Ảnh minh họa |
Trong vài tuần qua, thị trường biến động một cách không lý trí (irrationally) và hoàn toàn bị tác động bởi tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư. Tất nhiên, khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn hoành hành và có những ảnh hưởng nhất định đến các nước khác trên thế giới. Lo ngại không phải là không có cơ sở khi mà xuất phát điểm của cuộc khủng hoảng nợ chỉ bao gồm các nước PIIGS - Bồ Đào Nha, Ai-Len, Ý, Hy Lạp, Tây Ban Nha, thì bây giờ đến lượt Pháp, Đức bị kéo vào tâm bão.
Có rất nhiều câu hỏi được đưa ra: Tại sao Đức và Pháp cứ phải gồng mình cứu trợ những quốc gia tiêu xài hoang phí? Việc xóa đến 50% nợ cho Hy Lạp có phù hợp không? Liệu lãi suất trái phiếu 7% của Ý có bền vững? Khi nào thì đến lượt Pháp bị hạ bậc tín dụng? Tại sao Đức không mạnh dạn rời khỏi nhóm châu Âu và đứng độc lập như một "nước Anh thứ hai", với đồng tiền mạnh của riêng mình?
Vấn đề được nhắc đến nhiều thứ hai chính là việc "Siêu Ủy ban" thuộc lưỡng đảng của Mỹ không thể đạt được thỏa thuận cắt giảm chi tiêu 1.200 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Kết quả này thực ra không hề gây ngạc nhiên. Khi mà có đến 12 thành viên trong Ủy ban, 6 thành viên thuộc mỗi đảng, làm sao họ có thể đi đến một quyết định thống nhất. Cái kết thất bại dường như là không thể tránh khỏi ngay từ khi câu chuyện bắt đầu. Điều này vô hình chung để lại cho chính quyền mới của nước Mỹ một áp lực cắt giảm chi tiêu trong năm 2013, ngay sau cuộc bầu cử tổng thống.
Tác giả Hoang D. Quan, Giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ tịch HĐQT AI Capital |
Vậy thì điều gì đang chờ đợi chúng ta phía trước? Hãy hướng con mắt đến Mỹ như là đầu tàu của kinh tế thế giới. Con số GDP gần nhất cho thấy, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2% trong quý III/2011 và dường như đang ở tư thế sẵn sàng tăng trưởng mạnh hơn, đạt 3% trong quý IV. Đây rõ ràng là một sự tăng trưởng đáng nể. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn ảnh hưởng đến thị trường nhà đất, nhưng nước Mỹ đã tăng trưởng mạnh so với phần còn lại trong nhóm nước phát triển.Câu hỏi dành riêng cho Việt Nam là: tại sao gần đây mọi thứ dường như đang chuyển động tương quan chặt chẽ với nhau? 4 - 6 tháng trước, khi chỉ số Dow Jones rớt thảm, dầu thô và vàng hoàn toàn biến động theo hướng đối lập nhau. Nhưng mọi chuyện thay đổi trong những tuần gần đây, chúng hoàn toàn di chuyển cùng chiều, song song nhau. Tại sao vậy?
Khủng hoảng thanh khoản chính là câu trả lời. Lời khuyên hợp lý là hãy nhanh chóng thoái vốn khỏi những tài sản thanh khoản cao nhất và tìm cơ hội trên thị trường vốn.
Jim Rogers trả lời phỏng vấn trên CNBC Asia Squawk Box rằng, ông ấy "short" tất cả chứng khoán, "short" thị trường mới nổi và "long" hàng hóa, USD, Euro, vàng.
Các nhà đầu tư Việt Nam đang đứng giữa 5 cơ hội đầu tư: gửi tiền ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ngoại hối (USD) và vàng. Trong đó, rất nhiều người đang phân vân không biết đặt vốn của mình vào đâu?
Trước hết, phải thừa nhận, khủng hoảng đang có những ảnh hưởng mang tính toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam. Tuy nhiên, ảnh hưởng với chúng ta chỉ mang tính giới hạn… Những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam là những mặt hàng thiết yếu cho đời sống, giá rẻ. Nền kinh tế của Việt Nam thực ra chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường trong nước hơn là quốc tế.
Sự quan tâm lớn nhất hiện tại nên dành cho tình trạng lạm phát và thiếu niềm tin vào đồng Việt Nam. Một khi những vấn đề này được giải quyết triệt để, kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục và sẵn sàng cho sự phát triển thịnh vượng. Do đó, hãy tạm thời quên thị trường quốc tế đi và tập trung sự chú ý vào nội lực nền kinh tế!
Quay trở lại với câu hỏi nên đầu tư vào đâu? Vào thời điểm hiện tại, mọi người đều biết rằng, Chính phủ đang hướng đến một đợt tái cấu trúc ngân hàng mạnh mẽ và không phải ngân hàng nào cũng có chất lượng và mức độ tín nhiệm như nhau. Do đó, nếu chọn gửi tiền, bạn hãy chọn ngân hàng tốt nhất, vì khi mà lãi suất đều cùng một mức, chất lượng hoạt động của ngân hàng là điều cần quan tâm.
Với thị trường bất động sản, khi mà chính sách tài chính tập trung hoàn toàn vào chế ngự lạm phát, thì tài sản "cứng" là lĩnh vực mà bạn không nên đầu tư. Nếu phải vay nợ để mua bất động sản, điều này hoàn toàn không nên.
Ngoại hối là một thị trường rất phức tạp và nhạy cảm, nơi chỉ dành cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Như đã biết, mua bán trên thị trường này, bạn phải trả một khoản phí được gọi là "spread". Nếu bạn giao dịch với số tiền nhỏ hơn một khoản tương đương một triệu USD, bạn phải trả phí "spread" 3 - 7%. Do đó, để có lợi nhuận, khoản đầu tư của bạn phải có lãi 15% hoặc hơn để có thể bù lại chi phí.
Còn vàng thì sao? Trên thực tế, thị trường vàng Việt Nam còn nhiều điều không minh bạch, rất rủi ro cho những người đầu tư cá nhân. Chính vì thế, sẽ vô cùng khó để tạo được lợi nhuận. Trên thị trường này, nếu để tìm một nơi an toàn vốn, việc đầu tư vào các quỹ đầu tư vàng (Gold ETF) là hợp lý. Tuy nhiên, tại Việt Nam, không phải nhà đầu tư nào cũng có cơ hội này.
Tựu chung lại, cơ hội đầu tư tốt nhất mà bạn có được chính là TTCK với mức P/E thấp kỷ lục. Nếu nhìn vào sàn HOSE, trong số 308 DN đang niêm yết, có đến hơn 50 đơn vị được giao dịch với chỉ số P/E 2 - 3 lần. Hơn nữa, những công ty này còn trả mức cổ tức khá cao từ 3 - 12%/năm. Điều này có nghĩa là, nếu chúng ta đầu tư vào một cổ phiếu với 6% cổ tức, P/E ở mức 3 lần, thì DN có khả năng tạo lợi nhuận để hoàn vốn trong vòng 3 năm. Thêm vào đó, bạn còn nhận thêm 6% cổ tức hàng năm.
Đây quả là một câu chuyện rất cuốn hút với thị trường Việt Nam. Tất nhiên, TTCK bao giờ cũng biến động theo hai nguyên nhân: định giá và tâm lý. Thời điểm hiện tại, khi mà giá trị thị trường đã chạm những mốc thấp kỷ lục, có thể khẳng định thị trường toàn cầu đang bị chi phối bởi tâm lý tiêu cực.
Khi nào tâm lý ấy hoàn toàn bị xua tan bởi những tin tốt liên tục từ nền kinh tế Mỹ, những lo ngại về lạm phát tại Việt Nam dần bị loại bỏ, niềm tin vào sức mạnh của đồng Việt Nam quay trở lại, chắc chắn sẽ chứng kiến một đợt tăng điểm mạnh mẽ của VN-Index. Chính vì vậy, tôi tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư bắt đáy VN-Index tại mốc 380 điểm. Còn nếu bạn mua được ở mức điểm thấp hơn thì xin chúc mừng!
Theo ĐTCK