Ảnh minh họa |
Ví dụ, SCB đã đẩy lãi suất huy động EUR lên tới 4%/năm cho các kỳ hạn 12 - 24 tháng, còn AUD dao động từ 3,5 -3,8%/năm; tại Eximbank, lãi suất huy động EUR được đẩy lên cao nhất 3%/năm cho kỳ hạn 12 tháng còn AUD đã lên tới 3,5 - 3,7%/năm cho các kỳ hạn 1 - 3 tháng. Tại các ngân hàng 100% vốn nước ngoài như ANZ, lãi suất AUD vẫn duy trì xung quanh mức 4,48% cho kỳ hạn 1 tháng, còn kỳ hạn 2 tháng cao nhất là 4,57%/năm, hay HSBC dao động quanh mức 4%/năm…
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB phụ trách khối nguồn vốn cho rằng, lãi suất AUD trên thị trường quốc tế hiện rất cao, xấp xỉ 5%, trong khi tại các NHTM Việt Nam mới chỉ gần 4%. Hiện tượng này không có gì lạ bởi từ trước đến nay, các ngân hàng Việt Nam huy động lãi suất của AUD thường dưới giá trị thực do đồng tiền này không thông dụng. Tuy nhiên, gần đây, AUD cũng trở thành một đồng tiền khá thịnh hành và giá trị của nó cũng đã tăng rất nhiều so với USD, nên mức độ dự trữ của người dân cũng tăng lên. Lãnh đạo HSBC cho biết: "Lãi suất AUD trên thị trường thế giới hiện đang cao, nên HSBC cũng trả lãi suất AUD cao nhằm phần nào đảm bảo quyền lợi cho những người giữ AUD cũng như định giá đúng giá trị của loại tiền này".
Theo tổng giám đốc một NHTM, lãi suất huy động USD bị chặn ở mức trần 2%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,5%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế, trong khi giai đoạn cuối năm, thanh khoản ngoại tệ thường rất căng thẳng. Do vậy, có thể các ngân hàng tìm cách giải quyết vấn đề này bằng cách huy động các loại ngoại tệ như AUD, EUR rồi chuyển đổi sang USD.
Một chuyên gia kinh tế nhìn nhận, những lời giải thích trên ở khía cạnh nào đó đều hợp lý, nhưng có một vấn đề rất quan trọng là ở thị trường Việt Nam, các loại ngoại tệ này không phổ biến nên không có trong cơ cấu huy động vốn của một số ngân hàng. Tại một số ngân hàng, nếu có huy động đi chăng nữa thì lãi suất thường rất thấp. "Đây là chuyện rất bình thường, bởi về nguyên tắc, lãi suất của một đồng tiền là do nhu cầu của thị trường quy định", chuyên gia này nói. "Do vậy, câu chuyện lãi suất huy động của một số ngân hàng đối với AUD hay EUR tăng cao đột biến có lẽ không đơn giản chỉ mang màu sắc căng thẳng thanh khoản của USD hay lãi suất của ngoại tệ này tăng cao trên thị trường thế giới mà liên quan tới cả VND".
Lý giải cho nhận định của mình, vị chuyên gia phân tích, theo báo cáo của NHNN, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các TCTD trong tháng 10 tiếp tục giảm so với các tháng trước, trong đó, tiền gửi đồng Việt Nam là 1,29%. "Toàn hệ thống ngân hàng bị sụt giảm số dư tiền gửi VND thì chắc chắn ở một số ngân hàng, con số sụt giảm chắc chắn sẽ còn nặng nề hơn. Do vậy, các ngân hàng dùng chiêu như vậy có lẽ để giải quyết vấn đề thanh khoản và cân đối nguồn vốn", vị chuyên gia nói.
Theo ĐTCK