Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn trước Quốc hội. |
Tiếp phần trả lời còn dở chiều qua (24/11), đầu giờ sáng nay (25/11), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình thêm các nội dung chất vấn từ đại biểu Quốc hội.
“Có yếu kém và chịu trách nhiệm”
Từ chiều qua và trong sáng nay, nhiều lần Thống đốc nói rằng nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận lãi suất cho vay chỉ từ 16 - 18% (thấp hơn cả định hướng 17 - 19% Ngân hàng Nhà nước đưa ra thời gian qua). Còn phía đại biểu, nhiều ý kiến liên tục phản ánh thức tế trái ngược: những mức lãi suất đó rất khó tiếp cận.
Là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn, đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến nêu lên thực tế: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời rằng chỉ các doanh nghiệp yếu kém nên chưa tiếp cận được các mức lãi suất vay vốn thấp từ 16 - 18% như hiện nay. Nhưng, thực tế là nhiều doanh nghiệp chưa được vay với những lãi suất đó. Trên thị trường chứng khoán niêm yết, nơi tập trung các doanh nghiệp chất lượng, thì có khoảng 50% không vay được như vậy dẫn đến thua lỗ, nguy cơ phá sản.
Theo đó, đại biểu Yến đề nghị Thống đốc Nguyễn Văn Bình công bố danh sách các doanh nghiệp tốt đã vay được lãi suất 16 - 18% như ông nói để được “học hỏi”.
Bà Đặng Hoàng Yến - Đại biểu Quốc hội XIII |
Trả lời đề nghị này, Thống đốc Bình nói rằng: “Trân trọng mời đại biểu đến Ngân hàng Nhà nước để lấy danh sách đó, chúng tôi không thể chuyển ngay được vì nó khoảng 10 kg”.
Tuy nhiên, ông cũng nêu những nguyên nhân chính khiến lãi suất cho vay thời gian qua giảm chưa nhiều và chưa thực sự mở rộng bởi trước đó các ngân hàng phải huy động lãi suất cao.
Cụ thể, do từ 7/9 mới bắt đầu siết trần lãi suất 14%, nhưng trước đó các tổ chức tín dụng đã huy động 16 - 18%. “Các tổ chức tín dụng cũng đã thẳng thắn thừa nhận điều đó”, Thống đốc nói. Và 14% thì cũng đã giảm được 2 - 3%, các ngân hàng cần khoảng một tháng để trung hòa nguồn vốn huy động cao trước đó. Và sau một tháng đã bắt đầu giảm lãi suất cho vay, hiện xuống khoảng 16 - 18%, phi sản xuất xuống khoảng 18 - 21%.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng năng nay chủ trương xuống dưới 20%, trong khi trung bình tăng trưởng nhưng năm 2006 - 2010 là 33%. Khi bị giảm xuống như vậy thì nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận hơn.
Nhưng ngay sau khi Thống đốc trả lời với những nguyên do trên, ngoài bà Yến, một số đại biểu khác, có cả từ đại diện doanh nghiệp, cho rằng thực tế không như vậy. Thậm chí nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiện vẫn phải vay tới 22%/năm, chưa nói đến vay thuộc phi sản xuất. Và việc để vượt trần như Thống đốc lý giải cho lãi suất khó giảm nhanh, cần phải quy trách nhiệm cụ thể.
Ở chất vấn đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói rằng, trần lãi suất từ cuối 2010 là một giải pháp hành chính và đi cùng là phải có những chế tài để đảm bảo nghiêm. “Nhưng những chế tài đó chưa được nghiêm, thanh tra thì nhiều từ trung ương đến địa phương nhưng không phát hiện được. Chúng tôi thừa nhận có sự yếu kém và chịu trách nhiệm về điều này”, ông Bình thừa nhận.
Liên quan đến đề nghị phải áp trần lãi suất cho vay để “công bằng” với trần huy động, ông Bình cho biết: “Chúng tôi cũng đã thảo luận nhiều, dưới nhiều góc độ, chúng tôi thống nhất là chỉ áp trần lãi suất huy động, vì phù hợp hơn với khả năng điều hành chính sách tiền tệ hướng tới đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Nếu áp trần cho vay thì càng gặp khó khăn hơn trong đảm bảo an toàn, vì cào bằng các doanh nghiệp, không phân biệt được doanh nghiệp tốt xấu”.
Ở tín dụng ngoại tệ, đại biểu cho rằng lãi suất huy động chốt trần 0,5% và 2%/năm, trong khi lãi cho vay tới 8%/năm thì ngân hàng thu lời quá lớn.
Còn Thống đốc Bình thì trả lời, điều đó là phù hợp khi thực hiện chủ trương chống đô la hóa, thực hiện chuyển đổi quan hệ tín dụng ngoại tệ sang mua bán ngoại tệ. Và cơ chế trần huy động ở đây là để khuyến khích người dân, doanh nghiệp chuyển đổi từ gửi ngoại tệ sang bán; khuyến khích doanh nghiệp mua thay vì vay ngoại tệ. “Vì vậy, với lãi suất cho vay 8%/năm là cũng để hạn chế cho vay”.
Ngoài ra, ông Bình còn giải thích rằng, do các ngân hàng còn phải vay ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng ở nước ngoài với lãi suất cao, nên mức cho vay 8%/năm đó cũng là phù hợp để cân đối về chi phí vốn, về cân đối các rủi ro…
Tuy nhiên, một số đại biểu nêu quan điểm là không đồng tình với những giải thích đó. Thay vào đó, Ngân hàng Nhà nước cần khuyến khích hơn việc huy động vốn ngoại tệ trong dân, trong bối cảnh thiếu ngoại tệ như hiện nay. Và với chênh lệch lãi suất quá lớn như vậy thì các ngân hàng lãi lớn.
Một lần nữa, Thống đốc Bình đưa ra những lập luận phản biện về lợi nhuận của các ngân hàng. Lợi nhuận theo ông cần xem xét ở quy mô quản lý tổng tài sản lớn, ở quy mô vốn điều lệ cũng như các tỷ suất lợi nhuận chỉ ở mức trung bình so với các ngành, lĩnh vực khác.
Thêm nữa, ông Bình dẫn chứng từ thực tế của thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu các ngân hàng hiện ở những mức rất thấp, nếu lợi nhuận cao thì sao giá cổ phiếu lại thấp như vậy?
Từ vấn đề này, Thống đốc cũng trả lời chất vấn của đại biểu Trần Du Lịch về chênh lệch lãi suất mà ngân hàng hưởng; cũng như ý kiến cho rằng các doanh nghiệp là người làm thuê cho ngân hàng.
Đại biểu Trần Du Lịch chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình |
“Trước tháng 8/2011, lãi suất huy động phổ biến từ 16% - 18%, lãi suất cho vay 19% - 22%. Ngân hàng là tổ chức trung gian, huy động rồi cho vay. Ngay cả giai đoạn trước đây, chênh lệch trung bình trong khoảng 2% - 4%, là phù hợp. Nay lãi suất huy động xuống 14% và cho vay 16% - 18% thì cũng trong khoảng cho phép”, Thống đốc nói.
“Không có ngân hàng to đến mức không thể cho đổ vỡ”
Ở phần chất vấn bổ sung, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu lên một lo ngại: Hiện nay các ngân hàng nhỏ yếu kém thì lo ngại đã đành, nhưng đáng lo hơn là chính các ngân hàng lớn. Những ngân hàng quá lớn, sức mạnh tập trung, quyền lực tập trung sẽ chi phối thị trường. Và cái lo nữa là khi nảy sinh những bất ổn, vì quá lớn nên Ngân hàng Nhà nước không dám cho đổ vỡ vì sẽ ảnh hưởng đến hệ thống.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời bằng khẳng định: “Trong giai đoạn hiện nay không có tổ chức tín dụng nào to đến mức độ mà chúng ta không thể cho đổ vỡ đó”.
Ông dẫn chứng, trong hệ thống của Việt Nam hiện nay, lớn nhất là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), nhưng ngân hàng này cũng mới chỉ ở “sự khởi đầu yếu kém” của khu vực. Còn trong khu vực, các ngân hàng nhỏ cũng đã có quy mô cỡ 100 tỷ USD.
Cũng so sánh với khu vực và các tiêu chuẩn quốc tế, có đại biểu hoài nghi khi tỷ lệ nợ xấu hệ thống ngân hàng Việt Nam thực tế sẽ cao hơn nhiều so với công bố.
Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nêu dữ liệu cụ thể: Cuối năm 2010, nợ xấu của hệ thống ngân hàng ở mức 2,14%. Đến nay là khoảng 3,3%. Dự kiến cuối năm nay ở khoảng 3,6% - 3,8%. Còn với phân loại bằng tiêu chuẩn quốc tế, theo ông là rất khó nói vì có nhiều tiêu chuẩn khác nhau và vấn đề này không chỉ đến nay mới phát sinh, mà đã có từ nhiều năm trước.
Liên quan đến nợ xấu, một số đại biểu đặt vấn đề có phải liên quan đến tín dụng bất động sản hay không, và đây cũng là nguyên nhân khiến vốn rót nhiều cho bất động sản mà vơi đi ở các mảng khác, đặc biệt là cho sản xuất kinh doanh?
Thống đốc Bình cho biết, hiện tỷ trọng tín dụng bất động sản chỉ chiếm 8,3% tổng dư nợ, nợ xấu chiếm khoảng 4,2% trên tổng dư nợ cho vay bất động sản, vẫn trong kiểm soát và không phải là nguyên nhân dẫn đến thiếu vốn để cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Theo VnEconomy