Thống kê lúc 9h45, phần lớn những mã chủ chốt của HNX như KLS, VND, PVX, VCG, SHN, SHB, BVS… làm cho HNX-Index giảm 0.06 điểm, xuống 61.85 điểm.
Số lượng cổ phiếu giảm lúc này đã lên đến 96 mã, còn lại là 64 mã xanh và 235 mã đi ngang.
Toàn sàn có 10 triệu đơn vị chuyển nhượng, tương ứng 102 tỷ đồng.
Sàn HOSE, dù số lượng cổ phiếu giảm giá cũng vượt trội so với các mã tăng (91/68 mã) nhưng nhờ sự hỗ trợ của BVH, MSN và VIC nên VN-Index vẫn tăng nhẹ 2.08 điểm, tương ứng 0.54% lên 385.39 điểm.
Toàn sàn có 15 triệu đơn vị chuyển nhượng, nhưng đã có đến 6.7 triệu đơn vị giao dịch thỏa thuận,tương ứng 100.5 tỷ đồng, chiếm gần ½ giá trị giao dịch toàn sàn.
9h15: Thận trọng vì ngại kịch bản kéo xả?
Thị trường giao dịch hết sức ảm đạm trong khoảng 30 phút đầu của đợt khớp lệnh liên tục. Các mã tăng giá và giảm giá đều gia tăng về số lượng, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp.
Sàn HOSE nhờ có 3 triệu cổ phiếu MBB chuyển nhượng thông qua giao dịch thỏa thuận ở mức giá sàn, tương ứng với tổng giá trị 36 tỷ đồng đã nâng tổng khối lượng giao dịch tính đến 9h15 đạt gần 7.4 triệu đơn vị, trị giá 92 tỷ đồng.
Với khoảng 80 mã tăng giá, trong đó BVH, MSN, VIC nhích nhẹ giúp VN-Index duy trì mức tăng 2.15 điểm, tức khoảng 0.56% tạm chốt tại 385.46 điểm.
Các mã ngân hàng đều chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ MBB tăng nhẹ. Mã VNM từ mức giá trần cũng đảo chiều giảm khiến cho VN-Index khó có thể bứt phá mạnh.
Trong khi đó, các mã vốn hóa nhỏ, và đầu cơ mạnh như HQC, PXM, GTT, NTB… lại tăng giá nhẹ.
Nhìn chung, tâm lý nhà đầu tư đang rất e ngại về một kịch bản kéo xả mới có thể xảy ra.
Mở cửa: Tăng nhẹ nhưng giao dịch dè dặt
Thị trường mở cửa phiên phiên giao dịch 29/11 trong sắc xanh, tuy nhiên giao dịch đã thận trọng hơn rất nhiều. Việc không giảm giá xăng làm cho nhiều nhà đầu tư thất vọng, cũng như khó có thể làm cho lạm phát tiếp tục giảm.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn lo ngại về chiêu xả hàng của các nhà đầu tư lớn, nên giao dịch càng diễn ra dè dặt.
Phần lớn các mã vốn hóa lớn trên cả hai sàn đều giữ mức tham chiếu hoặc giảm nhẹ. Tại HOSE, toàn sàn chỉ có 48 mã tăng giá, trong đó VNM tăng kịch trần giúp VN-Index tăng 2.47 điểm, tức 0.64% lên 385.78 điểm.
Mặc dù tăng kịch trần nhưng VNM vẫn điều chỉnh giảm 30.51% giá trị xuống còn 94,500 đồng/cp do đây là phiên chốt quyền nhận cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 50%. Như vậy, VNM không còn là mã có mức giá dẫn đầu trên sàn chứng khoán hiện nay, mà rơi xuống hàng thứ 3 sau MSN và VCF.
Về thanh khoản, toàn sàn có khoảng 928,620 đơn vị chuyển nhượng, trị giá 12.51 tỷ đồng.
Tại sàn Hà Nội, sắc xanh vẫn duy trì nhưng nhiều mã chủ chốt giảm nhẹ hoặc đứng giá, ngoại trừ WSS vả NVB, NTP tăng kịch trần. Điều này giúp HNX-Index nhích nhẹ 0.34 điểm, tức khoảng 0.55% lên 62.25 điểm.
Cổ phiếu NVB tăng kịch trần sau khi có tin ông Đặng Thành Tâm đăng ký mua vào 330,000 cổ phiếu này.
Toàn sàn có gần 2 triệu cổ phiếu chuyển nhượng, tương đương 18.71 tỷ đồng. Thị trường khá ảm đạm với 59 mã tăng giá, 27 mã giảm và 309 mã đứng yên.
(Vietstock)