Sản xuất kinh doanh bấn loạn vì sự cố điện miền Nam

Thứ năm, 23/05/2013, 11:04
Sự cố mất điện toàn miền Nam chiều 22/5 khiến hoạt động của nhiều doanh nghiệp gián đoạn, dữ liệu chưa kịp lưu mất sạch, hàng đông lạnh nguy cơ hỏng vì máy phát chỉ thay thế điện lưới trong thời gian ngắn.

Lúc 14h chiều ngày 22/5, điện cúp đột ngột tại 22 tỉnh thành miền Nam. Điều này ảnh hưởng khá nhiều đến doanh nghiệp.

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc may Sài Gòn 3 cho hay, mất điện đột ngột khiến công ty phải gấp rút sử dụng máy phát. Tuy nhiên, vì máy phát chạy bằng dầu nên chi phí sản xuất tăng gấp đôi so với sử dụng điện lưới.

Mặt khác, việc sử dụng máy phát điện không đáp ứng đủ 100% như điện lưới nên công ty phải cắt giảm tải ở dây chuyền ép, ủi để dành cho bộ phận may. Bởi lẽ, khâu này phải dùng điện với công suất lớn nên nếu chạy bằng máy phát sẽ đội chi phí sản xuất tăng cao.

“Công ty tôi còn may là có máy phát để sử dụng chứ không sẽ điêu đứng. Cản trở nhất là vấn đề giao hàng, vì xuất muộn sẽ tốn thêm chi phí máy bay, vận chuyển”, ông Hồng nói.

Lãnh đạo một công ty thương mại dịch vụ cho biết, máy phát vừa hỏng nên toàn bộ công nhân viên phải ngừng làm việc. Cuộc họp quan trọng với đối tác cũng phải hoãn lại. "Phần việc chưa hoàn thành, nhân viên phải làm bù ngay khi có điện", ông nói.

mất điện toàn miền Nam

Nếu mất điện còn kéo dài, sản xuất sẽ bị đình trệ. 

Còn ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Thành Đạt cho hay, mất điện đột ngột khiến khối văn phòng nháo nhào vì toàn bộ dữ liệu mất sạch và họ phải làm lại toàn bộ từ đầu khi sử dụng máy phát điện.

Mặt khác, ở khâu sản xuất, máy móc đột ngột ngưng hoạt động sẽ khiến cho thiết bị dễ bị hư hỏng hơn. Điện chạy bằng máy phát yếu hơn so với điện lưới mà máy phát ở công ty ông chạy với công suất lớn nên tốn gấp 10 lần so với sử dụng điện bình thường.

Tại Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Huân, Giám đốc Phạm Thị Huân cho hay, mất điện khiến công ty phải dùng ngay máy phát, tuy nhiên nếu mất điện thời gian dài công ty khó lòng chống đỡ vì thực phẩm tươi sống rất cần điện.

“Nếu tình trạng này kéo dài lâu, công ty sẽ không có hàng phân phối cho người tiêu dùng”, bà Huân cho hay.

Cũng sử dụng máy phát để cung cấp điện cho hệ thống đông lạnh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Giám đốc siêu thị Maximax cho biết, toàn bộ máy phát ưu tiên cho hệ thống đông lạnh là chính, khu vực máy lạnh chịu nóng một chút để giảm tải điện. Còn nếu mất điện trong thời gian dài, toàn bộ sản phẩm đông lạnh có nguy cơ bị hư hỏng, tổn thất rất lớn.

Ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tại sân bay Tân Sơn Nhất trong buổi chiều, tình trạng điện diễn biến chập chờn. Tuy nhiên, nhờ hệ thống điện dự phòng nên mọi hoạt động của đơn vị này vẫn diễn ra bình thường, không xảy ra sự cố đột biến.

Đại diện các đơn vị viễn thông cho biết sự cố xảy ra không gây ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp cũng như thuê bao trong khu vực. Mobifone xác nhận một số trạm của đơn vị cũng mất điện, tuy nhiên tổng thể mạng lưới và lưu lượng của các thuê bao vẫn được đảm bảo, những dịch vụ như 3G, thoại, nhắn tin không bị tác động. Nhà mạng Vinaphone cho biết trên toàn khu vực miền Nam có khoảng 2% số trạm bị mất điện, phần còn lại vẫn vận hành bình thường. "Chúng tôi phải sử dụng máy nổ và ắc quy, nếu tình trạng này kéo dài từ  4 - 8 tiếng nữa thì số trạm phải ngừng sẽ tăng. Trong trường hợp này Vinaphone sẽ cho chạy máy nổ ưu tiên tại các khu vực đông dân cư", đại diện Vinaphone chia sẻ.

Trong khi đó, ông Tào Đức Thắng, Giám đốc Công ty Mạng lưới Viettel cho biết toàn bộ hệ thống của nhà mạng này đang hoạt động bình thường do các trạm phát sóng đều được trang bị máy nổ và ắc quy dự phòng. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn đang theo dõi sát tình hình cung ứng điện để chủ động ứng cứu thông tin khi cần thiết.

Ông Lê Hải Trà, người phát ngôn của Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết: "Việc mất điện lúc chiều nay trên diện rộng cũng làm chúng tôi bị mất điện. Tuy nhiên, chúng tôi có máy phát điện ứng cứu ngay, do vậy hoạt động toàn bộ hệ thống giao dịch vẫn bình thường".

Trao đổi với PV, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho hay, khi xây dựng, các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex đều được trang bị máy nổ hoặc trạm phát điện chạy dầu để dự phòng. Do đó việc phục vụ kinh doanh không bị ảnh hưởng khi sự cố mất điện ở khu vực phía Nam xảy ra. Tuy nhiên, về thiệt hại kinh tế, theo ông Năm là điều không tránh khỏi nếu tình trạng mất điện kéo dài. “Tại thời điểm hiện tại, chưa tính ngay được thiệt hại kinh tế song nếu mất điện kéo dài, doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng”, ông Năm nói.

Một lãnh đạo từ Tổng công ty dầu Việt Nam cho hay, PV Oil hiện có khoảng 600-700 cửa hàng trên cả nước. Tuy nhiên, 100% cửa hàng đều có máy phát điện dự phòng nên việc kinh doanh không bị gián đoạn. “Chuyện mất điện xảy ra thường xuyên và PV Oil vẫn cung cấp nguyên liệu để chạy máy dự phòng khi các cửa hàng xăng dầu bị mất điện”, lãnh đạo này cho hay.

 Theo VnExpress

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích