Thời điểm khó khăn, chính sách phải giúp doanh nghiệp củng cố được lòng tin để đầu tư, kinh doanh. |
Năm 2012, cũng được dự báo là còn nhiều khó khăn nghiêm trọng kéo dài. Trong hoàn cảnh đó, nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình hình với rất nhiều đòi hỏi: ổn định vững chắc, không để lạm phát tái diễn và hạ thấp ở mức 1 con số. Năm 2012 còn là năm tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng... Với tất cả những yêu cầu đó, điều quan trọng trong chính sách và điều hành kinh tế 2012 là phải củng cố được lòng tin của người dân và DN.
Nhắc lại một vấn đề cũ, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế đã nói, tốc độ tăng trưởng đầu tư, CPI và GDP trong thời gian trung hạn là ngược chiều nhau giữa tăng trưởng và ổn định: đầu tư càng nhiều, tốc độ tăng trưởng càng giảm, lạm phát càng tăng.
Năm 2011, khi đối mặt với sự gia tăng lạm phát và những vấn đề bất ổn vĩ mô, Việt Nam đã phải tập trung nguồn lực để quyết liệt chống lạm phát. Với những chính sách thắt chặt, cho đến cuối năm, những kết quả bước đầu đã chứng tỏ Chính phủ đã thành công trong kiểm chế lạm phát.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thành công lớn hơn chính là Chính phủ đã cho thấy những thay đổi trong nhận thức. Những hành động quyết liệt trong chính sách đầu tư và tiền tệ đã cho thấy điều đó. Hơn thế, dù có những tác động từ chính sách, Chính phủ vẫn vẫn kiên định mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô.
Đặc biêt, trong khi xây dựng chính sách 2012, điều đó vẫn tiếp tục được khẳng định thực hiện quyết liệt. Hơn thế, Chính phủ đã khởi động tái cơ cấu nền kinh tế và đặt nó là nhiệm vụ quan trọng, là động lực cho sự tăng trưởng mới. Vì thế, dù còn nhiều khó khăn thì chính sách này đã tạo ra niềm tin cho cộng đồng DN và người dân về định hướng và sự phát triển trong thời gian tới.
Năm 2012 bối cảnh thế giới được hai chuyên gia đánh giá là còn nhiều khó khăn, nhất là nợ EU và khó khăn của Mỹ, Nhật Bản. Tình hình còn nhiều bất định, các dự báo thay đổi liên tục nhưng chiều hướng chung là tăng trưởng chậm lại, bất ổn tăng, không thuận lợi cho tăng trưởng của Việt Nam ; tình trạng mất cân bằng toàn cầu tăng lên. Xung đột giữa tỷ giá các đồng tiền lớn sẽ dịch chuyển các nguồn lực và dẫn tới dịch chuyển sức mạnh giữa các quốc gia. Nguy cơ giá lương thực tăng cao do lũ lụt ở Thái Lan và Iran bị cấm vận có thể đẩy giá dầu mỏ ở mức rất cao.
Trên những khía cạnh đó, các chuyên gia cho rằng mục tiêu và hành động của Việt Nam trong năm 2012 nên là ổn định và khôi phục lòng tin, xác lập mô hình tăng trưởng mới.
Nhiệm vụ ưu tiên ngắn hạn là kéo lạm phát xuống <7% trong năm 2012 ; ưu tiên hành động là cải cách tiền lương khu vực nhà nước, thiết lập kỷ cương, hiệu lực chính quyền; ưu tiên chiến lược là tái cơ cấu.
Ông Trần Đình Thiên cho rằng, duy trì ổn định, kiềm chế lạm phát và phục hồi tăng trưởng là "trật tự ưu tiên thông thường" khi nền kinh tế khó khăn. Nhưng 2012 là năm khó khăn đặc biệt nghiêm trọng, nền kinh tế phải tạo bước ngoặt để xoay chuyển tình hình - ổn định vững chắc (không để lạm phát "khứ hồi"), khôi phục lòng tin, hạ thấp mức lạm phát đủ mức giúp các DN không tiếp tục phá sản. 2012 còn là năm tái cấu trúc nền kinh tế với các hành động chiến lược để thay đổi mô hình tăng trưởng.
Còn nguyên Bộ trưởng Thương Mại Trương Đình Tuyển cho rằng: Tăng trưởng vẫn được coi trọng. Tuy nhiên, giảm đầu tư dễ dẫn đến suy giảm tăng trưởng. Vì thế, nếu không dịch chuyển vốn đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân và những lĩnh vực ngành nghề có tác động lan tỏa cao sẽ rất khó bảo đảm mức tăng này. Ngoài ra, nếu giá lương thực và giá dầu tăng sẽ làm tăng giá trong nước. Vì vậy nhiệm vụ kiềm chế lạm phát trở nên khó khăn hơn.
Với mong muốn cải thiện một số chỉ tiêu chất lượng, đầu tư ít hơn nhưng tốc độ tăng trưởng cao hơn, bội chi ngân sách ít hơn sẽ đặt ra áp lực lớn cho Chính phủ trong năm tới. Như vậy, muốn đạt được các mục tiêu trên, tạo cơ sở cho sự thay đổi mạnh thì phải dùng những biện pháp mạnh, chấp nhận nền kinh tế chịu trả giá, chịu đau mới xoay chuyển căn bản tình hình, tạo lòng tin. Không thể trông chờ vào những giải pháp mang tính chữa cháy.
Theo DĐKT VN