Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2013 của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), bên cạnh những tín hiệu khả thi như ngân hàng báo lãi hơn 400 tỷ đồng trong quý 3 thì việc ACB tiếp tục mạnh tay cắt giảm nhân sự khiến dư luận hết sức quan tâm.
Cụ thể, tính tới ngày 30/9/2013, tổng số nhân viên chính thức của ACB chỉ còn là 9.005 người giảm 703 người, tương ứng 7,2% so với quý 2/2013 và giảm 739 người, tương ứng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, ACB là một trong những ngân hàng “dẫn đầu” thị trường về cắt giảm nhân sự trong suốt thời gian qua.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). |
Đi cùng với cắt giảm nhân sự, quỹ lương của ACB cũng có chiều hướng đi xuống. Tính tới ngày 30/9/2013, chi phí cho nhân viên của ngân hàng này đạt 1.151 tỷ đồng, giảm 319 tỷ đồng, tương ứng 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chia sẻ với PV Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho biết: "Trên thực tế, con số 703 nhân viên bị cắt giảm không phản ánh cơ cấu nhân sự thực tế của ACB. Bởi đây là con số được đưa ra trong bảng báo cáo tài chính quý 3 năm nay.
Quy trình kiểm tra được tính như sau: Lấy con số nhân sự từ ngày 1/1/2013 trừ đi con số nhân sự cuối cùng của ACB tính đến ngày 30/9/2013. Như vậy, con số 703 nhân viên ACB bị cắt giảm thực tế chỉ là con số chênh lệch, biến động của nhân viên trong ngân hàng. Đó là điều bình thường xảy ra không chỉ riêng với ACB mà tất cả các ngân hàng trong nước".
Giải thích về nguyên nhân số nhân viên bị cắt giảm, ông Toại cho hay: Trong số 703 nhân viên bị cắt giảm, có những người không phù hợp với công việc, có những người làm việc không đạt chỉ tiêu, có những phòng ban thừa nhân viên nên đề xuất cắt giảm, và cũng có những nhân viên tự động nộp đơn xin nghỉ tại ACB vì họ cảm thấy không phù hợp, muốn tìm một môi trường mới tốt hơn.
Nói về vị trí nhân sự cấp cao nhất bị cắt giảm, ông Toại cho biết: "Không thể nói chính các nhân sự cấp cao nhất ở vị nào được cắt giảm, nhưng chủ yếu các nhân sự được cắt giảm nằm trong phòng kinh doanh. Nguyên nhân là họ không đạt chỉ tiêu, năng xuất công việc cũng như chất lượng được giao.
Bởi vậy chuyện cắt giảm hay sa thải là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận nhân sự họ tự nộp đơn xin nghỉ tại ACB để tìm cho mình một môi trường làm việc thích hợp hơn".
Được biết, việc cắt giảm nhân sự này không nằm trong lộ trình tái cơ cấu của ACB, bởi theo ông Toại, sự biến động nhân sự này thể hiện quá trình chuyển dịch nguồn nhân sự, không gây ảnh hưởng đến cơ cấu của ACB.
Về quỹ lương nhân viên ACB giảm đến 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ông Toại cho biết: Nguyên nhân chính khiến quỹ lương của ACB giảm là do tình hình hoạt động của ngân hàng trong 2 năm qua chưa thực sự tốt.
Theo đó, lương nhân viên phụ thuộc trực tiếp vào tình hình kinh doanh của ngân hàng. Trong khi việc kinh doanh tín dụng của ngân hàng lại gặp rất nhiều khó khăn, biên lợi nhuận thấp. Do vậy, kết quả kinh doanh không cao thì việc giảm lương cũng là điều đương nhiên. Đó là những khó khăn chung mà ACB đang cố gắng khắc phục nhằm cải thiện tình hình lương cho nhân viên trong thời gian tới.
Việc cắt giảm lương theo ông Toại, đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của nhân viên. "Nhưng cái gì cũng có 2 mặt của nó. Khi lương giảm một bộ phận sẽ tìm cho mình môi trường làm việc mới tốt hơn. Chính vì vậy mới có chuyện số lượng nhân sự của ACB luôn luôn biến động và có sự chệnh lệch.
Thứ hai, đại bộ phận các nhân viên còn lại chấp nhận làm việc trong tình trạng kinh tế khó khăn, đồng thời buộc họ phải nâng cao năng suất, chất lượng công việc. Có như thế việc kinh doanh mới khởi sắc và việc nâng lương nếu kinh doanh có lãi là điều đương nhiên", ông Toại khẳng định.
Được biết, thu nhập bình quân của nhân viên ACB hàng tháng trong 9 tháng đầu năm là 14,2 triệu đồng/người/tháng, tuy giảm 2,6 triệu đồng, tương ứng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đây vẫn là con số khá cao.
Bên cạnh đó, một số nhân viên ACB phản ánh con số bình quân này bao gồm cả lương lãnh đạo. Chia sẻ về vấn đề này, ông Toại cho biết: Trên thực thế, con số bình quân này sẽ được tính bởi tất cả nhân viên thuộc ACB.
Thứ bậc nhân viên trong cơ cấu một ngân hàng là một ma trận phức tạp, nhiều tầng bậc. Bởi vậy việc bị ảnh hưởng mức lương “khủng” của cán bộ cấp cao là có. Tuy nhiên, không thể đưa ra một con số chính xác mức lương bình quân của nhân viên được. Vì nó còn phụ thuộc và bảng lương nhân viên mới có thể kết luận được./.
Theo GDVN