Ụ nổi 11,5 triệu USD đã bỏ quên ở Cam Ranh 4 năm

Thứ bảy, 16/06/2012, 08:24
Chiều 15-6, ông Nguyễn Thanh Sơn - trưởng phòng nghiệp vụ Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa - cho biết hiện vẫn chưa cho nhập cảnh ụ nổi Venture Dock 2 mua của Singapore từ năm 2008.
Ụ nổi do Công ty cổ phần thương mại và vận tải biển Long Sơn (Công ty Long Sơn, TP.HCM) mua, hiện neo đậu trong vịnh Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa) từ đó đến nay là do chủ hàng chưa thực hiện đầy đủ thủ tục theo yêu cầu.
 
Hiện ụ nổi này bị xuống cấp, gỉ sét, hư hỏng nhiều bộ phận.
 
Neo đậu trong vịnh Cam Ranh đã gần bốn năm nhưng ụ nổi Venture Dock 2 chưa thực hiện thủ tục nhập cảnh

Theo hồ sơ của Cục Hải quan tỉnh Khánh Hòa, ụ nổi Venture Dock 2 được kéo đến vịnh Cam Ranh ngày 9-8-2008. Ụ nổi dài 166,5m, cao 14m, có sức nâng 12.000 tấn, được đóng tại Indonesia năm 1999, chủ ở Singapore nhưng lại mang quốc tịch Mông Cổ.
 
Ông Sơn nói: “Trong hồ sơ không rõ chủ hàng là ai. Sau một thời gian dài thấy ụ nổi này neo đậu tại đây mà không có đại diện đến làm thủ tục nhập cảnh, cục phải tốn rất nhiều công sức truy tìm chủ phương tiện. Mãi đến ngày 26-4-2012 mới mời được bà Trần Thị Hiền, giám đốc Công ty Long Sơn, đến làm việc”.
 
Bà Hiền cho biết Công ty Long Sơn mua ụ nổi Venture Dock 2 với giá 11,5 triệu USD, định tạm nhập rồi tái xuất, bán cho đối tác nước ngoài, song do khủng hoảng kinh tế nên việc mua bán không thực hiện được.
 
Tuy nhiên, theo một văn bản đề ngày 28-4-2011 của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Ba Ngòi (TP Cam Ranh), ụ nổi trên thuộc sự quản lý của Công ty cổ phần vận tải biển và bất động sản Việt Hải (VSP, trụ sở tại TP.HCM), tiền thân là Công ty cổ phần đầu tư và vận tải dầu khí Vinashin (Shinpetrol) thành lập năm 2002, Vinashin chiếm 40% cổ phần. Ụ nổi này được đưa về VN để sửa chữa tàu biển.
 
Một lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu Cam Ranh (một đơn vị thuộc Vinashin) nói năm 2010, VSP có kế hoạch hợp tác với công ty ông để đưa ụ nổi Venture Dock 2 vào sử dụng cho việc sửa chữa tàu biển tại Nhà máy đóng tàu Cam Ranh. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa không đồng ý vì lo ngại xảy ra ô nhiễm môi trường.
 

Theo Tuổi Trẻ

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn