Từ chị em tiểu thương khóc ròng...
Khi World Cup càng vào sâu thì những gay cấn của giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh này lại càng thu hút nhiều người xem. Tại một số địa điểm như chợ đêm Đồng Xuân, chợ đêm sinh viên, chợ hoa Quảng Bá..., ngày thường, tại các chợ đêm này đến người đi bộ cũng khó mà chen vào các khu vực chính để mua hàng vì lượng người quá đông, còn trong mùa World Cup, lượng khách giảm hẳn. Người vào chợ thoải mái vi vu trên xe máy, xe đạp. Các gian hàng đông đúc khách trước kia bây giờ chỉ lèo tèo vài ba người tới hỏi giá.
Thời điểm các trận đấu diễn ra (lúc 11h), thời điểm được coi là “giờ vàng” buôn bán thì chủ quán đến nhân viên bán hàng rảnh rang ngồi buôn chuyện giết thời gian. Mới hơn 21h, nhiều sạp đã rậm rịch dọn hàng.
Không khí vắng vẻ của các chợ đêm mùa World Cup.
Chúng tôi tạt vào một quán nước bên chợ Đồng Xuân, ngay lập tức được nghe những lời than của bà chủ quán: “ế ẩm nửa tháng nay rồi các chú ạ! Từ ngày có cái “Uất Cup” người ta đi xem bóng đá hết, chả mấy ai ra chợ, nhất là đám thanh niên trẻ. Nếu trước đây phải hơn 11h khuya mới dọn hàng thì dạo này cứ tầm 10h đêm, là hàng nào hàng nấy rậm rịch nghỉ sớm. Tôi bán nước ở chợ mà chưa khi nào thấy vắng thế”.
Bà chủ quán nước cũng cho biết, khoản nửa tháng nay, thu nhập của các tiểu thương sụt giảm rõ rệt. “Trước đây, cửa hàng có hai nữ nhân viên nhưng tạm thời tháng này tôi cho nghỉ. Đêm xuống là người ta đổ qua hàng ăn, quán nhậu để xem bóng đá chứ mấy ai vào chợ”, chị Nhâm, một tiểu thương bán quần áo cho biết.
Chị cũng chia sẻ: “Những tưởng bóng đá thì chỉ đàn ông xem không nhưng giờ chị em cũng mê, bán hàng bây giờ khó khăn thật. Cả đêm nay mới bán được đúng 200.000 đồng, chỉ có vài ba khách nữ ghé mua. Tối nay là còn đỡ đấy, có hôm không bán được xu nào. Trước kia chị em đi theo bạn trai bán cũng ổn”.
Hoạt động kinh doanh tại chợ Long Biên lại gặp cảnh khá bi hài khi cánh đàn ông khoẻ mạnh thường xuyên “đổi công” xem bóng đá bởi giải đấu đang bước vào những vòng loại trực tiếp.
Chị T.N.P. T, chủ một gian hàng cho hay: “ế lắm, trước đây, tôi bày đặc hàng nhưng dịp này chỉ bày một nửa thôi vì đỡ mất công thu dọn hàng. Cánh đàn ông cũng mải xem World Cup, nhiều lúc mải cá độ mà quên cả đi làm. Trước khi có “Uất Cup” có bao giờ tôi phải nghĩ đến việc gọi người kéo xe khó khăn đâu. Nhưng từ khi có “Uất Cúp” cánh thanh niên hiếm hẳn”. Chị T. thở dài: “Chỉ mong cái “Uất Cúp” này nó sớm kết thúc để mọi việc trở lại bình thường”. ông chồng chị cũng mê bóng đá nhưng vẫn mong World Cup kết thúc nhanh để việc buôn bán lấy lại khí thế.
Đến cánh xe ôm khóc dở, mếu dở vì “Uất Cup”
Trong những ngày diễn ra World Cup, nhiều người chọn ở nhà hoặc tụ tập bạn bè để thưởng thức các trận đấu nên lượng khách ra đường cũng vắng hẳn. ít khách, cánh xe ôm chỉ biết ngồi bó gối “ngáp ngắn, ngáp dài” chờ đợi trong mòn mỏi. Tâm trạng của các tài xế xe ôm này cũng chán World Cup không kém gì chị em tiểu thương.
Cần phải chạy về sớm xem World Cup, tôi gọi vội chuyến xe ôm từ Thanh Xuân về Cầu Giấy. Vừa vẫy tay, ngay lập tức 4 – 5 xe ôm đã xúm đến, có vẻ như việc cạnh tranh khá gay gắt. Với lý do cùng đường “về xem bóng đá” nên tôi đã chọn bác Tư nhà ở Cổ Nhuế đưa về. Trên đường đi bác Tư thú thật: “Từ ngày có bóng tôi cũng không chạy đêm nhiều. Bình thường chạy đêm cũng được hơn chục cuốc. Nhưng kể từ ngày có World Cup, khách vắng lắm. Mỗi đêm may mắn cũng chỉ được vài ba cuốc là nhiều. Như bữa nay, tôi đứng từ 5h chiều tới giờ mà chỉ kiếm được có hai cuốc ngắn”.
Vợ chồng đánh nhau vì World Cup Trong lúc ngồi trà đá bên chợ đầu mối Long Biên, chúng tôi chứng kiến cảnh một đôi vợ chồng đánh nhau giữa chợ. Hỏi những người xung quanh thì được biết, những ngày có World Cup anh chồng đã không chịu làm lại còn mang tiền đi cá độ bóng đá. Chị vợ phát hiện anh chồng vừa “làm kèo” với một đồng nghiệp để cá độ trận Colombia – Urugoay. Hai vợ chồng lời qua tiếng lại, làm ầm cả một góc chợ... |
Trước kia, khách quen của ông Tư thường là các mối về khuya. Bên cạnh đó, ông cũng kiếm được nhiều khách lạ. Thế nhưng, hơn một tuần diễn ra World Cup, nhiều người bị “hút” vào bóng đá. Các mối quen cũng nghỉ luôn. Khách vãng lai cũng ít, công việc chạy xe ngày càng ế ẩm. Đa số khách tập trung tại các quán nhậu, quán cà phê hoặc quán ăn, nhà hàng.
Cũng như ông Tư, cánh xe ôm ở Cầu Giấy cho biết, khách đi đêm giảm hẳn một lượng lớn. Nhiều cặp đôi trước kia đi chơi về khuya vẫn thường đi xe ôm về nhưng những ngày diễn ra World Cup, họ ở nhà xem bóng đá. Chẳng có khách nên xe ôm trở nên ế ẩm.
Cũng theo những người chạy xe ôm đêm ở Hà Nội, những ngày bình thường, trừ tiền xăng họ cũng kiếm được trung bình khoảng 150.000 đồng. Thế nhưng, hơn một tuần World Cup diễn ra, khách vắng tanh, trung bình một đêm chỉ kiếm được vài chục ngàn. Tình trạng ế khách kéo dài, không có tiền trang trải cuộc sống, nhiều người đã phải bỏ nghề để chuyển sang công việc khác.
Anh Sơn, một người chạy xem ôm trên đường Giải Phóng cho biết: “Trước kia anh em chạy ban đêm kiếm cũng không đến nỗi nhưng những ngày World Cup này, khách vắng teo. Một đêm được mấy “cuốc” chỉ đủ tiền đổ xăng nên nhiều người bỏ, không chạy nữa hoặc chuyển qua chạy ban ngày. Cuộc sống đã khó khăn giờ còn túng thiếu hơn”.
Bản thân anh Sơn cũng không chạy xe ban đêm nữa mà chuyển qua chở hàng ăn đêm. Anh tâm sự: “Làm hàng ăn đêm cũng kiếm đỡ nhưng mệt. Đôi khi khách gọi có vài suất mà tìm nhà đến khổ. Tiền bo chả được bao nhiêu. Xăng bây giờ lại tăng giá. Nhưng không làm thì biết lấy gì mà sống hả chú”.
Theo Người Đưa Tin