Mùa hè, các bể bơi lúc nào cũng đông nghẹt người, ngày xoay vòng 8-12 ca… Đây thực sự là cơ hội thu bạc tỷ cho các ông chủ. Tuy nhiên, khách càng đông, thu càng nhiều thì nước bể càng bẩn. Lợi dụng việc quản lý chất lượng nước hồ bơi bị thả nổi, các ông chủ tha hồ “bán nước bẩn thu tiền tỷ”.
Cuối tuần, chị Nguyễn Ngọc Phượng (phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, HN) đưa cô con gái 4 tuổi đi bơi ở bể bơi Đại học Bách khoa Hà Nội. Tối về, cháu bị sốt và sưng mũi. Chị Phượng phải vội vàng đưa con đến bệnh viện khám và điều trị. Chị Phượng nói: "Tôi rất bất ngờ, không nghĩ là nước ở bể bơi lại nguy hiểm như vậy. Lần sau có cho con đi bơi tôi cũng phải cân nhắc cẩn thận".
Tại bể bơi của Cung văn hóa Thể thao thanh niên (số 1, Tăng Bạt Hổ) thường xuyên có chừng 50 trẻ em và người lớn đang vùng vẫy. Phía dưới bể, thỉnh thoảng lại thấy có lá cây, rác bẩn trôi theo dòng nước. Ngay giáp bể bơi là chỗ tắm tráng và khu vệ sinh, nồng nặc mùi hôi.
Nguyễn Văn Phương (tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, đang dạy bơi cho học sinh) cho biết, những người sành bơi không bao giờ tới đây vì bể bơi này cũ, chất lượng nước không đảm bảo. Có nhiều người đi bơi về, bị rát mặt, ngứa toàn thân.
Nước hồ bơi ẩn chứa nhiều vi khuẩn
Tuy nhiên, các nhân viên ở đây cho biết, bể bơi Tăng Bạt Hổ khá sạch do sử dụng nước ngầm, chỉ khử trùng bằng clo chứ không dùng các loại hóa chất khác. Nếu có đông khách đến bơi, 3 ngày thay toàn bộ nước bể bơi một lần, nếu khách vắng thì khoảng 5 ngày thay nước một lần. Bể bơi này không sử dụng hệ thống tuần hoàn nước vì sẽ phải dùng đến nhiều hóa chất.
Là người nghiên cứu về nước bể bơi nhiều năm, ông Cao Thế Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định, nước ở bể bơi gần như nước hồ hay thậm chí nước sông Tô Lịch.
"Mỗi người khi vào bể bơi mang theo rất nhiều vi khuẩn và nhiều người còn tiểu tiện ngay dưới bể. Chúng tôi đã đo, nước bể rất bẩn, thậm chí một số bể bơi có hàm lượng chất ô nhiễm như nước sông Tô Lịch. Tuy nhiên, chất lượng nước ở bể bơi phụ thuộc vào quản lý và thiết bị kỹ thuật của bể", ông Hà nói.
Khách bơi lãnh hậu quả
Ông Nguyễn Hòa Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng cho hay, trung bình mỗi ngày có khoảng 200 - 300 khách/bể bơi. Khi lượng khách quá tải thì chất lượng nước sẽ không đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ mắc các bệnh như da liễu, tiêu chảy, niêm mạc mắt... Các vi phạm ở những bể bơi chủ yếu là khâu vệ sinh môi trường, chất lượng nước, công tác cứu hộ...
Để tiến hành quản lý chất lượng nước bể bơi, ngay từ đầu tháng 5, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội đã yêu cầu tất cả các quận, huyện phải phối hợp với Trung tâm Thể thao đồng loạt kiểm tra các bể bơi trên địa bàn. Trung tâm đã lấy mẫu nước ở bể bơi để xét nghiệm. Bể bơi nào chất lượng nước không đạt yêu cầu sẽ bị xử lý, thậm chí đình chỉ hoạt động.
Giá vào cửa bể bơi bình dân là 80.000-120.000 đồng tùy bể. Mỗi ngày một bể bơi phục vụ 8-12 ca thu hút khoảng 300-400 khách thì có doanh thu khoảng 30-40 triệu đồng. Do vậy, mỗi tháng, doanh thu một bể bơi lên đến cả tỷ đồng.
Doanh thu lớn nhưng hầu hết các bể bơi công cộng, bình dân hiện nay đều "rất tiết kiệm" trong việc đầu tư thiết bị xử lý, hạn chế thay nước, xử lý vệ sinh đúng quy trình... Do vậy, đã gây ra tình trạng ô nhiễm nước hồ khá nặng.
Theo ông Cao Thế Hà, khi thiết kế bể bơi phải có tiêu chuẩn: hệ lọc nước tuần hoàn để loại bỏ cặn bã, chất bẩn; xử lý hóa chất với nồng độ hợp lý đảm bảo yêu cầu sát trùng, hạn chế tảo... Đặc biệt, các bể bơi phải thay nước sạch thường xuyên. Tuy nhiên, thực tế các bể bơi hiện nay không làm như vậy vì chi phí thay nước thường xuyên sẽ rất cao.
Ông Hà cho biết: "Khi cho hóa chất vào trong bể bơi thì phải đánh sốc, cho lượng hóa chất lớn vào lúc đóng cửa bể bơi. Hai đến ba ngày sau không cho khách vào bơi. Nhưng các bể bơi cho hóa chất vào buổi tối, sáng hôm sau vẫn mở cửa đón khách bình thường. Clo có khả năng diệt tảo và sát trùng nhưng phải cho có giới hạn. Nếu lượng clo lớn, người nhạy cảm sẽ bị hen suyễn, rát mặt. Clo tương tác với các chất do ăn uống có thể gây ung thư. Tuy nhiên, nhiều bể bơi cứ thấy nước bẩn là cho clo, rất nguy hiểm".
Cơ quan quản lý tiến hành kiểm tra theo tháng hoặc theo định kỳ có sẵn. Trong khi đó, hàng ngày, mỗi bể bơi đón vài trăm khách. Do vậy, những kết quả mà các cuộc kiểm tra có được chắc chắn không phản ánh đúng thực trạng chất lượng nước tại các bể bơi. Đây là điều mà mỗi người trước khi tới bể bơi cần cân nhắc kỹ.