Vì thế, những câu hỏi “tự nhiên” từ dư luận liền bật ra: Hiệu quả sản xuất - kinh doanh của những tập đoàn, tổng công ty đó ra sao, công lao của các vị chủ tịch, tổng giám đốc ấy như thế nào mà lương cao đến thế?
Chúng ta đã từ bỏ chủ nghĩa bình quân trong phân phối, chấp nhận việc những người lao động phức tạp, cống hiến nhiều cho đất nước cần được trả lương tương xứng với đóng góp của họ. Còn đằng này, nhìn vào hiệu quả và đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty ấy, người dân có quyền đặt vấn đề về công bằng xã hội, có quyền bày tỏ bức xúc và yêu cầu những nhà chức trách có thẩm quyền cao hơn phải giải thích thỏa đáng.
Sự méo mó trong cách chi trả lương như vậy quá phi lý, không thể nào biện bạch được so với đời sống người lao động và đội ngũ trí thức của nước ta. Phải chăng đã hình thành một lớp người “ăn trên ngồi trốc”, “đặc quyền đặc lợi” mới trong xã hội?
Về chuyện này, trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành, chủ sở hữu và Bộ LĐ-TB-XH cũng cần được xem xét. Chẳng lẽ các cơ quan đó không biết hay họ đã chấp nhận mức tiền lương đó từ bao lâu nay. Hiệu lực quản lý Nhà nước đến đâu trong trường hợp này. Có “lợi ích nhóm” gì ở đây hay không?...
Trong cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu, nhiều chính phủ đã quyết định cắt giảm tiền lương, tiền thưởng của giám đốc các ngân hàng, mặc dù bị chống đối quyết liệt. Nhân kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, rất mong các đại biểu và Quốc hội sẽ làm sáng tỏ vấn đề này, quy buộc trách nhiệm và đề ra những biện pháp điều chỉnh cần thiết.
Theo NLĐ