Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy lạm phát hạ nhiệt có đóng góp lớn của đà giảm giá một số mặt hàng quan trọng như thực phẩm, dầu diezel… Ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm quyền số khoảng 40% trong rổ hàng hóa tính CPI), chỉ số giá chỉ số giá chỉ tăng nhẹ 0,06%. Trong nhóm này, chỉ số giá thực phẩm tiếp tục xu hướng của tháng trước khi giảm gần 0,5%. Tuy vậy, việc giá lương thực tăng khá mạnh (1,27%) và khu vực ăn uống ngoài gia đình (tăng 0,67%) là nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá của nhóm hàng ăn - dịch vụ ăn uống vẫn tăng nhẹ so với tháng trước. Cùng với bưu chính viễn thông tiếp tục giảm giá khoảng 0,17%, 2 nhóm hàng quan trọng khác là nhà ở - vật liệu xây dựng và giao thông cũng giảm nhiệt trong tháng 10 (lần lượt giảm 0,03% và 0,13%). Trong đó, việc giảm giá các sản phẩm - dịch vụ giao thông có đóng góp của quyết định giảm giá dầu diezel hồi đầu tháng. Các sản phẩm - dịch vụ giáo dục tiếp tục tăng giá 3,2% trong tháng 10. Đây là khu vực có chỉ số giá tăng mạnh nhất trong tháng. Ở các nhóm hàng còn lại, mức tăng đều dưới 1%. Tuy lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng tính từ đầu năm, thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 17,05% so với giai đoạn cuối năm 2010 và vượt qua chỉ tiêu 17% mà Chính phủ đề ra. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số giá tiêu dùng hiện cũng đã tăng 21,59%. Không được tính trong rổ hàng hóa CPI nhưng trong tháng 10, chỉ số giá vàng đã giảm 4,22%, trong khi đôla Mỹ tăng 0,39%. Tính từ đầu năm, 2 nhóm này đã tăng giá lần lượt 24,97% và 1,52%. (Theo Vnexpress)
Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm 2011. Số liệu: GSO
Lê Trung