Cần nhạc trưởng đón sóng FDI

Thứ hai, 28/11/2011, 06:38
Làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản tại Việt Nam đang được nhắc tới với khá nhiều kỳ vọng sau hàng loạt những chuyến “đổ bộ” dày đặc suốt dọc từ bắc chí nam của các nhà đầu tư nước này.

>>>Hành lang kinh tế Đông Tây thu hút nhà đầu tư Nhật

>>>Nhà đầu tư Nhật Bản “nhắm” dự án hạ tầng PPP

>>>Sẵn sàng đón làn sóng đầu tư từ Nhật

 

Ảnh minh họa



Không nhắc tới những tồn tại lớn của môi trường kinh doanh Việt Nam mà các nhà đầu tư Nhật vẫn đau đáu trong nhiều năm qua, như sự thiếu hụt của nguồn nhân lực có đào tạo, chất lượng cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, kinh tế vĩ mô bất ổn…, lo ngại một lần nữa bắt đầu từ chính nhu cầu thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của các địa phương.

Trong khá nhiều lời đáp từ các yêu cầu của nhà đầu tư Nhật Bản, chính quyền nhiều địa phương thể hiện quyết tâm kéo cho được dòng vốn vẫn được đánh giá cao cả về chất lượng, hiệu quả và đặc biệt là tính lan toả tới các doanh nghiệp Việt Nam trong công nghiệp phụ trợ. Không chỉ cam kết về cải thiện thủ tục hành chính, mặt bằng, nguồn nhân lực, không ít chính quyền địa phương đã dịch chuyển quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mình nương theo nhu cầu của nhà đầu tư…

Mục tiêu chọn dòng vốn Nhật Bản để nâng chất lượng đầu tư thể hiện khá rõ ràng trong định hướng mới trong thu hút đầu tư của nhiều địa phương đang dấy lên những lo ngại sớm, đó là sự trở lại của cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã từng xảy ra ở các địa phương những năm qua. Có khác là thay vì cạnh tranh để có được càng nhiều càng tốt giấy chứng nhận đầu tư được cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài, các địa phương đang nỗ lực trải thảm đỏ với nhóm các nhà đầu tư có chất lượng, trong đó điển hình là nhà đầu tư Nhật Bản. Tâm lý sợ chậm chân mất phần bắt đầu xuất hiện…

Trong bối cảnh này, nếu không có một đối sách tổng thể, được giám sát chặt chẽ từ người nhạc trưởng và sự đồng thuận, nghiêm túc của những người thực thi có liên quan, rất có thể những lo ngại trên sẽ không phải là quá sớm.

Lâu nay, cách hoá giải cho lo ngại này chính là đặt quy hoạch tổng thế phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong sự phát triển của vùng, của cả nước, đặt lợi ích kinh tế chung lên trên lợi ích của địa phương. Song, với các nhà đầu tư lớn, với cách thức thu hút đầu tư có lựa chọn như hiện nay, sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa chính quyền địa phương trong vùng kinh tế và các cơ quan trung ương có vai trò quyết định sự thành công của đối sách mới, bởi hiệu quả kinh tế của mỗi dự án phải được cân nhắc trong mối liên kết giữa các địa phương và trong sự tác động tới mục tiêu phát triển chung của nền kinh tế. Lúc này, rất cần bàn tay của người nhạc trưởng và sự hy sinh vì lợi ích chung của chính quyền địa phương.
 
Theo Báo Đầu Tư

Các tin cũ hơn