiệm trên thế giới chỉ ra rằng, sau đợt thắt chặt tiền tệ, nhiều DN sẽ phá sản và biến mất. Thị trường hiện nay chưa có sự phân hóa rõ nét về thị giá giữa những CP không nợ, ít nợ với những CP ngập trong nợ nần cũng như chưa phân hóa rõ nét thị giá CP dựa trên EPS. Để ra quyết định đầu tư phù hợp, NĐT cũng cần tính toán về tương lai của CP mình đang nắm giữ, về khả năng tồn tại trong quá khứ và tương lai.
 

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn