Truyền hình trả tiền: Sẽ "khai tử", sáp nhập hàng loạt

Thứ hai, 27/08/2012, 08:26
Theo mục tiêu của Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh - truyền hình đến 2020 của Bộ TT&TT đề ra, mỗi loại dịch vụ truyền hình trả tiền (THTT) sẽ chỉ còn lại 3-4 đơn vị. Từ con số hơn 50 đơn vị cung cấp hiện nay sẽ rút xuống chỉ còn hơn 10 đơn vị. Điều đó cho thấy hàng loạt đơn vị chắc chắn sẽ phải "khai tử" hoặc sáp nhập.

>> Cạnh tranh truyền hình trả tiền: Sóng ngầm âm ỉ
>> Bùng nổ truyền hình theo yêu cầu giá rẻ
 

Cắt giảm 10 lần truyền hình cáp

Theo ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT (Bộ TT&TT), hiện THTT của Việt Nam đang phát triển manh mún, được tổ chức theo địa phương với sự tham gia của trên 40 đơn vị. 

Có một số đơn vị lớn nhưng chủ yếu là các đơn vị nhỏ có vài ngàn đến vài chục ngàn thuê bao và công nghệ chủ yếu là công nghệ cáp đồng trục cũ của những năm 50 thế kỷ trước.

Do vậy, sau khi tinh toán và cân nhắc, trong Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh - truyền hình đến 2020, Viện Chiến lược TT&TT kiến nghị sẽ sắp xếp lại theo xu hướng “giảm về số lượng và tăng về chất lượng”.

Cụ thể đối với lĩnh vực truyền hình cáp nên rút gọn còn lại 3 DN quy mô toàn quốc và 5 DN khu vực không chồng lấn nhau thay vì hơn 40 DN như hiện tại. Lĩnh vực truyền hình qua vệ tinh DTH, truyền hình di động, IPTV cũng chỉ có từ 3 nhà cung cấp dịch vụ toàn quốc và 3-5 nhà cung cấp khu vực.
 



Giảm bớt số lượng đơn vị cung cấp THTT được kỳ vọng là biện pháp đưa thị trường này vào quy củ.
(Ảnh minh họa)

Đa phần đại diện các nhà đài, nhà mạng đều đồng tình với quan điểm này. Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:

“Từ năm 1970, các nhà kinh tế đã phát hiện ra quy luật là tất cả các lĩnh vực kinh tế có lợi thế quy mô thì cuối cùng chỉ có 3 đơn vị là chiếm lĩnh được thị trường, còn tất cả những đơn vị còn lại chỉ chiếm khoảng 10%. Tôi nghĩ rằng nên lấy con số 3 để làm quy chuẩn”, ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Ông Phạm Khắc Lãm - nguyên Tổng GĐ Đài Truyền hình Việt Nam cũng thừa nhận: “Đây là sự sắp xếp lại rất cần thiết vì tổng số các đài truyền hình, nhất là các đơn vị dịch vụ đã nhiều quá rồi. Khi còn đương chức tôi đã đi nghiên cứu, không có nước nào nhiều như Việt Nam. Thái Lan là nước tương tự mình cũng chỉ có một đài quốc gia phục vụ cả nước. Việt Nam chúng ta chưa phát triển lắm nhưng sài sang”.

Tuy nhiên, đối với sự sắp sếp lại trong thời gian sắp tới, các đài địa phương không tránh khổi lo lắng. Ông Mai Sông Bé - Giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai bày tỏ: “Quy hoạch lại dịch vụ truyền hình, các đài địa phương sẽ khó có cơ hội được lên sóng các mạng truyền hình trả tiền lớn”.

Đảm bảo hiệu quả, lợi ích chung

Ông Phạm Khắc Lãm cho biết việc sắp xếp lại với khuynh hướng giảm bớt “không phải là chèn anh này chết để anh kia sống mà đó là vì lợi ích toàn cục”.

“Sẽ rất khó bớt anh này, bỏ anh kia nhưng có 3 nguyên tắc chung cần đảm bảo. Thứ nhất là đảm bảo chất lượng phát sóng vì hiện nay còn một số kênh cẩu thả. Thứ hai là đảm bảo công bằng xã hội trong nhu cầu thông tin vì hiện  nay có nơi quá “no”, có nơi “đói vẫn đói”. Thứ ba, quan trọng nhất, là đảm bảo hiệu quả và lợi ích cao nhất của cả hệ thống”.
 


“Hiện THTT của chúng ta đang phát triển dưới dạng “đèn nhà ai nhà ấy rạng, không có sự sắp xếp gì cả cho nên mới dẫn đến tình trạng lộn xộn”, ông Phạm Khắc Lãm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho rằng thị trường THTT hiện nay thực ra chỉ tập trung ở 3 hay 4 nhà cung cấp. Có nhiều công ty cảm giác như nhà cung cấp độc lập, nhưng thực chất nó là chân rết, là liên kết của các đơn vị lớn.

“Thị trường bản chất chỉ nằm trong tay 4, 5 “đại gia”  chứ không thể nhiều được. Cũng như các nhà cung cấp Viễn thông bây giờ, nghe có 7,8 nhà cung cấp nhưng thực chất Vinaphone, Mobiphone, Viettel là chính, 3 đơn vị này chịu hết, 4- 5 đơn vị còn lại chỉ chiếm 10 %”.

“Chính vì vậy cần sắp xếp để có một nhà cung cấp dịch vụ đủ mạnh để làm. Còn cái việc phải điều phối bảo đảm cho các nhiệm vụ thời sự chính trị và cả nhiệm vụ kinh doanh thì nhà nước sẽ lo. Mục tiêu cuối cùng là phải phục vụ cho công chúng và đưa thông tin đến tốt nhất và bằng nhiều cách, nhiều phương thức”.

Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cũng cho biết, sắp tới Bộ TT&TT sẽ ban hành danh sách “Các Kênh chương trình thời sự chính trị thiết yếu”. “Đã xác định là Chương trình thời sự thiết yếu thì bất cứ gói nào cũng phải phát, đơn vị sản xuất không được đòi tiền bản quyền. Tất cả các nhà cung cấp dịch vụ trong cả nước này kể cả to nhất hay nhỏ nhất đều phải đưa vào”.
 

Theo báo cáo của Viện Chiến lược (Bộ TT&TT), mục tiêu đến năm 2015, hầu hết các tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng, trung du có khả năng tiếp cận dịch vụ truyền hình số mặt đất. Đến năm 2020 dịch vụ truyền hình số mặt đất có mặt tại 63 tỉnh, thành phố.

Đến năm 2015, đảm bảo 100% số hộ gia đình trên cả nước có khả năng tiếp cận dịch vụ truyền hình DTH của tối thiểu 2 doanh nghiệp cung cấp; 100% các thành phố, thị xã, thị trấn, các điểm sinh hoạt công cộng tại trung tâm có khả năng tiếp cận TH cáp bằng nhiều công nghệ khác nhau: tương tự, số, IPTV.

Từ sau 2015, chấm dứt hoàn toàn công nghệ truyền hình cáp tương tự; Năm 2015, các thành phố trực thuộc trung ương và dọc quốc lộ Bắc Nam có thể tiếp cận dịch vụ truyền hình di động; Năm 2020, dịch vụ Truyền hình di động có mặt ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước;

Đến năm 2015 phát triển khoảng 30 – 40% số hộ gia đình xem dịch vụ truyền hình trả tiền và phát triển đến 60 – 70% vào năm 2020; Tốc độ tăng trưởng dịch vụ truyền hình trả tiền khoảng 25-30% giai đoạn 2012 – 2015, đến năm 2020 doanh thu dịch vụ truyền đạt khoảng 800 – 1.000 triệu USD…


Theo Bee.net

 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích