Bạo lực sân cỏ V-League: Tại anh, tại ả hay…

Chủ nhật, 02/03/2014, 13:49
V-League 2014 sau vòng 5 với hình ảnh xấu xí Đinh Văn Ta của V.Ninh Bình “chơi” nguyên cú song phi vào mạn sườn của tiền đạo Danny David.

Khiến chân sút của ĐTLA suýt “thân tàn ma dại” tiếp tục nhuốm màu bạo lực, khi liên tiếp 2 vòng đấu vừa qua lần lượt Bruno (Quảng Ninh) và Anh Hùng (HV.An Giang) phải vào bệnh viện gấp để phẫu thuật vì gãy chân.

“Đặc sản” V-League

Giải đấu danh giá nhất của bóng đá Việt Nam trước khi xuất hiện những hình ảnh xấu xí, đáng lên án như vừa rồi của Đinh Văn Ta đối với Danny David, Anh Tuấn của HAGL với Bruno và mới đây là Đình Đồng với Anh Hùng của HV.An Giang vốn đã đầy rẫy những hình ảnh rợn người.

V-League 2012, để đáp trả lại hành động phi thẳng hai chân theo kiểu triệt hạ đối phương của Huy Hoàng bên phía SLNA, tiền đạo Samson của Hà Nội T&T (bây giờ là Hoàng Vũ Samson) sau khi nhảy lên tránh đòn đã không quên “gửi” lại nguyên cái gầm giày vào mặt trung vệ đội bóng xứ Nghệ.

Hậu quả là “tượng đài một thời” của bóng đá Nghệ An bất tỉnh ngay trên sân và sau đó là nhập viện gấp.

Đinh Văn Ta
Đinh Văn Ta

Hay như V-League năm ngoái, trong một pha tranh chấp trên không, hậu vệ Đức Tuấn của Thanh Hóa đã bị tiền vệ Hector của SLNA (hiện khoác áo Hà Nội T&T) “đánh” kín, khiến cho cầu thủ người Hà Nội bị choáng.

Vài phút sau khi cố gắng đứng dậy thi đấu, Đức Tuấn đã đổ vật xuống sân rồi vào viện gấp. Ngoài tình huống trên, Hector còn khiến một cầu thủ khác của Thanh Hóa là Nastja Ceh đổ gục xuống sân khi dùng cùi chỏ đánh mạnh vào ngực.

Bên cạnh những hình ảnh xấu xí, rợn người ấy, V-League còn chứng kiến biết bao cảnh tượng hãi hùng khác, như khán giả quá khích tìm cầu thủ để thanh toán, HLV nhục mạ trọng tài…

Phải chăng, bạo lực sân cỏ đang là thứ “đặc sản quý giá” của sân chơi danh giá nhất bóng đá Việt Nam?  

Trách tại con đường

Bấy lâu nay, mỗi khi có bạo lực hay ẩu đả, các trọng tài thường là “địa chỉ” để quan chức, lãnh đạo, cầu thủ các đội bóng tìm đến để đổ lỗi.

Thực tế cho thấy, việc đội ngũ “cầm cân nảy mực” bị quy trách nhiệm, ở chừng mực nào đó chỉ đúng một phần.

Bởi cũng có trường hợp vì không kiểm soát nổi trận đấu hay cái đầu có tư tưởng tiêu cực nên các ông “vua sân cỏ” đã khiến cho trận đấu bị vỡ vụn, rồi dẫn đến những lỗi nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nhìn từ thực trạng của bóng đá Việt Nam trong suốt thời gian qua, việc bạo lực bùng phát như hiện giờ, sự dung túng, thiếu nghiêm minh của những người có trách nhiệm của VFF, VPF, lãnh đạo các đội bóng… cũng được xem là nguyên nhân chính.

Bởi nếu các cầu thủ được giáo dục tư tưởng, đạo đức tốt một cách kỹ càng, án kỷ luật được đưa ra một cách nghiêm minh… thì V-League sẽ khó có những hình ảnh xấu xí như hiện giờ.

Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam lại ngập tràn những hình ảnh đen tối như hiện tại, và với những gì đang diễn ra, việc người ta đang lo ngại cho nền bóng đá nước nhà rồi đây sẽ trôi nổi về đâu là hoàn toàn có cơ sở.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn