Dù đã có án cho Đinh Văn Ta (Ninh Bình) trước đó nhưng có vẻ như vụ việc Đình Đồng (SLNA) mới thực sự là điểm đen kịt, hợp lý và thuyết phục vô cùng trong mắt nhiều người.
Thì đây, phi cả 2 chân khiến đối thủ chỉ còn cách rời sân song song với mặt đất và hướng “bệnh viện thẳng tiến”! Đây không phải lần đầu, không chỉ của cá nhân Đình Đồng, mà còn cả dàn hậu vệ chuyên chặt chém của đội bóng SLNA, từ thuở Hữu Thắng tới Huy Hoàng và cả Văn Khánh U19 VN vừa rồi.
Trong xu thế ca ngợi và hy vọng ngút trời vào dàn trẻ U19, việc Văn Khánh bị loại khỏi chuyến tập huấn đầy vinh dự, việc Đình Đồng bị án điểm, có vẻ như lò SLNA đang “hạn” nặng, đang bị “đập” không thương tiếc?
Nhưng nói gì thì nói, chơi bóng như Đình Đồng lâu nay mà không bị kỷ luật mới là điều lạ!
Đình Đồng với pha vào bóng thô bạo. |
Có điều, không thể từ đó mà đổ vấy cho “trường phái” quyết liệt vốn có của lò bóng từng sản sinh ra nhiều hậu vệ lừng danh có nhiều đóng góp cho tuyển VN như Hữu Thắng, Huy Hoàng, Minh Đức và Mạnh Hùng. Với lại, chơi bóng kỹ thuật như Phan Thanh Tuấn, Văn Sỹ Hùng, Văn Quyến, Công Vinh… không được đào tạo từ lò này thì ở đâu ra?
Hữu Thắng có thể có lỗi trong việc để Đình Đồng tự do vào bóng một cách nguy hiểm như mọi người đã thấy (kể cả việc kêu ầm lên khi Đồng bị xử nặng), nhưng việc ông thực hành triết lý “chơi quyết liệt” trong “cuộc chơi của những người đàn ông” cho SLNA là không thể phê phán hay phủ nhận.
Hiện nay trong làng bóng lâu nay không thiếu cầu thủ chơi rắn, ác ý nhưng khi cần lấy “dẫn chứng” về điều đó thì không đâu thuyết phục bằng SLNA và ở đội bóng này hiện tại, không ai “kiểu mẫu” như Đình Đồng?
Rõ ràng, dù kháng án hay cãi cọ thì vấn nạn bạo lực sân cỏ dứt khoát phải giải quyết. Xử Đình Đồng là cần thiết và điều đó là bài học đắt giá cho SLNA cũng như các cầu thủ có xu hướng chơi bạo lực khác.
Nhưng cũng không vì thế vô tình hay hữu ý làm mất đi lối chơi quyết liệt, không ngại va chạm để giành thắng lợi của các cầu thủ. Dĩ nhiên phải đúng luật, phải không ác ý. Nhưng đã là một cuộc chơi thì phải chấp nhận va đập, chấn thương ngoài mong muốn.
Những người trong cuộc hiểu hơn ai hết rằng, muốn thắng được đối phương chơi rắn thì chỉ có cách mình cũng phải rắn, phải biết cách né đòn, phản đòn đúng luật, kín kẽ và hiệu quả. U19 VN chơi hay là thế nhưng còn lâu mới học được cách vượt qua đối thủ chơi rắn (và cả tình huống trọng tài tiếp tay) kiểu U19 Indonesia.
Ở đây, câu chuyện phần lớn không chỉ phụ thuộc vào cầu thủ, mà còn ở trọng tài. Nếu nghiêm khắc, công bằng, chắc chắn không có đất cho bất cứ biểu hiện bạo lực nào. Đừng bao giờ để một người “rắn” có tiếng như Huỳnh Đức cũng bất lực nhìn cầu thủ của mình như cây chuối liên tục bị đối phương đốn chặt mà trọng tài cứ để mắt mũi ở tận đâu đâu?
Cũng đừng để tồn tại kiểu giám sát làm báo cáo trận đấu nể nang, qua chuyện bỏ sót lỗi cố ý, làm cớ cho người sai dựa dẫm, kêu ca.
Hơn nữa, sẽ chẳng bao giờ bóng đá chỉ tồn tại một cách chơi duy nhất nhàm chán. Trong một đội bóng cũng chẳng bao giờ có duy nhất một mẫu cầu thủ. Hàng thủ thì cần quyết liệt, dứt khoát. Hàng công cần sắc bén, ích kỷ. Ngay trong hàng tiền vệ cũng cần người đánh chặn hiệu quả, người tỉa tót thông minh.
Là để vươn lên, vươn ra với thiên hạ. Trước hết là kéo khán giả mua vé đến sân chứ không cần nghệ sĩ loa, loa, loa mời bà con đi cổ vũ.
Còn cứ một mực kêu người này xấu, kẻ kia hư, đổ lỗi cho khách quan, sợ kỷ luật… thì tốt nhất là chơi bóng đá phong trào hay lão tướng, vui vẻ, đá ít, bia bọt nhiều…
Theo VNN