Chủ tịch FMC nói gì về việc cổ phiếu bị thâu tóm?

Thứ sáu, 15/06/2012, 17:46
"Giả sử có nhà đầu tư tài chính, thậm chí đầu tư thâu tóm cũng đều không gây bất lợi cho hoạt động của FMC"- Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC) nói về việc cổ phiếu này đang được mua gom trên thị trường chứng khoán.

>> Đại gia ngoại quyết liệt thâu tóm thương hiệu Việt 
>> Nên có cách nhìn rộng hơn về thâu tóm


Ông Lực cho biết FMC đi vào hoạt động cách đây 16 năm, chuyên chế biến tôm đông lạnh, tiêu thụ mạnh nhất ở thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Cách đây 5 năm, tôm thông quan ở các cảng Nhật Bản tương đối thuận lợi. Nhờ đó, hoạt động của công ty không ngừng tăng trưởng về doanh số từ khi thành lập đến năm 2007.
 
Tuy nhiên, những năm gần đây việc bán hàng vào Nhật Bản gặp rất nhiều khó khăn, nhất là hàng rào kỹ thuật. Liên tiếp 5 năm qua, việc kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tôm nhập khẩu vào nước này ngày càng nặng nề. Hiện mỗi lô hàng tôm vào thị trường này bị buộc kiểm tra tới 5 loại hóa chất kháng sinh, ảnh hưởng tới kế hoạch tiêu thụ bên nhập khẩu.

Thực phẩm Sao Ta dù có bị thâu tóm vẫn không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Ảnh minh họa

Trước tình hình trên, ông Lực cho biết FMC đã tự điều chỉnh mình, chuyển một phần sang các thị trường khác. Tuy nhiên, ngoài chuyện suy thoái kinh tế nói chung, hoạt động trong lĩnh vực chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu hiện còn phải đối đầu với khó khăn.

Ngoài rào cản trên, tôm nuôi đang bị dịch bệnh chết trên diện rộng cả nước khiến tôm nguyên liệu trong nước tăng giá vì qui luật cung cầu. Bên cạnh đó, việc cung ứng tôm trên thị trường thế giới đang dồi dào vì các nước khác trúng vụ tôm nuôi lẫn tôm biển, khiến giá tiêu thụ bị giảm sút mạnh. Chưa kể các chi phí đầu vào đều tăng và tỷ giá không khuyến khích đẩy mạnh sản xuất hàng xuất khẩu.
 
Tình hình FMC như vậy, vì sao cổ phiếu được mua gom? Theo ông Lực, các khó khăn doanh nghiệp này đang gặp phải mang tính ngắn hạn, do chủ quan nhất thời, thiếu thông tin về tình hình tôm thế giới. Trong khi đó, FMC có các yếu tố thuận lợi cho nhà đầu tư mới là vốn tích lũy của công ty cao hơn giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, FMC đang có thương hiệu uy tín, nhất là ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, có nhà xưởng hoàn chỉnh và đội ngũ lao động nổi tiếng lành nghề. Theo ông Lực, nếu nhà đầu tư mới đầu tư vào FMC sẽ rút ngắn thời gian xây dựng, thời gian thâm nhập thị trường và hưởng lợi ngay từ vốn tích lũy.
 
Mặt khác, nếu tình huống rào cản ở thị trường Nhật Bản sớm giải tỏa, FMC sẽ có cơ hội đẩy mạnh doanh số tiêu thụ. Công ty cũng vừa được cấp dự án nuôi tôm khoảng 100 hecta trong tỉnh Sóc Trăng, sát biển.
 
Nếu nhà đầu tư mới tiếp tục đầu tư tài chính, FMC sẽ tự chủ một phần tôm nguyên liệu sạch. Công ty đã có sẵn quỹ đất trong khu công nghiệp An Nghiệp Sóc Trăng với quy mô 7ha, sẵn sàng đón cơ hội mở rộng sản xuất.
 
Trước thực trạng FMC và tình hình cổ phiếu như nêu trên, ông Lực cho rằng giả sử có nhà đầu tư tài chính, thậm chí đầu tư thâu tóm cũng đều không gây bất lợi cho hoạt động của doanh nghiệp này.

Theo ông, nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng FMC hoặc phải có phương án hoạt động giúp công ty sau này tốt hơn hiện nay mới bỏ đồng tiền ra đầu tư. Được biết, trong vòng 1 tháng qua (14/05 đến 14/06), cổ phiếu FMC đã tăng hơn 12%, từ mức 13,200 đồng lên 14,800 đồng. 


Theo Fifonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích