Châu Âu hai tốc độ
Diễn viên chính sẽ là nhóm các quốc gia ngoại vi, trọng tâm là Hy Lạp, tiếp đến là Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland. Đây là các nhân tố đe doạ sự tồn tại của khu vực và họ phải rời bỏ tư cách thành viên sử dụng chung đồng euro.
Đề xuất giữa các lãnh đạo cấp cao Berlin, Paris đưa ra hôm 9.11 nâng cao khả năng một hoặc nhiều quốc gia ngoại vi phía Nam sẽ phải rời khỏi khu vực đồng euro, trong khi phần cốt lõi phía Bắc hội nhập kinh tế sâu hơn, bao gồm cả những lĩnh vực nhạy cảm là chính sách tài khoá, thuế cá nhân và doanh nghiệp. Đây là cách duy nhất để tăng cường kỷ luật, kỷ cương, sự ổn định và đảm bảo tính bền vững trong tương lai của đồng euro. Với đề xuất như trên, khối tiền tệ chung sẽ nhỏ hơn nhưng phát triển nhanh hơn, tạo ra khoảng cách ngày một lớn với các thành viên còn lại của EU, hình thành một “châu Âu hai tốc độ”.
Có ý kiến cho rằng để Hy Lạp ra khỏi khối tiền tệ chung sẽ có lợi cho nước này trong dài hạn. Trên thực tế, Hy Lạp khó có thể trả nợ trong khung thời gian đưa ra và cũng là bất hợp lý nếu cố chờ đợi thêm sự cứu trợ từ IMF hay các quốc gia châu Âu khác.
Đẩy một quốc gia ra khỏi Liên minh tiền tệ được xem là điều cấm kỵ trong thời gian trước vì: “Điều này sẽ phủ nhận tất cả những giá trị đã xây dựng trong suốt 60 năm qua. Việc sẽ vẽ lại bản đồ địa lý và làm phát sinh những căng thẳng mới. Điều này có thể sẽ là sự kết thúc thực sự của châu Âu”, một nhà ngoại giao EU nói với Reuters.
Đức rời bỏ liên minh tiền tệ
Đức cùng một số quốc gia nhỏ khác, như Áo, Phần Lan và Hà Lan, theo đề xuất của cựu lãnh đạo liên đoàn Công nghiệp Đức Hans-Olaf Henkel sẽ là người ra đi khỏi khối tiền chung euro. Lúc này có thể có hai khả năng xảy ra, hoặc là các quốc gia còn lại vẫn duy trì đồng euro mà không có Đức (nhánh 2b), hoặc là tan rã một khi Đức rút khỏi để trở về với đồng tiền riêng của mỗi quốc gia (nhánh 2a).
Rút khỏi đồng tiền chung, đồng mark Đức được cho là mối nguy của đồng Franc mạnh của Thuỵ Sĩ và các doanh nghiệp sản xuất của Đức sẽ bị ảnh hưởng. Theo tính toán, Đức phải hy sinh từ 20 – 25% GDP trong năm đầu tiên và giảm xuống còn một nửa ở năm tiếp theo. Tuy nhiên, chi phí thiệt hại này vẫn rất nhỏ so với khoản chi khổng lồ mà Đức giải cứu Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha.
Trong trường hợp đồng euro tan rã, các nhà đầu tư “lời” hay ”lỗ” là tuỳ vào cách phân bổ tài chính của họ. Sẽ có những chuyển biến rất ngẫu nhiên, là kết quả của việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái, tuỳ theo trường hợp. Sẽ có doanh nghiệp nắm giữ tài sản ròng bằng ngoại tệ được lợi nhờ việc phá giá đồng tiền và ngược lại. Và sẽ có sự điều chỉnh nhanh chóng năng lực cạnh tranh trong thị trường lao động và hàng hoá ở khu vực châu Âu cũ.
Việc xử lý tất cả các hợp đồng mệnh giá bằng euro sẽ sa vào các cuộc tranh tụng pháp lý phức tạp, mất nhiều năm mới giải quyết dứt điểm được. Trong thời gian đó, các khoản tài trợ tài chính cho thương mại quốc tế có nhiều nguy cơ sụp đổ. Vì vậy, đồng euro tan rã bất kể theo hình thức nào cũng sẽ dẫn đến tình trạng kinh tế châu Âu suy thoái sâu trước khi mong đợi các dấu hiệu phục hồi.
Một giải pháp thay thế khác ít có khả năng xảy ra là nhóm các nước thuộc khu vực tiền tệ (loại Đức) vẫn sử dụng tiền chung và tạo ra một phiên bản đồng euro giá trị thấp hơn hẳn so với USD và mark Đức.
Tương lai tươi sáng
Lý tưởng nhất là các quốc gia và các tổ chức tài chính khu vực châu Âu và thế giới thống nhất được để giữ khối đồng tiền chung euro, vãn hồi niềm tin của các nhà đầu tư. Điều này đòi hỏi các con nợ ở phía Nam phải chấp nhận các biện pháp thắt lưng buộc bụng hà khắc trong thời gian dài, điều kiện tiên quyết để nhận trợ giúp từ các quỹ hỗ trợ. Bên cạnh đó, ngân hàng Trung ương châu Âu ECB phải thực hiện trách nhiệm cứu trợ nhiều hơn nữa bằng các biện pháp tăng cường thanh khoản tạm thời. Điều này sẽ khó đạt được nếu Berlin và Paris tiếp tục đối đầu trong phương án để ECB đóng vai trò là người cho vay cuối cùng.
Pháp và Đức cần sớm tìm được sự đồng thuận mở rộng cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF) từ 440 tỉ USD lên 1.000 tỉ USD. Đến hôm thứ tư 30.11, các bộ trưởng tài chính châu Âu đã đồng ý tăng cường năng lực cho vay của EFSF nhưng không tiết lộ chi tiết.
Điều cốt lõi nhất châu Âu cần nhận ra đó là một đồng tiền chung sớm muộn sẽ sụp đổ nếu như không có các quy định chặt chẽ chung về kinh tế cho các thành viên, nhằm ngăn chặn một số quốc gia vung tay quá trán khiến tình trạng thâm hụt nghiêm trọng đe doạ những thành viên còn lại.
FT/ Economist/SGTT