Cần đưa ra những rào cản kỹ thuật khả thi hơn để hạn chế DN sản xuất vàng miếng. Ảnh minh họa |
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Thủ tướng Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tại nghị định này, một trong bốn điều kiện để DN được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng là DN đó phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong ba năm liên tiếp gần nhất. Việc quy định về định giá thị phần sẽ gây khó khăn trong cách tiếp cận vấn đề và triển khai thực hiện.
Khó đảm bảo khách quan
Một trong những chức năng chính của NHNN là thực thi chính sách tiền tệ, chống lạm phát cao, ổn định giá trị tiền VND..., không có định giá thị phần của cá nhân hay tổ chức. Việc đo lường con số định lượng cụ thể này đặt ra câu hỏi về chức năng định giá thị phần và tính khách quan của việc định giá thị phần.
Thay vào đó, Nhà nước và một số cơ quan chức năng có liên quan nên xem xét và phối hợp cung cấp đầy đủ và kịp thời cho thị trường những thông tin, số liệu tổng hợp về nhập khẩu vàng, xuất khẩu vàng. Các số liệu về gia công vàng, huy động vàng, cho vay vàng, giữ hộ vàng, doanh thu, lợi nhuận, mạng lưới phân phối, đánh thuế thu nhập kinh doanh vàng... theo định kỳ cũng cần được công khai để tăng tính minh bạch và tính bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin đối với nhà đầu tư, nhà phân tích, giới truyền thông và thị trường.
Vàng SJC vừa trở thành vàng của ngân hàng nhà nước (Ảnh minh họa) |
Theo cách tiếp cận nguyên tắc thị trường và tránh mâu thuẫn lợi ích, việc xác định thị phần ở lĩnh vực kinh tế phải do các công ty nghiên cứu thị trường có uy tín thực hiện. Họ là đơn vị độc lập, có chuyên môn cao và thu thập cơ sở dữ liệu một cách có hệ thống, khoa học và khách quan. Đây phải là các công ty hoạt động minh bạch, có kiểm toán và chịu trách nhiệm về số liệu phân tích thị phần sau khi công bố ra công chúng. Đơn vị sản xuất, kinh doanh vàng bạc đá quý không được tự xác định thị phần vì vi phạm nguyên tắc “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Còn nhiều cách đưa rào cản kỹ thuật khác
Theo tôi, thay vì áp dụng tiêu chí 25% thị phần sản xuất vàng miếng vốn rất khó đánh giá thì vẫn còn có nhiều rào cản kỹ thuật khác hợp lý và dễ thuyết phục cần được xem xét nếu muốn hạn chế tối đa thành phần tham gia sản xuất vàng miếng như sau:
Thứ nhất, đơn vị sản xuất kinh doanh vàng phải có giấy chứng chỉ hành nghề đối với một số chức danh (giống như trong lĩnh vực chứng khoán) do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Thứ hai, đơn vị sản xuất kinh doanh không được tự giám định tuổi vàng đối với các sản phẩm do mình sản xuất. Đây chính là lỗ hổng lớn trong quản lý, dẫn tới nạn gian lận tuổi vàng mà người dân phải gánh chịu trong nhiều năm qua. Thay vào đó, cần quy định một số đơn vị kiểm định độc lập cho cả thị trường. Ví dụ, ở Thụy Sĩ, cơ quan giám định độc lập mới là người phát hành giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm (Assay Certificate), có chữ ký xác nhận của họ trên đó như hình minh họa vàng miếng Thụy Sĩ. Tại Việt Nam, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan có đầy đủ chức năng, quyền hạn, các chuyên gia và phương tiện khoa học kỹ thuật để thực hiện công việc giám định tuổi vàng một cách khách quan, độc lập và minh bạch.
Thứ ba, là phải có giấy chứng nhận tuân thủ bảo vệ môi trường.
Thứ tư, phải có hệ thống quản lý chất lượng ISO hoặc tương đương.
Nhìn chung, Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã đi đúng hướng chỉ đạo của Thủ tướng. Chỉ cần tiến thêm một bước nữa là trả lại sự trong sạch cần thiết cho thị trường vàng, nơi mà mọi hành vi gian lận thương mại cần phải được loại trừ triệt để vì mục đích bảo vệ người dân, bảo vệ pháp lý và bảo vệ thị trường.
Bốn điều kiện sản xuất vàng miếng Điều 10 dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định bốn điều kiện để được NHNN cấp phép sản xuất vàng miếng như sau: 1. DN được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng trong giấy chứng nhận đăng ký DN. 2. Phải có vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên. 3. Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng miếng. 4. Phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong ba năm liên tiếp gần nhất. Sắp tới Chính phủ sẽ lấy ý kiến Theo lộ trình về Nghị định quản lý vàng, mới đây NHNN đã trình Chính phủ. Vì là dự thảo chứ chưa phải nghị định chính thức nên sắp tới Chính phủ sẽ dành thời gian để nghe và lấy ý kiến từ các cơ quan về dự thảo. Ông VŨ VIẾT NGOẠN, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Cần thời gian để chuẩn bị Nếu quy định DN phải chiếm 25% thị phần thì có nghĩa là tối đa trên thị trường chỉ có thể có bốn DN tham gia. Trong khi đó, cả nước chúng ta có rất nhiều DN kinh doanh vàng. Những DN không chiếm 25% này sẽ ra sao? Vì thế khi chúng ta chuyển đổi hay co hẹp sản xuất vàng vật chất cũng cần có thời gian, nếu chỉ chuẩn bị trong sáu tháng thì quá nhanh. Vì thế cần có lộ trình và thời gian. Chẳng hạn chúng ta nên vừa co hẹp sản xuất vàng vật chất vừa tiến hành mở vàng tài khoản sẽ tốt hơn là co hẹp sản xuất xong rồi mới mở vàng tài khoản. TS HOÀNG CÔNG GIA KHÁNH, TK TCTNH ĐH KT Luật TP.HCM |
Theo Pháp Luật TP