Mới đây, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức và PGS.TS Huỳnh Trọng Khải - Hiệu trưởng Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM đã cùng đặt bút ký hợp đồng đào tạo đại học dành cho các cầu thủ trẻ thuộc khóa 1 Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG.
Theo đó từ cuối tháng 10/2014, 19 cầu thủ trẻ đầu tiên của học viện sẽ chính thức trở thành tân sinh viên của trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM sau khi tốt nghiệp THPT.
Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (trái) và PGS.TS Huỳnh Trọng Khải bắt tay hợp tác. |
Nếu hoàn thành đủ 144 tín chỉ theo quy định, các cầu thủ trẻ của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG sẽ có bằng đại học vào tháng 6 năm 2018. Dự kiến, lớp học sẽ diễn ra tại Trường ĐH Sư phạm TDTT TP.HCM hoặc tại học viện ở Pleiku.
Quyết định "vô tiền khoáng hậu" của Bầu Đức
Năm 2007, trong hợp đồng đào tạo được ký kết giữa học viện với phụ huynh các cầu thủ năng khiếu được chọn có quy định - bên cạnh việc đào tạo các em trở thành cầu thủ, học viện có bổn phận chăm lo việc học văn hóa, bảo đảm đến khi tròn 18 tuổi tất cả đều tốt nghiệp THPT và đủ khả năng giao tiếp với người nước ngoài bằng tiếng Anh, tiếng Pháp.
Chiếu theo điều khoản của hợp đồng, có thể nói đến thời điểm này Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đã hoàn thành khi các cầu thủ trẻ đã chuẩn bị tốt nghiệp THPT. Trong khi đó về trình độ ngoại ngữ có lẽ hiếm có cầu thủ người Việt Nam nào có thể trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh với báo chí nước ngoài như các học viên tại Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG.
Cầu thủ Học viện HA.GL Arsenal JMG cùng ông Đoàn Nguyên Đức (áo trắng) và ông Lê Hùng Dũng. |
Cụ thể nằm trong khuôn khổ luyện tập, thi đấu cọ sát trong chuyến huấn luyện tại Vương quốc Anh và một số nước châu Âu trong gần 1 tháng qua, các cầu thủ U19 Việt Nam mà nòng cốt là 19 cầu thủ thuộc Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đã khiến giới truyền thông tại Anh ngạc nhiên bởi trình độ ngoại ngữ của mình.
Ngay sau chiến tháng 3-0 đầy bất ngờ trước các cầu thủ trẻ của câu lạc bộ Arsenal, cầu thủ Lương Xuân Trường (một trong 19 thành viên của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG -PV) đã không ngần ngại khi trả lời những câu hỏi của phóng viên bằng tiếng Anh một cách tự tin.
Có thể nói, việc quyết định cho các cầu thủ trẻ thuộc khóa 1 Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG được tiến lên học đại học hoàn toàn không nằm trong điều khoản hợp đồng ký giữa học viện với phụ huynh các học viên.
Nói cách khác, việc cho các cầu thủ trẻ học lên đại học là ý tưởng mới của Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức (người thường được biết đến với tên gọi Bầu Đức – PV), đơn vị chủ quản Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG.
Việc một ông bầu bóng đá quyết định đầu tư cho các cầu thủ trẻ của mình được học đại học là một ý tưởng “vô tiền khoáng hậu” tại Việt Nam và hiếm thấy trên thế giới. Lâu nay nói đến giới ông bầu bóng đá người ta thường nghĩ ngay đến cách làm kinh tế từ bóng đá, ở đó các cầu thủ trẻ đơn giản được các câu lạc bộ đào tạo, huấn luyện chuyên môn, sau đó họ được ký hợp đồng chuyên nghiệp với câu lạc bộ hoặc sẽ được bán cho các đội bóng khác.
Như vậy, các cầu thủ trẻ họ chỉ được các đội bóng dạy cách chơi bóng trên sân cỏ còn vấn đề học văn hóa hoàn toàn do các cầu thủ tự lo, đội bóng không có trách nhiệm.
Cầu thủ thực sự phải có trình độ văn hóa
Vậy vì sao Bầu Đức quyết định cho các cầu thủ trẻ đi học đại học? Liệu với sự đầu tư của Bầu Đức, các cầu thủ trẻ có đủ bản lĩnh khi bước ra khỏi Hoàng Anh Gia Lai?
Tuy nhiên, khi đề cập đến ý tưởng cho các cầu thủ trẻ của mình đi học, Bầu Đức xua tay coi đó là chuyện bình thường mà ông nghĩ rằng mình cần phải làm cho các cầu thủ trẻ. Trong suy nghĩ của Bầu Đức, một triết lý đơn giản: “Việc các cháu học xong chương trình THPT, tốt nghiệp THPT tiến tới học đại học tôi cho là việc hết sức bình thường. Học càng nhiều được thì càng tốt, học bao nhiêu tốt bấy nhiêu”.
Đằng sau việc học đó theo ông Đức điều cốt lõi các cầu thủ trẻ sẽ có được nền tảng tri thức cơ bản, có trình độ văn hóa nhất định để bước vào đời. “Với tôi con người đầu tiên phải có văn hóa, muốn làm cái gì trên bất cứ lĩnh vực nào cũng thế. Thậm chí ngồi nhậu bia rượu cũng phải có văn hóa mới hay. Cho nên làm kinh tế, thể thao hay bất cứ lĩnh vực nào văn hóa phải được đặt lên hàng đầu”, Bầu Đức chia sẻ.
Lý giải cách làm “khác người” của mình, không giống với một ông bầu bóng đá đúng nghĩa, Chủ tịch HAGL cho rằng: “Mỗi người có cách làm khác nhau, cách làm của tôi khác với mọi người, đôi khi người ta không thích, nhưng đây là cách làm của HAGL, người khác muốn làm cũng không được”.
Đội tuyển U19 Việt Nam nòng cốt là 19 cầu thủ thuộc Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG đang huấn luyện thi đấu tại Vương quốc Anh. |
Đặt lên bàn cân chuyên môn và trình độ văn hóa của một cầu thủ, điều gì quan trọng hơn? Bầu Đức cho rằng cả hai đều quan trọng như nhau, bởi một cầu thủ bóng đá thực thụ với Bầu Đức là phải bao gồm cả trình độ chơi bóng và trình độ văn hóa.
“Một công cử đi học đó chỉ là cách nói ví von, còn theo tôi, một cầu thủ bóng đá thực thụ phải có trình độ văn hóa nhất định. Từ trình độ văn hóa nhất định mà ở đây trình độ đại học sẽ có cách cư xử khác, cách giao tiếp khác”, ông Đức nhận xét.
Về những lo lắng việc học đại học của các cầu thủ trẻ sẽ ảnh hưởng đến việc luyện tập thi đấu nhất là khi các cầu thủ trưởng thành bên cạnh việc thi đấu cho các câu lạc bộ còn đảm nhiệm vai trò trong đội tuyển quốc gia, tham gia các giải đấu quốc tế. Ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định, việc học không ảnh hưởng đến thi đấu của các các cầu thủ trẻ, bởi việc học đại học sẽ được thực hiện ở Trường Đại học Sư phạm TDTT TP.HCM hoặc tại tại học viện ở Pleiku.
“Việc học sẽ không ảnh hưởng đến luyện tập thi đấu, bao năm nay các cháu vẫn vừa học vừa luyện tập thi đấu tốt”, Bầu Đức cho biết.
Theo Giáo dục Việt Nam