Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) phá sản, giải thể nhiều, việc sửa đổi Luật Phá sản 2004 là rất quan trọng. Một lần nữa, nội dung này được đưa ra bàn thảo tại nghị trường khi ngày 13-11, Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trình bày tờ trình trước Quốc hội (QH) về dự án Luật Phá sản sửa đổi và Ủy ban Kinh tế của QH cũng đã thẩm tra tờ trình này. Các cơ quan trên có chung nhận định: Luật Phá sản 2004 còn nhiều hạn chế trong thực tiễn thi hành, làm khổ DN. Thực tế qua ghi nhận của phóng viên cũng sát thực với các đánh giá trên.
Sống dở, chết dở
Một năm nay, Công ty H.Q ở tỉnh Phú Yên (có chi nhánh ở TP HCM) chuyên kinh doanh máy móc, thiết bị thi công và xe khách rơi vào tình trạng sống dở, chết dở. Thời ăn nên làm ra, H.Q vay ngân hàng, thuê tài chính để mua thiết bị thi công, mua xe. Kinh tế suy thoái, công ty thua lỗ triền miên, nợ lên đến vài chục tỉ đồng. Bán hết tài sản vẫn không đủ trả nợ, H.Q quyết định quay về Phú Yên nộp đơn xin phá sản.
Hay tin, ngân hàng đang cho H.Q vay tiền lập tức yêu cầu công ty này rút đơn và ra tối hậu thư: Nếu H.Q nộp đơn phá sản, ngân hàng sẽ tố cáo H.Q tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thực tế, sau khi nộp hồ sơ xin phá sản lên tòa án kinh tế tỉnh Phú Yên, H.Q “được” bên công an mời làm việc. Cuối cùng, H.Q rút đơn xin phá sản, chấp nhận lây lất sống với các khoản nợ lớn vượt tầm chi trả.
Trong khi đó, một DN thủy sản tại TP HCM ngưng hoạt động đã gần 10 năm nay cũng không thực hiện thủ tục phá sản được. Là DN cổ phần có sự tham gia của vốn nhà nước, các cổ đông cũ của DN cũng tứ tán khắp nơi nên việc quyết toán thuế khá phức tạp, thủ tục phá sản rất nhiêu khê. Mặt khác, DN này thà làm DN “ma” chứ không phá sản bởi nếu phá sản, các thành viên quản trị DN sẽ không được làm lãnh đạo DN trong vòng 1-3 năm. “Rất nhiều DN nhà nước đã cổ phần hóa đang rơi vào thế bí này” - một luật sư cho biết.
Tương tự, 1 DN nhà nước sản xuất dâu tằm tơ thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đệ đơn xin phá sản lên TAND tỉnh Đồng Nai từ năm 2005. Hai năm sau, đơn xin phá sản mới được thụ lý và 1 năm sau đó, tòa án mới lập được tổ quản lý, thanh lý tài sản để tiến hành kiểm kê, quản lý và điều tra.
Trong 2 năm chờ xác minh, DN hết sức khó khăn do không được tự chủ sản xuất - kinh doanh, tự chủ về con dấu, về hoạt động thu chi... Đến đầu năm 2008, cơ quan chức năng trả lại đơn cho DN vì “không triệu tập được đại hội chủ nợ và DN đang làm ăn có lãi”. Tại thời điểm đệ đơn xin phá sản, DN này không có lãi nhưng sau một thời gian rất dài chờ các cơ quan chức năng tiến hành thủ tục phá sản, DN có lãi trở lại và theo luật như vậy thì... không thể phá sản! Sau đó, DN thoi thóp “sống” nhưng vẫn mang khoản nợ lớn từ thời kỳ trước mà không có khả năng trả hết.
Chỉ riêng trong năm 2012, đã có 54.000 DN trên cả nước ngừng hoạt động. Theo báo cáo của TAND Tối cao, tổng kết thi hành Luật Phá sản của 63 TAND cấp tỉnh, tổng cộng có 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Chỉ có 83 vụ trong số này được tòa tuyên bố phá sản, 236 vụ được mở thủ tục phá sản; 153 vụ chưa ra quyết định tuyên bố phá sản.
Xa rời thực tế
Luật sư Lê Thành Kính, Chủ nhiệm Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, cho biết: Để được phá sản, DN phải nộp hồ sơ ra tòa, tòa thụ lý hồ sơ và xác định các khoản nợ, tổ chức tham luận với các chủ nợ để tiến tới quyết định có tiến hành thủ tục phá sản không, có tuyên bố phá sản không và tiến hành các thủ tục tiếp theo. Các quá trình này thường mất rất nhiều thời gian. Ngoài ra, ở Việt Nam, bản thân DN không muốn phá sản vì ngại bị đánh giá năng lực, trình độ yếu kém.
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, trong xu hướng toàn cầu hóa, Luật Phá sản cũng cần được sửa đổi cho phù hợp với thông lệ và pháp luật về phá sản của thế giới.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng Luật Phá sản phải được vận hành đồng bộ với các luật khác như Luật DN, Luật Quản lý thuế, Bộ Luật Hình sự, Bộ Luật Dân sự… thì mới có thể đi vào đời sống. Hiện DN nộp đơn phá sản không được giải quyết theo Luật Phá sản mà chịu tác động của các luật khác khiến DN không thể phá sản trong khi có thể bị xử lý dân sự, hình sự…
Theo Nguoilaongdong