Bù lỗ hay không bù lỗ?
Một chuyên gia cho rằng: “Đây đơn giản chỉ là phiên đầu tiên “test” phản ứng của thị trường cho một hoạt động chưa từng có tiền lệ. Song nó cho thấy kỳ vọng của công chúng quá lớn, dù để bình ổn thị trường cần có quá trình và không thể giải quyết chỉ qua một phiên”.
Một ý kiến khác lại thận trọng: “Có lẽ Ngân hàng Nhà nước còn có những lý do khác mà không tiện thông tin cụ thể chăng?”.
Lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, người ít khi bắt máy phóng viên cũng chủ động dành gần một giờ điện thoại trao đổi, lập luận và phản biện về bài viết trên…
Ông cho rằng, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã được trao toàn bộ các công cụ cần thiết, có nguồn lực đủ mạnh trong tay, vậy tại sao vẫn không thu hẹp được chênh lệch giá?
Phiên đầu tiên vừa qua, thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước phát đi là: Chỉ bình ổn thị trường, không bình ổn giá. Thị trường thiếu cung và họ tạo cung. |
“Không những không thu hẹp mà còn làm giãn rộng, từ chênh lệch 2,7 triệu đồng/lượng lên 3,1 triệu đồng/lượng. Như thế là ngược lại yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ. Mức giá sàn 43,81 triệu đồng/lượng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra như vậy là có vấn đề, cơ sở của nó như thế nào?”, lãnh đạo doanh nghiệp trên nhìn nhận.
Đồng ý với sự thận trọng cần thiết của Ngân hàng Nhà nước về tài sản là dự trữ ngoại hối, về tình huống nảy sinh lợi ích nhóm nếu bán giá ra thấp để bù lỗ cho các ngân hàng thương mại tất toán trạng thái, nhưng người trong cuộc này cho rằng, cần xem xét cụ thể hơn.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện mua vào mà mới chỉ bắt đầu bán ra, nên không thể xem là bán lỗ. Nếu nói tài sản của Nhà nước bị thất thoát thì thực tế có thể cân đối bằng việc mua vàng qua tài khoản ở nước ngoài - cơ chế vận hành cho hoạt động bình ổn vẫn được hình dung trong thời gian qua.
Với tình huống bù lỗ cho các ngân hàng tất toán trạng thái, do đã bán vàng của người dân gửi trước đây, người trong cuộc này cho rằng, nếu vậy cũng nên xem là bình thường, là công bằng bởi chính sách và chủ trương trước đây đã cho họ bán ra, cũng để bình ổn thị trường.
“Nếu vì e ngại dư luận về lợi ích nhóm, về việc dùng tài sản Nhà nước để bù lỗ cho các ngân hàng tất toán thì có thể còn nguy hiểm hơn. Họ thua lỗ hàng nghìn tỷ đồng như vừa qua có thể gây rủi ro cho cả hệ thống. Cái chính là khi không được hỗ trợ, thị trường thiếu cung một cách hợp lý, họ sẽ tìm mọi cách để tất toán, bởi vàng của dân đến hạn thì phải trả. Bằng mọi cách để có, là một vấn đề”, vị lãnh đạo này nói.
Mặt khác, đặt tình huống ngược lại, ông cho rằng, nếu để tránh “hỗ trợ” hoạt động bán khống trước phiên đấu thầu, vậy thì những người gom mua mức giá 43,3 triệu đồng/lượng và sau đó theo “tín hiệu” từ phiên đấu thầu được giá 43,8 triệu đồng thì sao? Vậy có phải là tiếp tay cho họ?
Đâu là giá phù hợp?
Hôm 29/3, lãnh đạo chuyên trách của Ngân hàng Nhà nước đã chính thức đưa ra lý giải. Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối nói: “Mức giá sàn bán vàng miếng Ngân hàng Nhà nước công bố trong phiên đấu thầu hôm 28/3 là phù hợp và sát với giá vàng giao dịch thực tế trong thời gian gần đây”.
Cụ thể, trước phiên đấu thầu, thị trường định hình mức giá trên 43,8 triệu đồng trong một chuỗi giao dịch khá dài. Đó cũng là mức bình quân mua vào thời gian gần đây của các đầu mối.
Tuy nhiên, trước thềm tổ chức đấu giá, thị trường có biến động mạnh và bất thường. Đầu giờ chiều 27/3, ngay khi có tin chính thức mở phiên đấu giá, bản fax thông báo cụ thể chuyển tới các thành viên tham gia, các đầu mối lập tức rút giá niêm yết chóng mặt. Chỉ trong chưa đầy một giờ, mức giảm đã lên tới từ 400 - 500 nghìn đồng/lượng, đặc biệt mức giá mua vào rút sâu và thấp hơn giá bán ra tới 200 - 250 nghìn đồng/lượng.
Một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đó là xu hướng giảm không thực tế, không phản ánh đúng cung - cầu và diễn biến thị trường trong thời gian gần đây, cũng không có hiện tượng người dân ồ ạt bán ra, giao dịch vẫn trầm lắng. Hay chênh lệch thu hẹp ngay 2,7 triệu đồng trong vài giờ không phản ánh đúng bản chất có trong thời gian qua.
Trong khi đó, tại phiên đấu thầu, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Công ty Vàng bạc đá quý Phú Quý đã chấp nhận mức giá 43,8 triệu đồng/lượng. Đây là hai tổ chức lớn, nhiều kinh nghiệm trên thị trường. Hẳn họ có lý do riêng và góc nhìn riêng.
Và đây cũng là một nhu cầu thực, bởi với thị trường vàng hiện nay, chỉ cần tổ chức phát đi tín hiệu mua vài trăm lượng trên thị trường thứ cấp, giá đã có thể nhảy vọt chứ chưa nói với nhu cầu mua hàng nghìn lượng.
Sau phiên đấu thầu, giá giao dịch của các đầu mối nhanh chóng trở lại “mặt bằng” trước đó. Mức giá mua vào được đẩy cao, và sau một thời gian dài trạng thái quyết mua mới thể hiện rõ khi giá mua áp sát giá bán ra như vậy, chỉ cách từ 20 - 50 nghìn đồng/lượng tại nhiều đầu mối.
Miếng ghép còn thiếu…
Trước thềm phiên đấu thầu, PV đã đặt câu hỏi với ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối rằng: “Khi tổ chức bán ra 26.000 lượng này, Ngân hàng Nhà nước có thực hiện mua vào tương ứng qua vàng tài khoản ở nước ngoài để cân đối, hay như một cách thức bảo hiểm không?”.
Đây là thông tin không được công bố, song ông Huy cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ bằng mọi cách, sử dụng các công cụ cần thiết để bảo đảm an toàn cho dự trữ ngoại hối, bởi nguyên tắc đầu tiên khi bình ổn thị trường là không được làm thiệt hại, thất thoát tài sản Nhà nước.
Sử dụng vàng tài khoản ở nước ngoài cho quy trình bình ổn đang là “góc khuất” của phiên đấu thầu đầu tiên. Và giả định đưa ra là: Ngân hàng Nhà nước đang bán vàng trực tiếp từ dự trữ ngoại hối, chưa sử dụng vàng tài khoản như một công cụ để bảo toàn khối lượng, nên bán ra với một mức giá thấp hay giảm ngay theo diễn biến bất thường của chiều 27/3, thất thoát tài sản Nhà nước là một thực tế để họ cân nhắc.
Nếu theo lý thuyết, sử dụng vàng tài khoản, bán tay phải mua tay trái, Ngân hàng Nhà nước bán ra 26.000 lượng trong nước, lập tức phải mua vào 26.000 lượng ở nước ngoài, bảo toàn về lượng, thậm chí còn nắm được lãi lớn từ chênh lệch giá.
Nhưng quy trình không đơn giản như vậy. Ở đây nhà điều hành chính sách phải hóa thân thành “dealer” thực thụ, một tổ chức kinh doanh thực sự. Họ phải bám giá thế giới, ráo riết canh các tỷ lệ ký quỹ, ứng xử hợp lý với sự bất thường của giá vàng, nhất là cả vấn đề lệch múi giờ…, và đương nhiên phải chịu trách nhiệm về những rủi ro trong giao dịch.
Đến nay, việc Ngân hàng Nhà nước có sử dụng vàng tài khoản ở nước ngoài hay không, sử dụng như thế nào vẫn là một ẩn số. Trong khi đây là một miếng ghép cần thiết để lý giải cho quyết định khi tổ chức đấu thầu.
Còn ở phiên đầu tiên vừa qua, thông điệp mà Ngân hàng Nhà nước phát đi là: chỉ bình ổn thị trường, không bình ổn giá. Thị trường thiếu cung và họ tạo cung. Những nhu cầu cần mua như ACB và Phú Quý được đáp ứng thay vì gần như không thể mua được quy mô đó cùng lúc trên thị trường thứ cấp, hay 2.000 lượng lực cầu đã được hóa giải.
“Khi các nhu cầu lần lượt được đáp ứng, nguồn cung từng bước đưa ra, giá giảm một cách thực tế, giá đấu thầu cũng sẽ giảm một cách thực tế.
Thu hẹp chênh lệch sẽ được xử lý ở một quá trình như vậy, chứ không thể chỉ bằng một phiên, hay không thể lấy một phiên bước đầu để làm đáp án cho mục tiêu của kế hoạch bình ổn - vốn không đơn giản”, một lãnh đạo của Ngân hàng Nhà nước trả lời về triển vọng kế hoạch bình ổn thời gian tới.
Theo VnEconomy