Xin chào, mình là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam

Thứ hai, 20/05/2013, 11:26
Đầu năm 2012, báo chí đã phải tốn nhiều giấy mực với sự kiện Bộ Xây dựng đề nghị NHNN nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội BĐS Việt Nam về việc thành lập Ngân hàng Xây dựng Việt Nam. 

Vào thời điểm đó, cả Ngân hàng Nhà nước lẫn giới chuyên gia đều cho rằng, Việt Nam không cần thêm một ngân hàng xây dựng, vì ở Việt Nam có 37 ngân hàng thì cả 37 ngân hàng đều huy động và cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng.

Ý tưởng này từ đó không còn được nhắc đến thì mới đây có những thông tin cho thấy, thực sự đã có một Ngân hàng Xây dựng ở Việt Nam.

TrustBank hóa thành “Buildbank”

Thông tin về sự xuất hiện ngân hàng xây dựng Việt Nam đến từ một thông cáo báo chí về lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Trong mục các hoạt động chính của lễ kỷ niệm có chương trình “Họp báo TrustBank - Ngân hàng Xây dựng Việt Nam”, với nội dung công bố tên mới là Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, chiến lược kinh doanh mới và ký kết hợp tác với 4 ngân hàng là BIDV, Agribank, MB Bank, Sacombank.

ngân hàng xây dựng
Ít ai nghĩ rằng, có thể hình thành ngân hàng xây dựng bằng việc mua một ngân hàng khác.

Việc TrustBank đổi tên thành ngân hàng xây dựng là một điều khá bất ngờ, dù trước đó việc tái cấu trúc của ngân hàng này với sự góp mặt của các cổ đông mới cũng đã tạo nên nhiều dấu hỏi trên thị trường.

Cụ thể, để tái cơ cấu, đầu tiên, TrustBank sẽ bán gần 85% cổ phần của cổ đông cũ cho Tập đoàn Thiên Thanh và một nhóm cá nhân khoảng 20 người để thu về 4.500 tỉ đồng. Bước kế tiếp là tăng vốn thêm 2.000 tỉ đồng từ nhóm này. Cuối cùng là tăng vốn thêm 2.500 tỉ đồng nữa từ việc thanh lý tài sản của nhóm cổ đông cũ và do Thiên Thanh góp thêm.

Tham gia mua lại TrustBank là một nhóm cổ đông, nhưng chỉ có Thiên Thanh lộ diện. Không chỉ vậy, dù họ nắm chưa đầy 10% cổ phần nhưng Đại hội Cổ đông của TrustBank lại được tổ chức tại trụ sở của Thiên Thanh.

Mới đây, vào cuối tháng 3, chương trình Hội thảo Chiến lược phát triển ngân hàng, triển khai kế hoạch kinh doanh TrustBank năm 2013 cũng diễn ra tại Long Hải Beach Resort, một dự án của Thiên Thanh, khiến nhiều người cho rằng quyền chi phối TrustBank đang nằm trong tay Tập đoàn Thiên Thanh.

Tuy nhiên, khả năng này dường như không đúng khi những thông tin mới về TrustBank hé lộ. Trong 6 thành viên Hội đồng Quản trị được TrustBank bầu lại tại Đại hội Cổ đông hồi đầu năm, bên cạnh những nhân vật đến từ Thiên Thanh, còn có một cái tên quen thuộc trong giới bất động sản đó là ông Phan Thành Mai. Ông Mai là Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Và tại TrustBank, ông là Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị.

Trong buổi họp báo về lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hiệp hội Bất động sản Việt Nam có cả Phó Tổng Giám đốc TrustBank là ông Đỗ Hoàng Linh, nhưng mọi câu hỏi của báo giới về Ngân hàng Xây dựng, ông Mai là người đứng ra trả lời chứ không phải ông Linh. Điều này cho thấy tầm quan trọng của ông Mai tại Hội đồng Quản trị của TrustBank.

Tuy từ chối phần lớn câu hỏi về liên quan tới ngân hàng mới, với lý do chưa phải thời điểm để công bố nhưng ông Mai cho biết, ông đại diện cho nhóm cổ đông là các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đến từ Hà Nội. Đây có lẽ cũng là một trong những nguyên nhân khiến TrustBank lại trở thành Ngân hàng Xây dựng.

Để thấy rõ bản chất vấn đề cần quay lại hơn 1 năm về trước, khi Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nơi ông Mai làm Tổng Thư ký, đưa ra đề xuất thành lập ngân hàng xây dựng Việt Nam.

Vào thời điểm đó, xung quanh câu chuyện lập ngân hàng xây dựng, câu hỏi lớn nhất được các chuyên gia đặt ra vốn đâu là nó hoạt động dựa trên nguồn vốn nào. Trong thời điểm Nhà nước áp dụng chính sách tiền tệ chặt chẽ và ưu tiên cho mục tiêu kiềm chế lạm phát thì không có lý nào Nhà nước lại chấp nhận bỏ vốn để thành lập thêm một ngân hàng mới.

Như vậy, ngân hàng này sẽ phải tự huy động vốn. Nhưng một ngân hàng mới thành lập, năng lực và uy tín chưa được chứng minh, làm sao cạnh tranh huy động vốn? Điều này khiến cả thị trường cho rằng khả năng có ngân hàng xây dựng là không khả thi.

Tuy nhiên, ít ai nghĩ rằng, có thể hình thành ngân hàng xây dựng bằng việc mua một ngân hàng khác. Phải chăng nước cờ này đã được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tính toán từ trước? Trước đó, dù Ngân hàng Nhà nước tỏ thái độ không đồng tình, Bộ Xây dựng cho biết họ vẫn bảo lưu quan điểm của mình.

Ngân hàng xây dựng phục vụ cho ai?

Điều cần biết

1989: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Rạch Kiến 

Ngân hàng được thành lập, với tên gọi là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nông thôn Rạch Kiến, ngân hàng cổ phần đầu tiên của tỉnh Long An.

17/8/2007: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín - TrustBank 

Chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị và đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín - TrustBank

Tiến hành Đại hội Cổ đông, với nội dung chính là kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, theo đó bán 85% cho cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh và một nhóm cổ đông đến từ Hà Nội.

15/1/2013: TrustBank có 544 cổ đông (tính đến ngày 28/2/2013), trong đó có 5 cổ đông tổ chức là Agribank, Công ty Lương thực Long An và 3 pháp nhân khác thuộc Khối Văn phòng Nhà nước. 

Tiến hành Đại hội Cổ đông, với nội dung chính là kế hoạch tái cấu trúc ngân hàng, theo đó bán 85% cho cổ đông mới là Tập đoàn Thiên Thanh và một nhóm cổ đông đến từ Hà Nội.

23/5/2013: Đổi tên thành Ngân hàng Xây Dựng Việt Nam

Đầu tiên có lẽ nên chúc mừng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vì cuối cùng họ đã lập được một ngân hàng xây dựng. Tiếp đó sẽ là câu hỏi quan trọng nhất: Ngân hàng này sẽ kinh doanh thế nào?

Trước hết, xét về năng lực tài chính, với tổng tài sản đến cuối năm 2011 chỉ khoảng 3.000 tỉ đồng, chưa bằng 1/2 số vốn cần bỏ ra để tái cấu trúc TrustBank, rõ ràng Thiên Thanh không phải là người thực sự sở hữu ngân hàng này. Mấu chốt vấn đề nằm ở 20 cổ đông cá nhân ẩn danh mà ông Phan Thành Mai đại diện. Để có thể tác động lên Bộ Xây dựng và đổi tên TrustBank thành Ngân hàng Xây dựng Việt Nam thì thế và lực của họ cũng không phải là tầm thường.

Mặc dù chưa chính thức công bố tên cũng như chiến lược kinh doanh mới, nhưng theo những thông tin được đưa ra tại cuộc hội thảo có cái tên được ghép giữa hai chủ đề không mấy tương đồng là “Hội thảo chiến lược phát triển ngân hàng, triển khai kế hoạch kinh doanh TrustBank năm 2013”, ngân hàng này sẽ tập trung vào lĩnh vực đúng với chức năng, trở thành ngân hàng chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng như tên gọi.

Theo ban lãnh đạo của Ngân hàng, ngân hàng này sẽ hoạt động “với vai trò ngân hàng người bán, tổ chức và hỗ trợ để các nhà sản xuất vật liệu xây dựng tiêu thụ sản phẩm đến các khách hàng, thông qua sự bảo lãnh, hỗ trợ của các ngân hàng người mua”. Các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu sẽ được tiếp cận nguồn hàng vật liệu xây dựng trả chậm, với mức giá cạnh tranh, lãi suất tài trợ, thời hạn ưu đãi…

Ngân hàng người mua gồm các ngân hàng được Chính phủ chỉ định hỗ trợ tháo gỡ khó khăn thị trường vật liệu xây dựng, bất động sản như Agribank, Vietinbank, BIDV… Điều này đã lý giải vì sao trong chương trình công bố tên mới của TrustBank lại có mục ký kết hợp tác với 4 ngân hàng.

70.000 doanh nghiệp xây dựng, bất động sản đang hoạt động tại Việt Nam (theo thống kê của Bộ Xây dựng tính đến cuối năm 2012) hẳn sẽ vui với thông tin về Ngân hàng Xây dựng Việt Nam này.

Tuy nhiên, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có thể không nghĩ như vậy. Trước thông tin đề xuất thành lập ngân hàng xây dựng cách đây hơn 1 năm, ông Bình từng khẳng định “với tư cách là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tôi không đồng ý”.

Câu hỏi từng được nhiều người đặt ra là tại sao trước khi thị trường bất động sản đi xuống không thấy ai nói đến việc thành lập ngân hàng xây dựng; đến khi hàng loạt doanh nghiệp mắc kẹt trong thị trường này ý tưởng này lại nảy sinh. Liệu có phải là doanh nghiệp vay vốn không được, nên mới nghĩ tới việc lập ngân hàng xây dựng của nhà mình để hậu thuẫn về vốn?

Lập ngân hàng như một “sân sau” về tài chính, huy động tiền từ dân cư để cho vay công ty riêng của các ông chủ lớn đã trở thành một câu chuyện điển hình trong ngành ngân hàng ở Việt Nam.

Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết hoặc thương tật nặng nề của không ít ngân hàng tốt. Sacombank bao năm gầy dựng bị thâu tóm vì những nước cờ đầu tư sai của gia đình ông Đặng Văn Thành, một ngân hàng mạnh như ACB cũng lung lay vì Bầu Kiên… Hệ quả cuối cùng là rủi ro lên cả một hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Có lẽ cùng cần nhắc lại nhận định của Thống đốc Bình cách đây hơn 1 năm về ý tưởng ngân hàng xây dựng: “Có thể họ đáp ứng được nhu cầu thị trường trước mắt, nhưng họ có đảm bảo được sự lành mạnh của họ về lâu dài thì chưa có một luận cứ nào”.

Theo NCĐT

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn